Trong 9981 kiếp nạn Tây Du Ký, người ta thường nhớ về 3 lần Tôn Ngộ Không thẳng tay triệt hạ Bạch Cốt Tinh dù ả có ở hình hài mỹ nữ hay cụ già đi chăng nữa. Những tưởng trảm yêu diệt ma đã là bản tính của hầu tử nhưng hóa ra chẳng khác gì Đường Đăng, Tôn Ngộ Không cũng có khi thương hoa tiếc ngọc khiến cái tơ tình vương vấn quấn quýt vây hãm.
Ấy là ở kiếp nạn Động Bàn Tơ vốn đã quen thuộc với chúng ta với hình ảnh "7 con yêu tinh nhền nhện". Đường Tăng hôm ấy đích thân mình đi xin cơm chay, ai ngờ sa vào hang ổ của chị em chúng, bị phun tơ trói chặt, lối ra cũng bị tơ nhện bịt kín mít âm u. Tôn Ngộ Không dự cảm chẳng lành mới lại gần xem xét, hỏi thăm thổ địa vùng này mới biết các nữ yêu chiếm suối Trạc Cấu, chuẩn bị đến giờ đi tắm, hầu tử bèn biến hình để đi bắt chúng.
"Đại Thánh bèn trổ thần thông, biến thành một con nhặng xanh, đậu trên ngọn cỏ ven đường chờ đợi. Một lát sau, bỗng nghe thấy tiếng rào rào như tằm ăn rỗi, như nước triều dậy, trong khoảng thời gian chỉ độ uống xong chén nước, những sợi tơ đều biến mất hết, nhà cửa thôn trang lại hiện ra như cũ. Lại nghe kẹt một tiếng, cánh cửa sài mở ra, từ trong bảy cô gái đi ra cười nói ầm ĩ. Hành Giả lẳng lặng để ý, thấy mấy cô kề vai sát tay cười tươi nói nói, bước qua cầu, thật là tao nhã. Chỉ thấy:
Thơm tho hơn cả ngọc ngà
Dung nhan tươi tắn như hoa trên cành
Thướt tha vẻ liễu mùa xuân
Miệng cười chúm chím đỏ hồng đôi môi
Tóc mây thoa ngọc sáng ngời
Gót sen trắng muốt hé nơi ống quần
Khác nào tiên nữ giáng trần
Hằng Nga cung Quảng xuống phàm du chơi".
(Bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học).
Trong con mắt của Ngộ Không, 7 con yêu tinh nhền nhện được miêu tả chẳng khác nào trần gian mỹ nữ, được ví cả với Hằng Nga tiên tử, há chẳng phải là một điều kỳ lạ. Đoạn, lũ quỷ nhện tung tăng nghịch ngợm dưới nước, miệng cười không ngớt, nô đùa té nước giễu nhau. Nếu như tính cách vốn có của Tôn Ngộ Không, gã đã chẳng cần tốn thời gian mà đập cây gậy Như Ý của mình xuống giải trừ yêu quái, ấy thế nhưng lần này gã cứ lưỡng lự mãi, rồi tự nghĩ thầm:
- Ta mà đánh chúng, chỉ cần ngoáy cây gậy xuống nước, khác nào "chuột bị dội nước sôi", cả lũ toi mạng hết, như thế đáng thương lắm! Đành rằng đánh chúng chết thật, nhưng cũng mất danh dự lão Tôn. Thường có câu: "Con trai không đánh con gái". Đường đường là một đấng nam tử lại đi đánh mấy đứa con gái ranh, thực chẳng ra sao, không nên đánh chúng, chỉ cần dụng một kế tuyệt hậu, bắt chúng không dám rời đi đâu còn hay hơn nhiều.
Thoạt nghe lý do này của lão Tôn cũng có lý, bản thân gã đã tự hiểu rõ được rằng với pháp lực "nhàng nhàng" của 7 con yêu tinh vốn không có cửa để ngáng đường, càng không đủ bản lĩnh để đe dọa gã. Thế rồi, Ngộ Không biến thành một con chim ưng đói dang cánh bay đến, giơ móng sắc quắp hết bảy bộ quần áo treo trên giá rồi bay thẳng lên đỉnh núi, tới nơi còn phân trần với Bát Giới rằng: "Ta theo bọn chúng tới đó thấy chúng cởi quần áo xuống tắm, định đánh chết chúng, nhưng sợ bẩn cây gậy và mất danh dự".
