Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại cuộc gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào chiều 30/7, tại Trụ sở Chính phủ.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, lãnh đạo một số bộ, ngành và 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Cuộc gặp mặt diễn ra nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh đóng góp quan trọng của các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, GS.TS. Nguyễn Trung Việt (Trường Đại học Thủy lợi) góp ý, quản lý khoa học nên tư duy theo quản lý đầu tư. Các đề tài khoa học công nghệ được khoán gọn theo đầu ra, nhưng thực tế triển khai còn khó khăn. Các đề tài còn phải bám theo các định mức chi tiêu của Nhà nước. Do vậy, thay vì tập trung cho nghiên cứu sáng tạo, đội ngũ khoa học công nghệ còn phải dành nhiều thời gian cho việc hoàn thiện chứng từ thanh toán.
Theo Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM, NSƯT Trần Vương Thạch, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Thời gian qua, việc giáo dục âm nhạc và nghệ thuật ở trường phổ thông đang còn thiếu thốn và chưa có chiều sâu, cũng như tính hấp dẫn với các em học sinh. Nếu không được đào tạo thì thế hệ tương lai sẽ không có nền tảng âm nhạc nghệ thuật đầy đủ.
Một số ý kiến cho rằng, chúng ta không thiếu người tài, nhưng vấn đề là làm sao phát huy tối đa năng lực trí tuệ người tài. Việc quản lý khoa học công nghệ không nên hành chính hóa mà quan tâm đến sản phẩm cụ thể. Không quan trọng là giáo sư, tiến sĩ, mà quan trọng là tạo ra được sản phẩm gì. Nếu tài chính cứng nhắc thì khó làm. Các ý kiến mong muốn tháo gỡ cơ chế chính sách.
Ghi nhận về các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, “tôi đã ghi lại đây để xử lý một số vấn đề cấp bách về tài chính, nhân sự, về vị trí địa điểm sinh hoạt điện ảnh và một số vấn đề có liên quan khác” và mong tiếp tục nhận được các góp ý chân thành để Trung ương Đảng, Chính phủ có định hướng tốt hơn tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển.
Gửi tới các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cùng toàn thể đội ngũ làm công tác tuyên giáo cả nước lời chúc mừng tốt đẹp, Thủ tướng nhấn mạnh công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác xây dựng đảng, đó là chính trị, tư tưởng và tổ chức, đóng vai trò đi trước mở đường là đảm bảo sự trường tồn và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
90 năm nhìn lại với nhiều biến cố và bước ngoặt của đất nước đi cùng với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc, ngành tuyên giáo của nước ta đã nhiều lần "thay tên, đổi họ" để thích ứng với bối cảnh từng giai đoạn, nhưng bản chất và sứ mệnh lịch sử trăm năm không hề thay đổi. Vai trò đi trước mở đường trong phát triển kinh tế-xã hội ngày nay của ngành tuyên giáo cũng to lớn, đồ sộ và vĩ đại không kém giai đoạn trước đây.
Thủ tướng khẳng định những thành tựu cách mạng vĩ đại của Đảng ta suốt hơn 90 năm qua có sự đóng góp to lớn của ngành tuyên giáo, mà trực tiếp là những người làm công tác tuyên giáo. Đây không phải là những vị quan cách mạng, mà là những chiến sĩ dũng cảm, kiên trung trên mặt trận tư tưởng văn hóa như Bác Hồ từng nói “một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", "bùn" ở đây chính là mặt trái cơ chế thị trường.
Thủ tướng cho rằng, dấu ấn 90 năm của ngành tuyên giáo có vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Trong kháng chiến kiến quốc, văn nghệ sĩ trí thức đã tiến hành cuộc dấn thân triệt để, mỗi văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học tự đứng một vị trí, tự gánh lấy một trách nhiệm, tự làm đầy một lẽ sống, “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”.
“Chúng ta có thể tự hào khẳng định bằng tài năng, công sức và tâm huyết, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học của Việt Nam đã góp phần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam không còn là tên gọi của một cuộc chiến tranh, mà thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần vì hòa bình, một hình mẫu đổi mới, luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng hùng cường, không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ cách đây 50 năm”, Thủ tướng bày tỏ.
Dân tộc ta có truyền thống quý trọng hiền tài. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, luôn trân trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển cả về số lượng, chất lượng nhằm đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Chính phủ cũng đã ban hành triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức, tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc. Trong điều kiện khó khăn vẫn tiếp tục thực hiện và có thêm các chính sách hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ, trí thức có cống hiến.
