Dân Việt

Nghịch lý bên dòng Nậm Piệt: Dân thấp thỏm sống trong bão lũ, khu tái định cư tiền tỷ bỏ hoang gần 10 năm

Cảnh Thắng 05/08/2020 09:33 GMT+7
Hơn 100 hộ dân sống bên dòng Nậm Piệt (Quế Phong, Nghệ An) phải sống trong cảnh thấp thỏm mỗi lần mùa mưa bão về, trong đó có 34 hộ dân được UBND huyện Quế Phong đưa vào diện di dời khẩn cấp từ 3 năm nay nhưng chưa đã được di dời.

Nhói lòng cảnh đi ở nhờ

Gần 2 năm nay, vợ chồng ông Lương Hòa (47 tuổi) phải đến ở ké nhà con rể. Cả đại gia đình gần chục người chen chúc nhau trong ngôi nhà được thưng bằng gỗ chật chội. Không đủ chỗ ngủ, ông Hòa đành phải kê tấm phản trước hiên nhà, làm chỗ đặt lưng, chờ ngày được bố trí đất tái định cư. 

"Chờ hết năm này qua năm khác mà chẳng thấy động tĩnh đâu. Muốn lạc nghiệp thì phải an cư, bây giờ nhà không có, cũng không biết chờ đến bao giờ", ông Hòa mếu máo.

Sống chung với miệng "hà bá" bên lòng hồ thủy điện Hủa Na   - Ảnh 1.

Khu tái định cư bỏ hoang hơn 8 năm nay trong khi hàng chục hộ gia đình sống bên miệng "hà bá" khiến nhiều người dân bức xúc. Ảnh: Cảnh Thắng

Ông Lương Hòa là một trong 126 hộ dân của 2 bản Mường Phú, Mường Piệt (xã Thông Thụ, Quế Phong), sống ven dòng Nậm Piệt. Dòng sông này là một nhánh lớn nhất của sông Chu, đây cũng là nguồn phụ lưu lớn nhất đổ về lòng hồ thủy điện Hủa Na. 

Phần lớn thời gian quanh năm, dòng sông khá hiền hòa, nhiều đoạn nước chỉ chưa đến 1 mét. Nhưng mỗi lần mưa gió, nước từ thượng nguồn đổ về, dòng sông trở nên hung dữ. Hơn 100 hộ dân phải sống trong cảnh thấp thỏm, nguy cơ sạt lở, lũ quét ập xuống bất cứ lúc nào. 

Từ năm 2017, 34 hộ dân có nguy cơ cao nhất được UBND huyện Quế Phong đưa vào diện di dời khẩn cấp.

Nhưng khi dự án này vẫn chỉ đang nằm trên giấy (Dân Việt từng phản ánh) thì thảm họa đã ập xuống với bà con bản Mường Phú. 

"Lúc đó nước dâng cao lắm, chảy ào ào. Quốc lộ 48 ngập hơn nửa mét", ông Hòa nhớ lại buổi sáng định mệnh giữa tháng 7/2018. Chỉ trong chốc lát, căn nhà bằng gỗ của vợ chồng ông đã bị cuốn phăng xuống lòng sông. Được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, ông Hòa dùng dây cáp chằng lại căn bếp mà nước lũ vẫn chưa kịp kéo tuột xuống.

Nhưng nỗ lực đó cũng chỉ giúp căn bếp trụ lại được ít giờ, dòng nước lũ sau đó làm đứt cả dây cáp. Ông Hòa mất trắng. 

Sau trận lũ đó, tài sản còn sót lại duy nhất chỉ là một cây đào đá được trồng trước hiên nhà. Kể từ đó, vợ chồng ông phải bế theo 2 con nhỏ đến tá túc người con rể.

Sống chung với miệng "hà bá" bên lòng hồ thủy điện Hủa Na   - Ảnh 2.

Nước lũ cuốn trôi ngôi nhà được xây dựng bằng bê tông kiên cố. Ảnh: Cảnh Thắng

May mắn hơn ông Hòa, do được đổ bê tông kiên cố, trận lũ quét đó chỉ cuốn được một nửa căn nhà của chị Lương Thị Hường (45 tuổi, bản Mường Phú, Thông Thụ). Khi nước rút, gia đình chị Hường vét hết tài sản để mua vật liệu, thuê người xây lại tốn hơn 150 triệu đồng.

Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, trận lũ quét sau, toàn bộ phần mới xây dựng này cũng bị dòng lũ cuốn phăng. Không còn tiền để xây lại, cũng chẳng có nơi nào để đến tá túc, gia đình chị Hường đành phải sống chung với lũ.

Cả nhà hiện phải chen chúc nhau trong một nửa căn nhà còn lại. "Mỗi lần mưa xuống, chúng tôi lại phải hối hả đưa tài sản đi gửi rồi ngủ ké ngủ nhờ. Đến khi nước rút lại về", chị Hường nói.

Theo thống kê của xã Thông Thụ, trận lũ quét vào tháng 7/2018 đã cuốn phăng gần 10 ngôi nhà của 2 bản Mường Phú và Mường Piệt. Những hộ này sau đó đành phải đến tá túc nhà người thân, chờ ngày tái định cư. 

"Không chỉ người dân lo đâu. Lãnh đạo xã cũng lo lắm. Mỗi lần mưa lớn, chúng tôi luôn phải cử người xuống túc trực ở đó, hỗ trợ người dân di tản. Khi nào nước rút thì cán bộ mới rút", ông Lương Văn Huân – Chủ tịch UBND xã Thông Thụ nói.

Tái định cư bỏ hoang

Trong khi những hộ dân này phải lâm vào cảnh mất nhà, thì cách đó không xa, một khu tái định cư hoành tráng đang bỏ hoang gần 10 năm nay. Khu này được xây dựng sừng sững ở trung tâm bản Mường Piệt, càng cho thấy nghịch lý.

Sống chung với miệng "hà bá" bên lòng hồ thủy điện Hủa Na   - Ảnh 3.

Sau trận lũ quét năm 2018, gia đình chị Lương Thị Hường bỏ 150 triệu xây dựng nhưng vẫn thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ chuẩn bị đến. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, khu tái định cư Pù Sai Cang 2 này được Công ty thủy điện Hủa Na xây dựng từ năm 2012, để phục vụ di dời 34 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện. 

Tuy nhiên, do thiếu đất canh tác, vị trí xây dựng lại quá cao so với mặt đường nên những hộ này không chịu đến ở. Họ tự nguyện đi tìm điểm tái định khác. 

Sau 8 năm bỏ hoang, hiện các khu nhà ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng nhưng cũng chưa đầy đủ và đồng bộ.

Để tránh lãng phí, từ năm 2017, huyện Quế Phong đã có tờ trình xin chủ trương đầu tư di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét. Mục tiêu của dự án này là cải tạo lại khu tái định cư Pù Sai Cang 2 đang bỏ hoang, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để chuyển 34 hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp đang thấp thỏm dọc sông Nậm Piệt về đây.

Phía Thủy điện Hủa Na cũng đồng ý bàn giao lại khu tái định cư bỏ hoang này cho huyện Quế Phong. 

Tuy nhiên sau đó, dự án không được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định với lý do "không cân đối được nguồn vốn đầu tư và không nằm trong quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh...".

Sống chung với miệng "hà bá" bên lòng hồ thủy điện Hủa Na   - Ảnh 4.

Cảnh tượng tan hoang sau trận lũ quét năm 2018. Ảnh: Cảnh Thắng

Đến trung tuần tháng 7/2018, sau trận lũ quét khiến hàng chục ngôi nhà bị sập và sạt lở nghiêm trọng, huyện Quế Phong một lần nữa gửi báo cáo lên cấp trên. Sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã có công văn giao UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Tháng 8/2018, UBND tỉnh có văn bản hỏa tốc gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, tham mưu đề xuất chủ trương xây dựng dự án. Nhưng sau nhiều thủ tục liên quan, mãi đến cuối tháng 7/2019, dự án này mới được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, dự án có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, một nửa nguồn vốn là từ ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, cho đến nay dự án này vẫn chưa được khởi công do chưa được bố trí vốn. 

"Lãnh đạo huyện lo lắm, mỗi lần mưa bão là nơm nớp. Còn người dân ở đó thì họ bức xúc. Nhiều nhà đang sống trong cảnh cực kỳ nguy hiểm, một số bị mất nhà thì đang phải tá túc người thân", ông Lê Văn Giáp nói.