Dân Việt

Chuyên gia y tế: Xét nghiệm Covid-19 âm tính chưa yên tâm hoàn toàn

Diệu Linh 02/08/2020 13:45 GMT+7
Trong vài ngày qua đã có hàng trăm ngàn người ở các tỉnh được xét nghiệm truy vết Covid-19 và đại đa số là âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, xét nghiệm âm tính, chưa chắc chắn bạn không mắc Covid-19.

Âm tính vẫn lo

Về việc hàng chục nghìn người từ Đà Nẵng trở về hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 đang hồ hởi, phấn khởi vì xét nghiệm ban đầu âm tính với virus SARS-CoV-2, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: "Ngay cả đối với người xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn".

Theo bác sĩ Cấp, virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lương nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là “Thời gian ủ bệnh”. Trong thời gian này do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus.

Xét nghiệm Covid-19 âm tính chưa chắc chắn an toàn - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Và những người âm tính hôm trước vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.

Bác sĩ Cấp nhận định, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều cơ bản mấu chốt. Chỉ ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng hô hấp nhằm phát hiện các ca bệnh để điều trị kịp thời.

Việc xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị. Thậm chí điều này có hại nếu người sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩ rằng mình không bị bệnh và chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Khi đó họ có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó họ trở thành dương tính.

"Vì thế, nếu đi qua vùng có dịch Covid-19 hay tiếp xúc gần với người nghi có bệnh, xin đừng sùng sục đòi xét nghiệm ngay để cho nó yên tâm. Hãy thông báo cho y tế địa phương để vào danh sách giám sát và được hướng dẫn tự cách ly trong 14 ngày. Trong vòng 14 ngày đó hãy thông báo lại cho cơ quan y tế bất cứ lúc nào có biểu hiện nghi mắc Covid-19 như: Sốt, ho, đau họng, tiêu chảy … để xét nghiệm sớm. Còn những trường hợp khác sẽ xét nghiệm vào ngày thứ 13-14 để khẳng định âm tính để người đó được khẳng định an toàn khi tái hòa nhập cộng đồng", bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Truy vết Covid-19 nhanh hơn, mạnh mẽ hơn

Báo cáo với Bộ Y tế sáng 2/8, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ước tính đến thời điểm này, thành phố có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về. Hà Nội đã thực hiện test nhanh cho gần 50.000 người.

Đại đa số các mẫu xét nghiệm nhanh đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện Hà Nội mới phát hiện 2 người bị Covid-19 sau khi trở về từ Đà Nẵng.

Đà Nẵng trong vài ngày qua cũng đã mở rộng xét nghiệm cộng đồng, với quy mô trung bình từ 7000-10.000 mẫu xét nghiệm một ngày. Các địa phương khác cũng đã đẩy mạnh xét nghiệm truy vết Covid-19 với hàng trăm, hàng nghìn mẫu mỗi ngày.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Đà Nẵng là thành phố du lịch năng động, lượng người đi đến lớn, có khoảng 1,4 triệu người từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (1-29/7), riêng với khu vực 3 bệnh viện thì có tới 800.000 lượt người đến đây. Trong khi đó, trong 1 tuần qua (từ 25/7) đã có 144 ca Covid-19 được phát hiện đều liên quan đến Đà Nẵng. Các tỉnh có ca bệnh là người từ Đà Nẵng về như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Đắk Lắk.

Để truy vết Covid-19, thật nhanh tìm ca Covid-19 để khoanh vùng, cách ly sớm, tránh lây lan rộng ra cộng đồng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng tốc tìm những người đã đi đến Đà Nẵng và xét nghiệm, đồng thời giám sát chặt chẽ những người này.

“Tốc độ lây nhiễm Covid-19 lần này cao hơn nhiều các lần trước. Do đó, các địa phương cần phải khẩn trương vào cuộc, hành động quyết liệt, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn truy vết Covid-19 bằng việc quản lý người từ Đà Nẵng về, tăng cường xét nghiệm", GS Long nhận định. 

Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) ban hành hướng dẫn về mặt xét nghiệm. Đây là động thái Bộ Y tế mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH, BHYT. Hiện cả nước có khoảng 2.500 đơn vị có năng lực xét nghiệm tìm Covid-19.

“Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó” – Quyền Bộ trưởng cho hay.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, ngày hôm qua (1/8), số lượng xét nghiệm đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4 (thời điểm có lượng xét nghiệm rất lớn), tuy nhiên vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ này.