Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Ông làm tới chức Thừa tướng của nhà Thục Hán và là một trong số những người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt hàng chục năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Trong đời cầm quân của mình, Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Trọng Đạt, hoả thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn…
Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: Trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao…
Sinh thời, ông là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục Hán, địa vị có thể ví như "dưới một người, trên vạn người". Tuy nhiên, trước khi trở thành Thừa tướng của nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng từng có quãng thời gian ở ẩn tại Long Trung. Dù nói là ở ẩn nhưng danh tiếng của ông vẫn được nhiều người biết đến bởi Gia Cát Lượng ở ẩn nhưng nhưng chí hướng “không ẩn”.
Sử sách ghi lại, Gia Cát Lượng khi xưa dù ẩn cư ở vùng Long Trung nhưng lại thường xuyên giao thiệp với các danh sĩ địa phương, danh tiếng từ sớm đã vang xa. Đó cũng là một trong những lý do khiến danh sĩ nổi danh ở Kinh Châu là Tư Mã Huy quyết định tiến cử Khổng Minh cho Lưu Bị.
Việc Gia Cát Lượng kết giao với các danh sĩ trong vùng không chỉ chứng minh ông là người có mạng lưới giao thiệp rộng rãi mà còn gián tiếp chỉ ra khao khát khẳng định bản thân, tạo dựng thành tựu của nhân tài hiếm có này.
Bên cạnh đó, sử sách cũng có ghi lại chi tiết, Gia Cát Lượng lúc sinh thời thường xuyên so sánh bản thân mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Người đương thời chẳng mấy ai tin, nhưng vài người như Thôi Châu Bình và Từ Thứ có giao du với ông thì tin ông có tài như vậy.
Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, trước khi Từ Thứ đến với Tào Tháo, ông đã tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Sau đó Lưu Bị tìm đến Long Trung để thỉnh cầu Gia Cát Lượng ra giúp nhưng hai lần đầu không gặp mãi đến lần thứ ba mới gặp được nên dân gian mới có điển tích "Lưu Bị tam cố thảo lư cầu hiền".
Khi được Gia Cát Lượng nói kế sách định quốc an bang, Lưu Bị vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức bước vào vũ đài chính trị.
Mặc dù được xem là một trong số ít những nhân tài có thể "an thiên hạ", nhưng Gia Cát Lượng không nương nhờ những thế lực vững chắc như Tào Tháo hay Tôn Quyền mà lại chọn Lưu Bị - một vị quân chủ từng chịu cảnh lép vế cả về tiếng tăm lẫn thực lực.
Thế nhưng thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, việc Gia Cát Lượng lựa chọn phò tá Lưu Bị là một trong những quyết định sáng suốt nhất đời ông. Bởi lẽ khi đi theo vị quân chủ ấy, Gia Cát Lượng vừa có nhiều "đất diễn" để thi triển tài năng, lại vừa có được một đội ngũ cùng chung chí hướng.
Sự cống hiến của Khổng Minh đã đem tới cho Lưu Bị và Thục Hán những thành tựu trên cả mong đợi, còn bản thân vị mưu sĩ ấy cũng để lại tiếng thơm muôn đời.
Nhiều người đánh giá việc Gia Cát Lượng lựa chọn ở ẩn để quan sát thời thế, nhưng lại không ngừng kết giao với nhiều danh sĩ nổi tiếng chính là một bài học thâm thúy về nghệ thuật xây dựng thương hiệu cá nhân.
Người khôn ngoan thực sự sẽ không đem tài năng của mình đi rêu rao một cách bừa bãi. Thay vào đó, họ sẽ khôn khéo phô diễn năng lực cho những người có thể giúp mình quảng bá tên tuổi, từ đó gây dựng thanh thế của bản thân một cách tinh tế và khôn ngoan.