Dân Việt

Sau 2 ca nhiễm từ Đà Nẵng: Các tỉnh, thành phố triển khai phòng, chống dịch Covid-19 thế nào?

Quang Dân 26/07/2020 18:42 GMT+7
Ngay sau khi công bố ca bệnh mắc Covid-19 tại Đà Nẵng, hệ thống y tế dự phòng trong cả nước đã kích hoạt và truy vết các trường hợp tiếp xúc, tiếp xúc gần để tiến hành xét nghiệm, cách ly, ngăn không cho có nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.

Hai tỉnh láng giềng kích hoạt các đội phản ứng nhanh phòng, chống Covid-19

Là tỉnh liền kề với Đà Nẵng, Quảng Nam đã chính thức thông tin có đến 106 người dân địa phương tiếp xúc với 2 ca nhiễm Covid-19 thứ 416 và 418 tại Đà Nẵng và họ hiện đang được đưa vào các khu cách ly tập trung.

Đồng thời, ngành Y tế đang lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành kiểm tra các ca liên quan đến người cách ly để giám sát cách ly tại nhà. Tích cực phối hợp với Đà Nẵng để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và Đà Nẵng về các biện pháp tăng cường giám sát cách ly phát hiện ngăn chặn dịch lây lan.

Vào ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sau 2 ca nhiễm từ Đà Nẵng, các tỉnh, thành phố triển khai phòng, chống dịch Covid-19 thế nào?  - Ảnh 1.

Tỉnh Quảng Nam đang đưa 106 người tiếp xúc với 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng vào khu cách ly tập trung

Công văn yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân không được chủ quan, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Tích cực vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác quản lý tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý người nước ngoài đến cư trú, tạm trú bất hợp pháp tại Quảng Nam. Quản lý chặt chẽ người nước ngoài được phép làm việc, lưu trú trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, khách sạn, nhà nghỉ...

Tương tự, ngày 25/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ chủ trì buổi họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Tại cuộc họp, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát phương châm mà tỉnh đã thực hiện chống dịch Covid-19 hiệu quả trong thời gian qua là: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - dập bệnh.

Cơ quan chức năng ở tỉnh cần theo dõi chặt chẽ các trường hợp liên quan đến ca nghi nhiễm để thông tin, báo cáo kịp thời cho Ban chỉ đạo nhằm có những xử lý kịp thời. Khi có ca nghi nhiễm, phải tiến hành các biện pháp xét nghiệm, cách ly, truy vết những người tiếp xúc gần…

"Kịp thời kích hoạt 23 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng các chốt kiểm soát dịch bệnh, các khu cách ly, rà soát hệ thống khai báo y tế, khai báo người địa phương khác đến Huế, đặc biệt là đến từ Đà Nẵng. Khi phát hiện các trường hợp F1, phải nghiêm túc đưa vào các cơ sở cách ly, triển khai xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm, sẵn sàng các kịch bản có thể xảy ra", ông Thọ chỉ đạo.

Khai báo y tế trên phần mềm nCoV của Bộ Y tế với người trở về từ Đà Nẵng

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ban hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc công tác phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu kích hoạt hệ thống giám sát, đội phản ứng nhanh và khu cách ly tập trung trong tư thế sẵn sàng tác chiến.

Theo đó, những người từ Đà Nẵng đến TP.HCM từ 18/7 phải thực hiện khai báo y tế trên phần mềm nCoV của Bộ Y tế. Trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân 416, 418 hoặc người mắc khác (nếu có) sẽ được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Sau 2 ca nhiễm từ Đà Nẵng, các tỉnh, thành phố triển khai phòng, chống dịch Covid-19 thế nào?  - Ảnh 2.

TP.Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi công cộng. (Ảnh: Toàn Vũ)

Các trường hợp có triệu chứng liên quan đến Covid-19 trong vòng 14 ngày sau khi rời Đà Nẵng phải nhập viện, cách ly, xét nghiệm virus Corona. Những trường hợp khác trước mắt thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Tại Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã có công điện khẩn gửi Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu công an thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, quản lý, giám sát chặt chẽ tất cả những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về đang làm việc và cư trú trên địa bàn;

Chỉ đạo tổ dân phố, thôn xóm phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, báo cáo chính quyền địa phương để kiểm tra cách ly theo quy định phòng chống dịch Covid-19; xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép và các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (nếu có).

Xét nghiệm ngay các trường hợp nghi ngờ để phát hiện chẩn đoán xác định những trường hợp mắc bệnh; thực hiện rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi đông người; giám sát, quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các tỉnh, thành phố khác trên cả nước cũng đã có  văn bản đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, đối với các cán bộ, công chức, viên chức và toàn bộ người dân tạm dừng di chuyển đến thành phố Đà Nẵng với mục đích tham quan, du lịch, thăm thân, công tác và những công việc không cần thiết khác.

Đối với những người đang ở thành phố Đà Nẵng phải có các biện pháp tự bảo vệ, phòng chống lây nhiễm Covid-19; đối với những người từ Đà Nẵng về địa phương trong thời gian từ ngày 18/7/2020 trở lại, phải thực hiện khai báo y tế và tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà, khi có triệu chứng bất thường như sốt, ho, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế khám và lấy xét nghiệm theo quy định về phòng chống dịch.