Dân Việt

'Vua lừa đảo' Steven Russell và 4 lần vượt ngục (Kỳ 1): Huyền thoại giới tội phạm

Thùy Dương 04/08/2020 14:34 GMT+7
Với biệt tài lừa đảo, giả giọng xuất sắc, Steven Jay Russell - người có biệt danh “vua lừa đảo” ở Mỹ - đã táo tợn vượt ngục tới 4 lần trong 5 năm một cách dễ dàng.

Steven Jay Russell bị giam trong một phòng giam biệt lập, kích thước 1,8 x 2,7m, an ninh tối đa. Ông ta bị kết án tù 1,5 thế kỷ và phải sống ở đây từ 22 đến 23 giờ mỗi ngày, trừ thời gian ngắn ngủi được ra ngoài để tắm, tập thể dục hoặc gặp khách trong giờ thăm nom.

Ngay cả khi gặp người tới thăm, Russell cũng chỉ được phép nhìn họ qua một tấm kính dày, không được chạm vào ai hoặc để ai chạm vào, trừ người bảo vệ theo sát mỗi khi ông ta rời hoặc vào phòng giam.

'Vua lừa đảo' Steven Jay Russell và 4 lần vượt ngục - Kỳ 1 - Ảnh 1.

Russell đã vượt ngục tới 4 lần trong 5 năm. Ảnh: NPR

Mức độ biệt giam như vậy gần như chỉ dành cho tù nhân cực kỳ bạo lực hoặc tù nhân chờ tử hình. Russell không thuộc hai loại ngày. Trong thực tế, ông ta còn chưa phạm tội bạo lực bao giờ và hiện 62 tuổi, đi còn không vững. Vậy nhưng Russell vẫn bị canh gác cẩn mật, đơn giản là gì giới chức nhà tù sợ bẽ mặt nếu ông ta sẽ lại trốn thoát lần nữa sau khi vượt ngục thành công 4 lần trong những năm 1990.

Sinh năm 1957, Russell sống suốt quãng đời thời nhỏ nghĩ mình là con trai của một cặp vợ chồng ở bang Virginia (Mỹ) mộ đạo, làm chủ một công ty nông sản lớn. Tuy nhiên, tới khi 9 tuổi, Russell phát hiện ra mình là con nuôi và mẹ đẻ đã bỏ mình vì không muốn nuôi đứa con ngoài giá thú. Russell sau này còn biết rằng mẹ đẻ cuối cùng đã kết hôn với bố đẻ và có thêm vài con, nhưng họ còn không có ý định xin lại đứa con đầu lòng và cũng không liên lạc gì với Russell. Biết những điều này khiến Russell thực sự sốc. Ông ta nói: "Tôi cảm thấy bị khước từ… Tôi gặp chút vấn đề khi phát hiện ra điều đó".

"Chút vấn đề" mà Russell nói thực ra là nói giảm. Russell bắt đầu hành động khá cực đoan, liên tục đánh lộn, châm lửa đốt bừa bãi nhiều thứ và thường có hành vi phạm tội vặt.

Không biết phải làm gì với con, bố mẹ nuôi Russell tìm cách kiềm chế hành vi này bằng cách đưa cậu bé tới trại giáo dưỡng. Trong thời gian ở đây, Russell đã có vài trải nghiệm đồng tính với các bạn nam, điều mà Russell vẫn bối rối nhiều năm nữa về giới tính của mình. Mãi tới khi hơn 30 tuổi, Russell mới thừa nhận mình đồng tính.

Trước khi nhận ra điều này, Russell đã gặp và yêu một nữ thư ký khi cô này làm phó cảnh sát tình nguyện. Cặp đôi về sau kết hôn và có một cô con gái tên là Stephanie.

Mọi chuyện với Russell tới lúc này dường như tương đối bình thường, ngoại trừ giai đoạn ngắn bất ổn khi biết sự thực về những gì bố mẹ đẻ đã làm. Thời trẻ, người đàn ông mà sau này bị coi là "vua lừa đảo" là một người tận tâm với gia đình, thỉnh thoảng chơi đàn organ trong nhà thờ. Tuy nhiên, năm 1985, Russell lại gặp một khủng hoảng tâm thần nữa khi bố nuôi qua đời.

Cùng với một số điều khác, cái chết của bố nuôi đã khiến Russell ngẫm lại cuộc đời mình và cuối cùng thừa nhận giới tính thực. Sau khi nói chuyện với vợ, Russell thừa nhận mình là người đồng tính. Russell và vợ đã đồng ý ly hôn không tranh cãi. Về cuộc ly hôn này, Russell kể lại: "Mọi người dùng từ hôn nhân vỏ bọc nhưng tôi không nghĩ đó là vỏ bọc vì tôi bị phụ nữ thu hút giới tính, nhưng lúc nào nam giới cũng thu hút tôi mạnh hơn. Tôi cuối cùng đã mặc kệ và đối diện với giới tính dễ dàng hơn vì tôi không phải che giấu".

Sau khi hôn nhân đổ vỡ, Russell ban đầu tập trung kiếm sống lương thiện, làm quản lý bán hàng tại một công ty thực phẩm ở Los Angeles. Tuy nhiên, sau khi quản lý của Russell phát hiện ra nhân viên của mình đồng tính, người này lập tức sa thải Russell. Khi mất việc, Russell mất kiểm soát cuộc đời mình.

