San sẻ khó khăn...
Trong những người thương binh nặng về cột sống mà chúng tôi gặp ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, có lẽ bác Đinh Văn Bách (quê Thái Bình) là thương binh chống Mỹ trẻ nhất, năm nay mới 67 tuổi. Chỉ mới tiếp xúc ít phút, tôi đã cảm nhận được bác Bách là người rất nhiệt huyết, có cái nhìn bao quát mọi việc.
"Mọi vất vả đã qua và ở lại phía sau, còn tương lai và hi vọng đang ở phía trước. Những người thương binh như chúng tôi luôn kỳ vọng vào đất nước phát triển và giàu đẹp hơn trong tương lai".
Ông Nguyễn Văn Đát
Bác Bách kể: "Tôi đi lính từ lúc 18 tuổi, đánh rất nhiều trận ác liệt như năm 1972 ở Quảng Trị mà vẫn bình an vô sự. Đúng ngày 29/4/1975, khi đơn vị tôi đánh xong cửa mở ở phòng tuyến Tân Uyên, Bình Dương để tiến vào Sài Gòn, thì tôi dính đạn pháo vào cột sống, thương tật 91%. Khi tôi về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành thì gặp bà Nguyễn Thị Loan là bộ đội chuyển ngành về đây làm công tác chăm sóc thương binh nặng. Do tính cách và duyên số hợp nhau, thấy chịu đựng được nhau, nên chúng tôi quyết định góp gạo thổi cơm chung, sinh được 1 gái, 1 trai".
Hoàn cảnh thương binh và người chăm sóc thương binh thì nhiều vất vả, nhưng ông Bách và bà Loan đã nuôi được 2 con của mình ăn học đàng hoàng. Ông Bách chia sẻ: "Vợ chồng tôi giờ có lương hưu và phụ cấp thương tật cũng được chục triệu mỗi tháng. Nhà cửa thì là nhà công vụ mà nhà nước xây cho, cũng thuận tiện sinh hoạt đi lại trong nhà. Giờ tôi đang hoạt động trong hội đồng thương tật của trung tâm, thực ra là lo cho anh em đồng đội đồng chí của mình, cùng anh em tham gia các hoạt động sao cho vui vẻ, tích cực và có ích. Còn các con đều xây dựng cuộc sống riêng, có công ăn việc làm ổn định. Cứ đến cuối tuần đợi các con, cháu về chơi là tôi cảm thấy vui vẻ, mãn nguyện rồi".
Cách nhà ông Bách không xa là nhà bà Trần Thị Hồng, 75 tuổi. Bà Hồng là thương binh bị mất cả 2 tay, thương tật 92%, nhưng bà luôn mang trong mình một nghị lực phi thường. Tuy không còn đôi bàn tay nhưng bà Hồng vẫn chăm sóc được gia đình chu đáo. Bà Hồng có 2 con trai ăn học và công tác rất thành đạt. Anh Nhân - con trai lớn của bà Hồng là thạc sĩ toán tin, đang giảng dạy ở Trường Chuyên tỉnh Bắc Ninh. Anh Đức - con trai thứ hai là thạc sĩ kinh tế, đang công tác tại Sở KHĐT tỉnh Bắc Ninh.
Bà kể: "Tôi và ông Uyên thương nhau từ chiến trường. Tôi bị trúng bom Mỹ, mất cả đôi tay nên mặc cảm, không còn nghĩ đến lời hẹn ước với ông Uyên nữa. Nhưng 6 năm trời ông ấy đi tìm tôi. Và chúng tôi đã đến được với nhau, rồi lần lượt sinh hai con trai. Lúc đó cuộc sống của những người thương binh thiếu thốn lắm, tôi đã đi lên tận Thái Nguyên buôn chè, đưa về những chợ ở Thuận Thành để bán. Mình chẳng còn tay, lúc đi lên Thái Nguyên lấy chè phải nhờ người ta vác lên xe xuống xe cho, còn khi bán thì khách mua tự cân, tự trả tiền, ai cũng thương tôi nên chẳng bao giờ trả thiếu cả".
Mới đây, ông Uyên qua đời vì tuổi cao sức yếu. Hai con trai đều sống và công tác ở TP.Bắc Ninh, thường xuyên thay nhau về thăm mẹ. Bà Hồng chia sẻ: "Tôi ở một mình nhưng vẫn tự nấu ăn, tự sinh hoạt cá nhân được bình thường. Các con cũng nhiều lần muốn đón tôi lên thành phố sống cùng, nhưng tôi đã chọn ở đây sống cùng với các đồng đội, hương khói cho ông nhà. Ngày nghỉ được con cháu về chơi là niềm vui lớn nhất của người già như tôi".
Niềm vui từ con cháu
Cả một buổi tôi được tâm sự với ông Nguyễn Văn Đát - thương binh bị mất 2 tay, thương tật 90% và bà Nguyễn Thị Loan để hiểu thêm về quãng đường mà ông bà đã trải qua trong cuộc sống. Ông Đát bị thương năm 1978 ở chiến trường Tây Nam. Ông đi bộ đội lúc đó đã có vợ và cậu con trai Nguyễn Văn Đương (SN 1975), lúc vào chiến trường chiến đấu thì biết tin vợ đang mang bầu người con thứ 2.
Rồi ông Đát bị thương, mất 2 tay. Sau khi được cứu chữa, điều trị, sức khỏe khá lên, không muốn vợ phải lo toan nhiều quá khi kinh tế gia đình làm nông nghiệp khi ấy rất vất vả, ông Đát đã đeo tay giả và tập đi xe đạp, rồi đạp xe chạy chợ. Ông Đát kể: "Tôi không nhớ mình bị ngã xe bao nhiêu lần nữa, nhưng có lúc tôi đã chở được 120 lít rượu từ làng Vân đi gần 30km về Thuận Thành bán, hay đi lấy 100kg đậu nành từ Gia Lâm, Hà Nội về cho vợ con xay ra làm đậu, lấy bã nuôi lợn. Cứ cái xe đạp, đâu có hàng là tôi cũng lao đi chở về nhà cho vợ bán".
3 người con của ông bà, tuy ở nhà phải giúp bố mẹ làm việc vất vả như làm đậu, nuôi lợn, rồi làm đồng, chạy chợ..., nhưng cả 3 đều học rất giỏi và đỗ đại học. Con trai cả Nguyễn Văn Đương hiện là Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thuận Thành.