Dân Việt

Vụ công an phường mặc quần đùi xử lý bán hàng rong: Có dấu hiệu lạm quyền

Nguyễn Đức 03/08/2020 15:45 GMT+7
Luật sư cho rằng, việc thanh niên đi xe ô tô biển xanh có hành vi giằng co, tự ý lấy tài sản để mang đi là hành vi không đúng trình tự thủ tục luật định, xâm hại nghiêm trọng tới tài sản của công dân.

Như Dân Việt đưa tin, trước đó, trên các trang mạng xã hội xuất hiện đoại clip dài hơi 1 phút ghi lại hình ảnh người phụ nữ trung tuổi giằng co với nam thanh niên mặc quần đùi áo cộc đi xe thùng biển xanh BKS 31A-7141 được cho là xảy ra ở khu vực tuyến đường thuộc tổ 6 phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội).

Người phụ nữ trung tuổi là người bán hàng rong bị nam thanh niên trong đoạn clip thu đồ đạc.

Sau đó, trả lời báo giới, đại diện Công an phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) xác nhận nam thanh niên mặc thường phục trong clip là chiến sỹ của đơn vị và cho biết vụ việc đã được trình báo lên Công an quận Long Biên và Công an TP. Hà Nội để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Vụ công an phường mặc quần đùi xử lý bán hàng rong: Có dấu hiệu lạm quyền - Ảnh 1.

Chiến sỹ công an mặc quần đùi, áo cộc bị người phụ nữ bán hàng rong giằng co đòi lấy lại hàng (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành động của người của chiến sĩ công an mặc quần áo cộc đi xử lý vi phạm hàng rong đã vi phạm quy định của pháp luật.

Cụ thể, chiến sĩ công an này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 28 Thông tư 02/VBHN-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an Nhân dân do Bộ Công an ban hành, trong đó có nêu cụ thể về trang phục thường dùng của công an.

Ngoài ra, trang phục phục Công an nhân dân còn quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 26 Thông tư này như sau: "Trang phục công an nhân dân phải sử dụng đúng mục đích theo quy định. Cán bộ chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân phải đồng bộ, thống nhất, gọn gàng, sạch sẽ, là phẳng, cài đủ cúc, khóa; đeo cành tùng đơn, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, ký hiệu, dây lưng, caravat (đối với trang phục thu đông); đi giày, tất do Bộ Công an cấp.

Cán bộ, chiến sĩ nam mặc trang phục xuân hè áo kiểu sơ mi phải để áo trong quần, áo kiểu bludông phải để áo ngoài quần; khi mặc trang phục không đeo khăn che mặt, găng tay, khẩu trang (trừ trường hợp được trang cấp để làm nhiệm vụ), không đeo đồ trang sức gây phản cảm hoặc trái với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam".

Vụ công an phường mặc quần đùi xử lý bán hàng rong: Có dấu hiệu lạm quyền - Ảnh 2.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Như vậy, theo luật sư Tuấn Anh, đối với trường hợp nêu trên, khi thi hành công vụ chiến sĩ Công an nhân dân phải mặc đúng theo trang phục của ngành Công an nhân dân. Tuy nhiên, pháp luật cũng vẫn cho phép chiến sĩ công an nhân dân mặc thường phục trong một số trường hợp được quy định tại Điều 35 Thông tư 02/VBHN-BCA.

Theo luật sư Tuấn Anh, nếu chiến sĩ Công an nhân dân trong tình huống trên không thuộc các trường hợp được phép mặc thường phục theo Điều 35 Thông tư 02/VBHN-BCA thì đã vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Công an nhân dân 2018.

Cụ thể, tại điều 44 của Luật Công an nhân dân 2018 quy định: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng cho biết thêm, kể cả trong trường hợp người phụ nữ bán hàng rong có vi phạm thì việc thu giữ tài sản cũng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Việc thanh niên đi xe biển xanh có hành vi giằng co, tự ý lấy tài sản để mang đi là hành vi không đúng trình tự thủ tục luật định, xâm hại nghiêm trọng tới tài sản của công dân, có dấu hiệu lạm quyền trong thi hành công vụ vì vậy, vụ việc này cần phải xác minh làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Điều 28 Thông tư 02/VBHN-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an Nhân dân do Bộ Công an ban hành về trang phục thường dùng của công an như sau:

1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ, hội họp, học tập phải mặc trang phục thường dùng do Bộ Công an cấp phát.

2. Cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục thường dùng được đeo phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, đội mũ cứng hoặc đội mũ mềm, đi dép có quai sau hoặc đi giày vải trong các trường hợp:

a) Trên đường đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước và trong mưa, bão;

b) Khi canh gác, dẫn giải và hướng dẫn phạm nhân, trại viên, học sinh ở các trường giáo dưỡng đi lao động sản xuất;

c) Các trường hợp khác theo quy định của Bộ Công an.

Điều 35 Thông tư 02/VBHN-BCA quy định về các trường hợp được phép mặc thường phục như sau:

a) Do yêu cầu công tác hoặc cần xã hội hóa phải được thủ trưởng cấp Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quyết định;

b) Cán bộ, chiến sĩ tạm tuyển;

c) Công nhân, viên chức Công an;

d) Cán bộ, chiến sĩ nữ khi mang thai từ tháng thứ 3 đến khi sinh con được 6 tháng tuổi;

đ) Cán bộ, chiến sĩ chưa được cấp trang phục Công an.