Russell bắt đầu bán đồng hồ Rolex giả và về sau lừa gạt công ty bảo hiểm để lấy 45.000 USD (tương đương 85.000 USD ngày nay) bằng cách giả vờ làm mình bị thương khi ngã. Kỳ lạ là cả hai việc đều không bị pháp luật chú ý. Mãi tới khi Russell nộp đơn giả xin cấp hộ chiếu, ông ta mới bị bắt lần đầu năm 1992.

Russell bị kết án 10 năm tù tại hạt Harris khi mọi hành vi lừa đảo đều vỡ lở. Khi trong tù, Russell lúc nào cũng nghĩ tới James Kemple, người đàn ông mà Russell hẹn hò lúc đó và mới xét nghiệm dương tính với HIV – điều đồng nghĩa với cái chết thời bấy giờ. Không cần phải nói cũng hiểu rằng Russell đứng ngồi không yên trong phòng giam khi biết người mình yêu sắp chết.

Ý nghĩ vượt ngục xuất hiện trong đầu Russell. Sau khi quan sát lịch đổi ca gác của bảo vệ, Russell cuỗm một chiếc quần thun và áo phông từ một căn phòng mà ông ta tình cờ đi qua. Nhận thấy bộ quần áo này không thể lừa được bảo vệ, Russell đã tìm cách kiếm một chiếc radio mà bảo vệ hay mang theo. Không rõ ông ta đã lấy chiếc radio này thế nào.

Vài ngày sau, Russell kiên nhẫn chờ bảo vệ đi hút thuốc lá như thường lệ và mặc bộ quần áo vào, đi bộ ra cánh cửa dẫn tới tự do và thấy mình bước qua cửa một cách dễ dàng. Cuộc vượt ngục đầu tiên thành công nhờ Russell mang theo chiếc radio cảnh sát cầm tay nên bảo vệ nghĩ ông ta là một cảnh sát mật.

Sau khi trốn thoát, Russell đi thẳng tới căn hộ của mình, nơi Kemple đang ở và thông báo rằng họ phải rời đi. Họ đã tìm cách sang được Mexico.

Tuy nhiên, Russell không tự do được lâu. Không phải là vì cảnh sát đã tìm ra họ ở Mexico mà là vì Kemple ốm tới mức cần phải trở về Mỹ để điều trị. Khi ở Mỹ, Russell tìm cách lừa đảo bảo hiểm để có tiền cho hai người sinh sống. Không may thay, ông ta bị bắt. Thời điểm đó, Russell đã trốn trại được khoảng 2 năm. Vài tuần sau, Kemple chết khi Russell vẫn ở trong tù.

'Vua lừa đảo' Steven Jay Russell và 4 lần vượt ngục - Kỳ 1 - Ảnh 2.

Steven Jay Russell ở nhà tù Huntsville tháng 1/1997. Ảnh: The Guardian

Mùa xuân năm 1995 sau đó, Russell gặp và yêu một bạn tù tên là Phillip Morris. Sau khi cả hai được thả cuối năm đó, ngoài việc lừa đảo bảo hiểm, Russell đã ứng tuyển vào vị trí giám đốc tài chính của một công ty quản lý y khoa lớn tên là NAMM bằng hồ sơ giả. Mọi đầu mối liên hệ giới thiệu trong hồ sơ đều là số điện thoại dẫn tới Russell. Cần lưu ý rằng Russell có biệt tài thay đổi giọng nói và cách nói rất tự nhiên, khiến người nghe tưởng họ đang nói chuyện với nhiều người khác nhau.

Sau khi được tuyển vào vị trí trên, Russell lập kế hoạch biển thủ khoảng 800.000 USD (1,4 triệu USD ngày nay) ngay trước mũi các giám đốc. Điều ngạc nhiên là dù Russell không hề có kinh nghiệm nào trong công việc đó, nhưng sáng lập viên công ty NAMM về sau thừa nhận rằng làm việc cùng Russell dễ hơn nhiều so với các giám đốc tài chính khác mà ông ta đã gặp và nói rằng Russell hoàn thành tốt công việc.

Với khoản lương hậu hĩnh tại NAMM, nhiều người tự hỏi tại sao Russell không sống lương thiện và lấy lại cuộc đời bình thường khi làm ở đây. Theo Russell, ông ta quyết định lừa đảo NAMM một phần là vì để trả thù cho Kemple, người đã bị các công ty tương tự đối xử tệ bạc khi tìm cách điều trị HIV, cũng là vì Russell không thích cách NAMM đối xử với mọi người.

Tuy nhiên, hành vi ăn cắp 800.000 USD trong 5 tháng cuối cùng cũng bị phát giác. Cảnh sát đã tới tóm cổ Russell. Không muốn phải trở lại tù, Russell nhanh trí nói rằng mình bị tiểu đường và lấy tất cả các ống tiêm insulin của Morris. Mấy viên cảnh sát không biết làm gì hơn là để cho Russell tự tiêm 40 liều insulin và anh ta đã bị sốc. Russell về sau nói rằng mình tiêm nhiều thuốc như vậy để tự tử, nhưng Morris lại nói Russell làm thế là để có thời gian nghĩ khi đang hồi phục trong viện.