Tuy nhiên họa cũng từ đây mà ra, nếu Ngộ Không ra tay từ sớm thì sau này Trư Bát Giới cũng không bị phun tơ trói chặt, cũng chẳng cần phải hao tâm tổn sức đấu đá với lũ con nuôi của nữ quái. Đỉnh điểm là khi tẩu thoát được khỏi Động Bàn Tơ, đến quán Hoàng Hoa, 4 thầy trò đã bị tên đạo sĩ - vốn là huynh đệ đồng song với 7 yêu tinh nhện hạ độc thủ - cũng là do chúng còn sống mới tìm đến được để mách lẻo, kể thù kể hận chứ đâu.
Cứ tưởng là kiếp nạn dễ dàng, ai ngờ đây lại trở thành một trong số những kiếp nạn suýt đoạt được mạng của Tôn Ngộ Không, khó khăn bậc nhất Tây Du Ký. Đường Tăng, Bát Giới và cả Sa Tăng đều trúng độc nặng suýt chết. Tôn Ngộ Không một mình đối đầu Đa Mục Quái, khi hắn cởi áo ra, hàng trăm con mắt ở bụng sẽ phát ra hào quang vàng, tạo thành một mạng lưới bao trùm đối thủ, khiến đối thủ toàn thân ê ẩm. Tôn Ngộ Không phải biến thành con Lăng Lý Lân, chúi chiếc đầu cứng xuống đất, chui liền một mạch hơn hai mươi dặm mới thoát khỏi, cũng vừa hay thấy thịt nhũn gân tê, toàn thân ê ẩm, ứa nước mắt.
Về sau, may nhờ có Lê Sơn Lão Mẫu chỉ điểm, Ngộ Không mời được Tỳ Lam Bồ Tát tới thu phục đạo sĩ yêu tinh, thầy trò mới thoát khỏi kiếp nạn.
Không phải là đồn đoán, chính tên hồi chương kiếp nạn đã ngụ ý thâm sâu
Tây Du Ký một chữ cũng không thừa, mỗi kiếp nạn đều tượng trưng cho một triết lý tu luyện hành Đạo sâu sắc. Bảy con yêu tinh phun tơ chính là tượng trưng cho "thất tình", là sợi dây tơ tình hay vương vấn cản trở người tu luyện, vừa là chuyện của Đường Tăng sa phải lưới nhền nhện, vừa là lỗi lầm khó chối bỏ của Tôn Ngộ Không khi "tiếc ngọc thương hoa", để sổng yêu quái, kéo dài đại nạn.
Lại nói trong nguyên tác văn học, hồi thứ 73 này có tên là: "Hận cũ bởi tình, gây nên đầu độc mới, Đường Tăng gặp nạn, Tỳ Lam phá hào quang", đã tiết lộ hàm ý thâm sâu của tác giả. Vì tình mà sinh hận, vì tình chưa hoàn toàn cắt đứt nên mới bị đầu độc một lần nữa. Dục vọng ái tình là thuốc độc đối với người tu luyện, có thể khiến nhân sinh chìm đắm mê muội, quên đi gốc thiện, lơ là cảnh giác, dùng dằng chẳng tha.
Tôn Ngộ Không thường ngày căm ghét lũ yêu ma, thấy đâu đánh đấy, đến thú cưỡi của Thần Phật còn chuyên "rình rình" giơ gậy lên đập ấy thế mà lần này lại phân biệt nam nữ. Chẳng lẽ cứ nữ yêu quái thì tha? Vậy cớ sao yêu quái "cao tuổi" hay còn "nhi đồng" gã vẫn xuống tay vô tình? Ngộ Không lần này sai rồi, chấp vào sắc tướng bề ngoài mới khởi niệm thương hoa tiếc ngọc...