Dân Việt

Khi người lính trở về trên những chiếc xe lăn (kỳ 2): Day dứt những vết thương vô hình

Gia Tưởng 27/07/2020 06:00 GMT+7
Đối với những người thương binh bị chấn thương cột sống, thân thể họ phải gánh chịu những vết thương, những cơn đau đến chết đi sống lại. Nhưng điều đó vẫn chưa lột tả hết được sự đau đớn trong tinh thần. Nỗi đau âm thầm, vô hình, không dễ sẻ chia mà chiến tranh đã đeo đẳng suốt cuộc đời của họ.

Người lính đặc công buộc mình vào xe lăn

Căn phòng công vụ của ông Vũ Đình Ngậu (71 tuổi) mà tôi đến tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có vẻ tối và bừa bộn hơn so với những gia đình thương binh khác trong trung tâm. Ông Ngậu đang ngồi ở giữa nhà trên xe lăn.

Khi người lính trở về trên những chiếc xe lăn (kỳ 2): Day dứt những vết thương vô hình - Ảnh 1.

Khi người lính trở về trên những chiếc xe lăn (kỳ 2): Day dứt những vết thương vô hình - Ảnh 2.

Ông Vũ Đình Ngậu và kể về nỗi đau âm thầm của gia đình. Ảnh: Gia Tưởng

"Chiến tranh đã qua rất lâu rồi, nhưng với gia đình nhà tôi vẫn đang như trong chiến trường, hàng ngày, hàng giờ vẫn phải chiến đấu, vật lộn với cuộc chiến là chính cuộc đời mình".

Ông Vũ Đình Ngậu

Đặt tay lên đùi trái, nơi phần cẳng chân đã bị tiện đứt, ông nói: "Bố tôi sinh 6 chị em, chỉ tôi là con trai độc nhất, nhưng tôi vẫn xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Tôi vào chiến trường từ tháng 3/1967, đánh nhau với Mỹ - ngụy như cơm bữa, vì địa bàn hoạt động của đơn vị là khu vực núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh.

Cuối năm 1973 sau một trận đánh phối hợp cùng với đơn vị bạn, chúng tôi giành thắng lợi lớn. Trên đường rút lui về căn cứ, tôi bị rơi vào tầm pháo của hỏa lực địch, chỉ nhớ lúc đó nghe tiếng rít kinh hoàng bên tai của đường đạn, rồi không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy tôi thấy mình ở bệnh viện tiền phương ngay trên núi Bà Đen, đầu óc không sao, tay không sao, chỉ thấy mình thiếu mất bên chân phải, nhưng buồn nữa là chân trái cũng không còn cử động được nữa. Các bác sĩ ở bệnh viện quân y thông báo, tôi đã bị thương vào cột sống, liệt vĩnh viễn nửa người với mức thương tật 90%.

Do sự ác liệt của chiến tranh, tôi đã phải lưu lại quân y trạm đúng một năm từ khi bị thương. Đến năm 1974 mới được đưa ra Bắc, năm 1976 thì về Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành này. Từ đó tôi xác định cả đời mình sẽ gắn trên chiếc xe lăn này. Những lúc trẻ khỏe, tôi tự sửa chữa xe lăn cho bạn bè, đồng đội. Đến năm 1982, sau nhiều lần tự lái xe lăn xuống các làng chơi tôi đã cảm mến cô gái Nguyễn Thị Nhàn người Ninh Xá, được trung tâm giúp đỡ và gia đình 2 bên ủng hộ, chúng tôi đã làm đám cưới, về sống với nhau và may mắn đón 2 trai, 1 gái lần lượt ra đời".

Vết thương vô hình

Nhắc đến gia đình giọng ông Ngậu buồn hẳn, phải đợi vài phút qua cơn xúc động, ông mới từ từ kể được vết thương vô hình mà ông cùng gia đình đang bị "hành hạ". Ông kể: "Tôi cưới năm 1982 đi đến năm 1983 có con trai đầu lòng đặt tên là Vũ Đình Thắng, sau đó năm 1986 sinh một em trai nữa đặt tên là Vũ Đình Long, và cô con gái út đến năm 1989 cũng ra đời đủ nếp đủ tẻ". Ông Ngậu không cho biết con gái út của mình tên là gì, chỉ nói rằng cô bị di chứng chất độc màu da cam.

Hai người con trai của ông Ngậu đều lớn lên khỏe mạnh, học hành và sinh hoạt hết sức bình thường. Cả 2 đều lấy vợ sinh con như bao chàng trai khác. Nhưng cách đây 4 năm, anh Thắng con trai lớn bỗng phát những cơn tâm thần, không kìm chế được bản thân lúc thì ngây dại, lúc thì đập phá. Cực chẳng đã vợ anh Thắng phải chia tay mang con đi. Anh Thắng được đưa vào bệnh viện tâm thần chữa bệnh, cứ được một thời gian bệnh tình đỡ về với gia đình thì lại phát bệnh phải đưa đi chữa tiếp.

Anh con trai thứ 2 của ông Ngậu tên Long, cũng lấy vợ và làm nghề thợ mộc, sinh được 2 con trai. Nhưng một ngày, vợ Long cũng đột ngột nói lời chia tay với anh, bỏ lại anh cùng hai đứa con thơ dại. Long hụt hẫng và mất tự chủ, khiến cuộc sống của gia đình ông Ngậu càng nặng nề hơn.

"Do vết thương thường xuyên tái phát, tôi vào sống 1 mình ở trung tâm thương binh nặng, hàng ngày tự nấu ăn, tắm giặt vệ sinh. Chế độ phụ cấp thương tật của tôi 1 tháng được gần 5 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện, vì cũng không ăn uống gì mấy để gửi về quê (Mỹ Hào, Hưng Yên) cho bà vợ tôi ở nhà hàng tháng đi lấy thuốc chữa bệnh tiểu đường, nuôi mấy đứa cháu nội mà mẹ chúng bỏ lại và chăm sóc một cô con gái bị chất độc màu da cam, một cậu con trai thường xuyên phải ở trại tâm thần"- ông Ngậu nói.

"Chiến tranh đã qua rất lâu rồi, nhưng với gia đình nhà tôi vẫn đang như trong chiến trường, hàng ngày, hàng giờ vẫn phải chiến đấu, vật lộn với cuộc chiến là chính cuộc đời mình. Và không biết cầm cự được đến lúc nào" - ông chia sẻ. Nhưng ông Ngậu vẫn rắn rỏi nói: "Với bản lĩnh của người lính, tôi không buông xuôi, không đầu hàng số phận dù vết thương vô hình vẫn âm thầm chà xát đau đớn mỗi ngày".