Chúng ta cần có thêm nhiều hình thức vinh danh và tưởng thưởng xứng đáng hơn nữa cho đội ngũ khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là kiến tạo môi trường tự do sáng tạo. “Tôi nghĩ không có phần thưởng nào được đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sỹ đón nhận nhiệt thành hơn phần thưởng mà tôi đã nêu là môi trường tự do sáng tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cởi bỏ sợi dây để sự sáng tạo được khai phóng, bay lên
Trong xu thế toàn cầu hóa, sự nảy nở của kinh tế tri thức, cách mạng khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những đột phá có ảnh hưởng to lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, không phải đất đai mà con người với chất xám và khả năng sáng tạo của mình mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất. Tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác càng sinh sôi nảy nở.
Khả năng, nhu cầu của các nhà khoa học, giới trí thức, văn nghệ sĩ là sáng tạo. Sứ mệnh của những người làm tư tưởng là cởi bỏ sợi dây để sự sáng tạo được khai phóng, bay lên. Thiết nghĩ đó cũng chính là lý do vì sao có sự kiện gặp gỡ đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ được tổ chức trân trọng nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo hôm nay.
Những kết quả thành tựu do đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đóng góp là quan trọng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Đội ngũ trí thức tuy đã gia tăng về số lượng và trình độ nhưng còn thiếu trí thức đầu ngành, tổng công trình sư, các chuyên gia chủ trì thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu lớn của quốc gia và quốc tế.
Cá biệt còn một số cá nhân, nhóm trí thức, văn nghệ sĩ chưa mạnh dạn thẳng thắn, ngại bày tỏ ý kiến chính kiến, thậm chí né tránh hoặc lợi dụng danh nghĩa để đưa ra ý kiến, quan điểm sai trái. Một số rất ít trí thức, dịch giả háo danh, hám lợi đã làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín chung của những nhà trí thức chân chính. Nhiều văn nghệ sĩ thoát ly khỏi đời sống nhân dân, do đó bị mất đi nguồn nhựa sống để sáng tác.
Đảng, Nhà nước của nhân dân ta đặt niềm tin tưởng và sự kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ mà tiêu biểu là hơn 200 đại biểu có mặt tại đây, đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước, Thủ tướng bày tỏ. “Tôi mong rằng các đồng chí, các bác, các anh, các chị tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc như di nguyện của Bác Hồ cách đây đúng 50 năm”.
Theo Thủ tướng, trong một thế giới phẳng, thách thức đặt ra đối với văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học chính là sự giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thừa ngàn năm của dân tộc, hòa nhập chứ không hòa tan. Đây là thách thức lớn bởi xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa có thể tác động, làm phai nhạt đi những giá trị văn hóa có tính cội nguồn hàng ngàn năm nay tổ tiên chúng ta luôn biết cách đẩy lùi mọi âm mưu đồng hóa của ngoại bang. Các văn nghệ sĩ, trí thức ngày nay cũng chính là những chiến sĩ luôn đề cao cảnh giác, tinh thần đấu tranh trên mặt trận này, phải biết cách truyền cảm hứng, khơi gợi ý thức trong giới trẻ về cội nguồn, về tổ tiên, về tinh thần, lý tưởng phụng sự quốc gia độc lập, tự cường, thịnh vượng. “Tôi xin nhấn mạnh đây là nhiệm vụ sống còn, thể hiện niềm tin, niềm tự hào của tinh thần dân tộc, phải nằm trong tiềm thức cháy bỏng, huyết quản của mỗi chúng ta, của những văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học”.
Thủ tướng nêu rõ, một dân tộc giàu chưa hẳn là một dân tộc mạnh. Một dân tộc mạnh phải là một dân tộc có khả năng trường tồn. Một dân tộc mạnh thì phải có quyết tâm trở thành một dân tộc giàu. Một dân tộc có bề dày hơn 4.000 năm lịch sử văn hiến, một dân tộc sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh nhân văn hóa, trong đó nhiều danh nhân được thế giới tôn vinh, một dân tộc đã hiển hách chống lại hàng trăm cuộc xâm lăng của ngoại bang để trường tồn thì đó phải là dân tộc mạnh, dân tộc đó quyết không để thế giới coi thường như một dân tộc bạc nhược, quyết không thể là dân tộc nghèo được. Đây cũng chính là sứ mạng mà ngành tuyên giáo, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ chung tay lãnh ấn.