Tư Mã Ý là một trong những mưu sĩ quan trọng của Tào Tháo, là một chính trị gia và mưu lược gia có tiếng thời kỳ Tam Quốc, cũng là người đặt nền móng cho triều đại Tây Tấn của Trung Quốc.
Tư Mã Ý túc trí đa mưu, từng hiến rất nhiều diệu kế cho Tào Tháo, chẳng hạn như khi Quan Vũ công vây Tương Dương Phàn Thành, uy trấn Hoa Hạ, Tào Tháo bị dọa sợ từng có ý định dời đô, nhưng lúc này, Tư Mã Ý đã can ngăn, cho rằng Tôn Quyền và Lưu Bị ngoài mặt là thân nhau (anh vợ em rể), nhưng bên trong không hòa thuận muốn thôn tính nhau và Tôn Quyền sẽ trở mặt đánh Quan Vũ, đồng thời kiến nghị Tào Tháo liên kết với Tôn Quyền, đánh úp Quan Vũ, cuối cùng dẫn tới thất bại và cái chết của Quan Vũ, giải vây được cho Phàn Thành. Có thể nói, mưu lược của Tư Mã Ý có thể sánh ngang được với Tuân Úc, Quách Gia hay Giả Hủ.
Giai đoạn Gia Cát Lượng bắc phạt, Tư Mã Ý chống chọi với đại quân của Khổng Minh, cùng Gia Cát Lượng đấu dũng đấu trí, sau này, Tư Mã Ý thông qua chính biến Cao Bình Lăng đoạt lấy quyền lực nhà Tào Ngụy, trở thành quyền thần, cuối cùng, gia tộc Tư Mã Ý thay thế gia tộc họ Tào, thành lập nên vương triều Tây Tấn, đặt dấu chấm hết cho thời kì Tam Quốc giao tranh liên miên, binh đao loạn lạc.
Trong suốt cuộc đời của Tư Mã Ý, ai mới là người có thể khiến cho người đặt nền móng cho cả một triều đại sau này phải kiêng dè? Có thể trấn áp được Tư Mã Ý, chẳng qua cũng chỉ có 6 người, họ là những ai?
Người đầu tiên chắc chắn là Tào Tháo. Tào Tháo hùng tài đại lược, chinh chiến cả đời, tiêu diệt không biết bao nhiêu quần hùng, thống nhất phương Bắc, diệt Viên Thiệu, đánh bại Viên Thuật, bắt được Lã Bố, định được Lưu Biểu, hạ được Trương Lỗ, đuổi được Mã Siêu, có thể nói, Tào Tháo gần như là thiên hạ vô địch, chỉ là không may để lọt mất Tôn Quyền và Lưu Bị.
Tào Tháo anh minh thần võ, điều này không cần bàn nhiều, Tào Tháo không chỉ trấn áp được Tư Mã Ý, mà còn có thể trấn áp được tất cả nhân viên trong tập đoàn của mình, Hán Hiến đế trước mặt Tào Tháo cũng trở thành con rối, có thể khống chế được cả hoàng đế, đủ thấy được sự lợi hại của Tào Tháo.
Khi Tào Tháo còn sống, Tư Mã Ý chỉ có thể ngoan ngoãn nghe lời, không dám ho he nửa câu.
Ngoài Tào Tháo, có thể trấn áp được Tư Mã Ý còn có con trai của Tào Tháo là Tào Phi và con trai của Tào Phi là Tào Duệ, chính là Ngụy Văn đế và Ngụy Minh đế.
Khi Tào Phi còn tại thế, Tư Mã Ý phò tá Tào Phi, dành được sủng ái giữa sự tranh giành của quần thần, trước khi qua đời, Tào Phi đã lệnh cho Tư Mã Ý và Tào Chân phò tá Hán Minh Đế Tào Duệ. Tư Mã Ý dưới thời Tào Phi cũng trước cung sau kính, không dám làm bừa.
