Khi vụ bán độ tại AFC Cup của Ninh Bình bị phanh phui giữa năm 2014, bầu Trường giải tán đội. 9 cầu thủ đang từ những triệu phú đá bóng bỗng chốc ra đường và phải nhận án tù treo, nặng nề hơn là tất cả bị Liên đoàn bóng đá châu Á cấm thi đấu vĩnh viễn.
Nỗi lòng của những cầu thủ "mẫu mực"
Trong số những cầu thủ bị bắt, thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng có lẽ là người nhận được nhiều sự động viên tích cực nhất bởi anh là một cầu thủ có lối sống phóng khoáng và rất hòa đồng. Mạnh Dũng là người Hải Phòng, gia đình có điều kiện, còn tham gia điều hành kinh doanh của gia đình nhưng anh đam mê với bóng đá, lang bạt qua khá nhiều CLB.
"Cái điều tôi đáng tiếc nhất đó là tôi rất đam mê với nghề. Tôi đã phải trả quá đắt. Cho đến giờ, tôi chưa bao giờ dám ngồi nói chuyện với gia đình về sai lầm này. Nhưng tôi biết mọi người buồn lắm. Lúc đó, thực sự mọi người suy nghĩ nhiều lắm dù cả nhà đều hết sức động viên", thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng kể lại.
Trong 6 năm qua, Mạnh Dũng cũng đã từng tìm con đường đi tiếp theo cho mình. 3 năm làm việc ngoài Hà Nội rồi 1 năm thử sức mình trong TP.HCM, giờ đây anh vẫn chưa định rõ một kế hoạch. Anh thích nghiên cứu xây dựng, thích thiết kế nội thất nhưng dường như, đó chỉ là suy nghĩ vụt qua.
Bây giờ, ngôi nhà mà gia đình anh sinh sống, nó cũng là một nơi yên tĩnh, tránh xa những âm thành ồn ào của phố thị tại Hải Phòng. Anh nhớ và muốn đến Lạch Tray nhưng ngại lời ra tiếng vào. Ngay cả đi đá phủi vui, thủ môn này cũng chỉ tham gia đội toàn anh em thân thiết.
Một cái tên khác được cho là "cầm đầu" trong vụ bán độ chấn động này – Trần Mạnh Dũng, cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Cầu thủ quê gốc Nam Định được nhớ đến là người ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Arsenal trên sân Mỹ Đình trong chuyến du đấu đình đám của CLB nước Anh ở Việt Nam.
HLV Nguyễn Văn Sỹ thậm chí từng không ít lần dùng từ "mẫu mực" để nói về cậu học trò đồng hương. Dũng "con" là cầu thủ rất ít nói, luôn hòa nhã với các đồng đội. Nhưng anh lại là người nhận bản án nặng nhất 30 tháng tù giam và bị cấm đá bóng vĩnh viễn.
Trong cuộc trò chuyện gần đây, khi được phóng viên Dân Việt hỏi có cảm thấy tiếc nuối vì sai lầm ngày xưa, Trần Mạnh Dũng nói: "Cái gì cũng có giá của nó. Sau cú vấp ngã ấy, tôi thấy được giá trị của cuộc sống. Dù sao thời điểm này, tôi cũng cảm thấy ổn".
Sau khi trở lại cuộc sống đời thường, Dũng "con" thời gian đầu phụ giúp bố mẹ làm nghề truyền thống – gói giò. Gần đây, anh có đi buôn gỗ cùng người quen, rồi kinh doanh thiết bị vệ sinh. Dù làm thuê (như lời Dũng nói) nhưng Mạnh Dũng cũng thấy vui vẻ và quan trọng là lo đủ cho cuộc sống vợ con.
Năm ngoái, Dũng "con" cũng từ Nam Định lên Hà Nội để đá "phủi" Ngoại hạng HPL. "Tôi có chơi giúp EOC ở giai đoạn 2 và thật vui mừng khi đội thi đấu tốt. Cuối năm ngoái, tôi cũng đá cho đội ở Giải bóng đá 7 người vô địch toàn quốc Hyundai Cup 2019 By TC Motor – VPL-S1", Mạnh Dũng nói.
Về khao khát chơi bóng, Trần Mạnh Dũng chia sẻ: "Hầu như ngày nào tôi cũng xách giày ra sân đá cùng anh em bạn bè (trên sân phủi được gọi là Dũng "nem"). Đá phong trào và đá sân 7 thì tôi vẫn chơi tốt. Kể cả được đá V.League thời điểm này, tôi chỉ cần tập 6 tháng là thi đấu được nhưng tiếc là bị treo giò vĩnh viễn rồi", Mạnh Dũng trầm ngâm.
Dàn SAO trên sân "phủi"
Khi bị "bản án" không được chơi bóng đá chuyên nghiệp, hàng loạt cầu thủ của V.Ninh Bình đã tìm đến sân "phủi" để thỏa đam mê dang dở. Họ là Phan Anh Tuấn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ và thủ thành Nguyễn Văn Hưng – những cái tên đã tỏa sáng rực rỡ trên sân "phủi" suốt vài năm qua.
Lúc ấy, Phan Anh Tuấn là một trong số ít, rất ít cầu thủ Việt Nam chơi bóng đỉnh cao với bằng đại học (TDTT Từ Sơn). Hậu vệ Lê Văn Duyệt được gọi là "người không phối". Trung vệ Gia Từ còn được ví như "Rio Ferdinand Việt". Trong khi Văn Hưng lúc đó đang là thủ môn số 3 ở ĐT Việt Nam.
Sai lầm phải trả giá, nhưng họ không sụp đổ. Vào thời điểm bóng đá "phủi" phát triển với sự xuất hiện của những ông bầu mê bóng đá phong trào, nhóm 4 cầu thủ trên lại có cơ hội để thể hiện tài năng.
Phan Anh Tuấn, được biết đến với cái tên Tuấn "bệu", với thân hình cao lớn, khả năng tì đè của dân chuyên cộng với khả năng sút hai chân mạnh như búa bổ, đã trở thành tay săn bàn khét tiếng sân phủi.
Từ tỏa sáng sân phủi, Tuấn "bệu" cũng trở thành luôn nhân viên ở công ty của bầu Ngô Đình Diệm (EOC). Thời gian trước đó, cầu thủ sinh năm 1990 còn tranh thủ đi dạy bóng đá cộng đồng cho trẻ em vào cuối tuần.
Trong khi đó Văn Duyệt, Gia Từ và Văn Hưng (hay còn gọi là Hưng "Esele") cũng khiến khán giả "phủi" ấn tượng sâu đậm trong những lần ra sân. Nền tảng thể lực, kỹ năng cơ bản của họ là điều không thể phủ nhận. Những đội bóng có họ đều nhanh chóng khẳng định được tầm vóc trong làng bóng đá "phủi" Hà Nội.
Từ đỉnh cao V.League, thậm chí có người từng "ăn cơm" đội tuyển, phải đi chơi bóng đá phong trào, nhưng với các cầu thủ đã trót "nhúng chàm" và bị cấm chơi chuyên nghiệp vĩnh viễn, đó cũng là nhặt nhạnh lại niềm vui.