Vì vậy, làm sao tận dụng được tối đa hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được phép xuất khẩu sang EU không phải là điều dễ dàng, bởi cho đến nay, sản lượng gạo Việt xuất khẩu sang EU vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi cái mốc EVFTA chính thức được thực thi từ 1/8 tới.
Sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn
Phải khẳng định, 80.000 tấn gạo/năm trong hạn ngạch được phép xuất khẩu sang EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không phải là quá lớn so với số lượng gạo xuất khẩu khổng lồ của Việt Nam nhưng nó sẽ là cơ hội để nâng tầm gạo Việt, sẽ là cơ hội cho phân khúc sản phẩm cấp cao như gạo hữu cơ, gạo đặc sản có cơ hội vào được thị trường khó tính này.
Dù vậy, cho đến thời điểm này, gạo Việt Nam vẫn còn là một cái tên xa lạ với thị trường EU. Năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu được một số lượng hạn chế gạo sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gạo Việt khó tìm đường sang EU là bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175EUR/tấn với gạo xay xát, 65EUR/tấn với gạo tấm, 211EUR/tấn với lúa.
Nhưng với EVFTA, mọi rào cản về thuế suất gần như được xóa bỏ. "Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm" - ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) cho biết, sở dĩ gạo Camphuchia có lợi thế cạnh tranh ở thị trường EU là do họ được miễn thuế nhập khẩu. Trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU lại đang bị áp thuế rất cao, tới 45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn.
Ví dụ, nhiều loại gạo thơm thuộc dòng ST20, ST25 vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới bán vào thị trường EU với giá 700USD/tấn nhưng chịu thuế nhập khẩu 45%. Chính vì vậy, giá bán bị đội lên hơn 1.000USD/tấn. Riêng một số nước áp thuế 100% thì giá gạo thơm lên tới 1.400USD/tấn. "Khi thuế suất của ngành gạo vào EU về 0% sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho gạo Việt - ông Bình nói.
Sẽ đăng ký chủng loại gạo xuất sang EU
Để tận dụng ưu đãi từ EVFTA, Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU, trình Chính phủ thông qua.
Theo dự thảo này, tiêu chí cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo được xác nhận gồm: Gạo được sản xuất từ giống lúa có chất lượng hạt giống phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; giống lúa được gieo trồng trên diện tích đất có địa chỉ rõ ràng.
Cũng theo tiêu chí được đưa ra, đơn vị xuất khẩu có nhu cầu cấp giấy chứng nhận phải thực hiện thông báo với tổ chức cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo trước khi sản xuất theo mẫu. Trong quá trình sản xuất phải có sự kiểm tra 1 lần kèm theo tổ chức khảo nghiệm được chỉ định ở giai đoạn trước thu hoạch trong vòng 20 ngày...
Lúa sau khi thu hoạch được phơi, sấy; phải bảo quản, xay, xát, chế biến đóng gói tại cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Tuy nhiên, điều ông Bình băn khoăn là đa số các công ty xuất khẩu vẫn chưa nắm rõ quy trình, thủ tục, hồ sơ đầy đủ hợp lệ cho lô hàng gạo xuất khẩu sang EU để được ưu đãi. Mặt khác, các đơn vị xuất khẩu gạo cho rằng việc đưa xác nhận chủng loại gạo vào nội dung quản lý và điều chỉnh của nghị định là quá phức tạp, tốn kém. Do vậy, Nhà nước cần nghiên cứu những cách quản lý thông thoáng hơn.
Ông Bình cho rằng, để tận dụng có hiệu quả nhất những lợi thế mà EVFTA mang lại thì Bộ Công Thương cần tổ chức các lớp tập huấn/hội nghị để tuyên truyền về EVFTA cho doanh nghiệp. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần triển khai cho doanh nghiệp, người nông dân vấn đề canh tác, các tiêu chuẩn chất lượng hạt gạo phải làm sao để đạt được khi xuất khẩu vào EU.
Thậm chí, ngay cả khi chúng ta xuất khẩu vào EU rồi thì hai Bộ này vẫn cần có cách thức phối hợp chặt chẽ để quảng bá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thâm nhập sâu vào thị trường EU.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam và EU đã thống nhất chủng loại gạo và những yêu cầu cần đáp ứng khi xuất khẩu. Chính vì vậy, các lô hàng xuất khẩu phải có sự xác nhận và kiểm soát từ phía Việt Nam nhằm đảm bảo đúng chủng loại, đúng chất lượng theo yêu cầu. Hiện Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ NNPTNT để xây dựng nghị định, trong đó có hướng dẫn việc đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước cấp xác nhận chủng loại gạo.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phước Thành 4, do trước đây Việt Nam xuất khẩu gạo sang EU với sản lượng nhỏ lẻ, không đáng kể nên nhà nhập khẩu chưa ban hành quy chuẩn chính thức. Nay thực hiện cam kết EVFTA, thì việc quốc gia nhập khẩu ban hành quy chuẩn nhập khẩu là lẽ thường tình, điều này cũng tương tự với mặt hàng thủy sản.
Mặc dù hạn ngạch xuất khẩu gạo sang EU chỉ 80.000 tấn nhưng gạo xuất qua thị trường này là sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nên khi gạo Việt vào được EU thì vị thế sẽ được nâng cao hơn trên thị trường quốc tế. Do đó, phía cơ quan nhà nước cho rằng những tiêu chí đưa ra trong dự thảo nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU là biện pháp cần thiết và đúng yêu cầu của EU.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu từ phía thị trường EU đưa ra và chắc chắn xuất khẩu gạo sang EU sẽ khởi sắc khi EVFTA được thực thi từ 1/8 tới.
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,5 triệu tấn
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 đạt 409.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn với 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tính trong 5 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40% thị phần với khối lượng 1,3 triệu tấn, tương đương 598,6 triệu USD, tăng 23% về khối lượng và tăng trên 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Senegal tăng 18,3 lần, Indonesia tăng 2,9 lần và Trung Quốc tăng 2,3 lần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 485 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 38%; gạo nếp chiếm 19,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
P.V
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT):
Xuất khẩu gạo sang EU sẽ khởi sắc
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu từ phía thị trường EU đưa ra và chắc chắn xuất khẩu gạo sang EU sẽ khởi sắc khi EVFTA được thực thi từ 1/8 tới.
Thị trưởng EU yêu cầu rất cao về chất lượng gạo và nguồn gốc xuất xứ. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất cấm sẽ rất khó nhập vào thị trường này được. Theo đó, để tiếp cận được EU, doanh nghiệp phải có các giấy chứng nhận GlobalGAP và phải thay đổi trong canh tác, trồng trọt so với trước đây.
Cụ thể là hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để giữ chất lượng gạo và phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết với nông dân triển khai canh tác theo quy trình kỹ thuật quốc tế nên chắc chắn việc đáp ứng được những yêu cầu của thị trường này sẽ không quá khó khăn.
Anh Thơ (ghi)