Dưới thời Tào Duệ, Tư Mã Ý liên tục được thăng cấp, quan càng làm càng to, chức quan ngày càng quan trọng, chẳng hạn như đại tướng Phủ quân, đại tướng quân hay Thái úy. Tiếc rằng, Tào Duệ mệnh mỏng, chỉ sống được tới 36 tuổi. Tào Duệ trước khi qua đời đã ủy thác cho Tư Mã Ý và Tào Sảng phò tá Tào Phương, Tào Sảng lại quá bất cẩn, lơ là cảnh giác, dẫn tới việc Tư Mã Ý phát động chính biến Cao Bình Lăng, đoạt lấy đại quyền. Khi Tào Duệ còn tại vị, Tư Mã Ý vẫn không hề dám ngo ngoe, không dám có một chút động thái làm càn.
Ngoài Tào Tháo, Tào Phi và Tào Duệ, có thể khiến Tư Mã Ý kiêng dè còn có Tào Hưu và Tào Chân.
Tào Hưu và Tào Chân đều là hai tướng lĩnh khá lợi hại của gia tộc họ Tào. Tào Hưu từng được Tào Tháo ví như "Thiên lý câu" (ngựa khỏe ngàn dặm), thống binh đánh trận không nề hà, đã từng thống lĩnh đội quân Hổ Báo kị tinh nhuệ nhất của Tào Tháo. Trong trận Hán Trung, Tào Hưu từng nhìn thấu kế của Trương Phi, đánh bại tướng Thục Ngô Lan, sau đó, Tào Hưu luôn trấn thủ ở khu vực phía Đông, phòng ngự Đông Ngô. Tiếc rằng, Tào Hưu sớm hi sinh trong trận Thạch Đình. Nếu Tào Hưu còn sống và nắm trong tay một phần binh lực, Tư Mã Ý cũng nhất định không dám làm bừa.
Tào Chân là cha của Tào Sảng. Trong chính sử, Tào Chân rất giỏi võ nghệ, dẫn binh, cũng từng thống lĩnh đội quân tinh nhuệ Hổ Báo kị, từng một mũi tên bắn chết một con hổ, không hề không có khả năng như trong "Tam Quốc diễn nghĩa" miêu tả, lần bắc phạt thứ nhất của Gia Cát Lượng, cũng chính là Tào Chân phòng ngự tốt, buộc Gia Cát Lượng phải lui quân về Hán Trung. Đáng tiếc rằng Tào Chân cũng không sống được lâu, sớm qua đời. Nếu Tào Chân còn tại thế, Tư Mã Ý căn bản là sẽ không dám phát động chính biến.
Ngoài 5 người họ Tào, người có thể trấn áp Tư Mã Ý, chỉ có Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng thì không cần phải nói nhiều nữa, ông là nhà chính trị và quân sự vô cùng nổi tiếng, vậy vì sao Gia Cát Lượng có thể khiến Tư Mã Ý kiêng dè? Gia Cát Lượng bắc phạt, nhiều lần thách thức Tư Mã Ý, Tư Mã Ý lại không dám xuất trận, vì sao? Vì sao Tư Mã Ý lại can tâm làm con rùa rụt cổ? Vì Tư Mã Ý biết rõ cơ hội thắng không cao nên nhất định thủ không chịu ra.
Gia Cát Lượng còn từng khiêu khích thách thức Tư Mã Ý ra nghênh chiến, thậm chí còn tặng váy đàn bà cho Tư Mã Ý, chế nhạo Tư Mã Ý thân nam nhi nhưng gan đàn bà, nhưng Tư Mã Ý vẫn không dám xuất trận, chỉ dám ngồi chờ đợi, mong chờ sức khỏe Gia Cát Lượng ngày một yếu đi.
Có thể thấy, Tư Mã Ý sợ Gia Cát Lượng, căn bản không phải đối thủ của Gia Cát Lượng, vì vậy, Gia Cát Khổng Minh chính là người khiến Tư Mã Ý phải kiêng dè.
Tổng kết lại một chút, cả thời kì Tam Quốc, có thể trấn áp Tư Mã Ý bao gồm Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ, Tào Chân, Tào Hưu và một người phía địch là Gia Cát Lượng.