Dân Việt

"30 chưa phải là hết" - sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30

Thủy Vũ 04/08/2020 08:39 GMT+7
Khác hẳn với những bộ phim ngôn tình, thanh xuân vườn trường phổ biến trong phim Hoa ngữ, "30 chưa phải là hết" lấy bối cảnh cuộc sống thường ngày với nhiều bi kịch của những người phụ nữ trước ngưỡng tuổi 30.

Họ phải đối mặt với xã hội, gia đình, phải lo lắng về công việc và cuộc sống hôn nhân. Bộ phim có sự tham gia của Đồng Dao, Giang Sơ Ảnh, Mao Hiểu Đồng cùng các diễn viên khác. Chính vì vậy, bộ phim đã chiếm trọn cảm tình của khán giả, trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 1.

"30 Chưa Phải Là Hết" là câu chuyện chân thực khiến người xem phải rơi nước mắt

Điều gì khiến  "30 chưa phải là hết" tạo ra sức hút lớn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả như vậy?

Nội dung lôi cuốn, gần gũi với cuộc sống

"30 chưa phải là hết" liệt kê ra 3 câu chuyện của 3 cô gái đang ở độ tuổi gần kề con số 30. Câu chuyện của 3 người là đại diện cho vô số câu chuyện thường thấy trong cuộc sống, vui có, buồn có, hạnh phúc có mà cô đơn cũng có. 

Cố Giai (Đồng Dao thủ vai) là một cô gái vừa thông minh lại vừa xinh đẹp. Cô thuộc kiểu phụ nữ của gia đình, là một bà nội trợ hoàn hảo. Sau khi cùng chồng gây dựng cơ nghiệp ổn định, cô lui về hậu phương chăm sóc chồng con, xây dựng mái ấm gia đình hoàn hảo.


"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 2.

Cố Giai hết mực yêu thương chồng con

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 3.

Cố Giai giờ đây chỉ biết đến hạnh phúc gia đình, quên đi hạnh phúc cá nhân

Trở thành hậu phương vững chắc cho chồng, là một người mẹ tốt đối với con trai không phải là một việc đơn giản. Những điều cơ bản này nói ra nghe có vẻ dễ, nhưng khi thực sự trải qua, bạn sẽ hiểu đây là chuyện không hề dễ dàng. Trong cuộc sống, có nhiều chi tiết còn khắc nghiệt, đau lòng hơn các chi tiết được mô tả trong phim. 

Vì sao Cố Giai vì muốn con trai vào được trường tốt chấp nhận đi thang bộ lên căn hộ ở tầng thượng chung cư cao cấp chọc trời, sau đó đi lại phải đi bộ bằng chân trần xuống tiền sảnh? Vì sao phải chọn túi hiệu khi đi họp mặt? Vì sao phải học đếm sao, sửa kính thiên văn? Nếu đã kết hôn, khi xem "30 chưa phải là hết", hẳn bạn sẽ cảm thấy không thể nào đồng cảm hơn trước những tâm tư, nỗi niềm của Cố Giai. Vì để vun vén hạnh phúc gia đình, Cố Giai chấp nhận hy sinh hạnh phúc của bản thân.

Nếu như Cố Giai mang đến cho chúng ta góc nhìn về một người phụ nữ của gia đình, có một mái ấm hạnh phúc thì Chung Hiểu Cần (Mao Hiểu Đồng thủ vai) lại mang đến cho người xem một cái nhìn khác. Hiểu Cần thuộc kiểu người ngây thơ, vô lo, vô nghĩ. Cố Giai bước vào cuộc sống hôn nhân với một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngược lại, Chung Hiểu Cần bước vào cuộc sống hôn nhân với đôi bàn tay trắng, cô không hề trang bị cho mình bất cứ kiến thức nào về việc chăm sóc gia đình.

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 4.

Chung Hiểu Cần vô tư, ngây thơ như một đứa trẻ

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 5.

Cô đã ly hôn với người chồng yêu cá hơn mình

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 6.

Để rồi bắt đầu chuyện tình chị em với cậu nhóc đồng nghiệp

Trong "30 chưa phải là hết", có chi tiết khi chồng của Chung Hiểu Cần trở về sau chuyến đi công tác, nhìn thấy mâm cơm thịnh soạn do mẹ của Hiểu Cần chuẩn bị đã vô cùng tức giận. Nếu là một người theo dõi bộ phim từ những tập đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ có thể hiểu được lý do mà chồng của Hiểu Cần tức giận. 

Hiểu Cần có tính cách như một đứa trẻ mãi không chịu lớn. Dù đã kết hôn nhưng mỗi khi chồng vắng nhà là ngay lập tức chạy về với mẹ, vòi vĩnh, nũng nịu như một đứa trẻ con. Với tính cách như vậy, chồng của Hiểu Cần đã khẳng định cô ấy không thể chăm sóc người khác, thậm chí là không thể nuôi thú cưng. Do đó, chồng của Hiểu Cần không ủng hộ việc có con, vì anh lo lắng cô sẽ không thể chăm sóc đứa bé. 

Nhưng, sau tất cả những bất đồng của hai vợ chồng, Hiểu Cần đã quyết định ly hôn. Cô chọn cho mình sự tự do để sống lại những năm tháng thanh xuân suýt chút nữa bị bỏ lỡ. Nhìn vào Hiểu Cần, sẽ có rất nhiều cô gái ở độ tuổi 30 phải giật mình vì thấy bản thân mình ở đó.

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 7.

Mạn Ni tháo vát, sắc sảo luôn quan tâm mọi người xung quanh

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 8.

Mạn Ni luôn mong muốn một cuộc sống ổn định, được kết hôn với người mình yêu

Chưa bị ràng buộc bởi hôn nhân nhưng lại bị áp lực bởi chuyện tình cảm và cuộc sống vật chất chính là vấn đề của Mạn Ni (Giang Sơ Ảnh thủ vai) trong "30 chưa phải là hết" vướng phải. Mạn Ni là một người phụ nữ sắc sảo, thấu hiểu sự đời, chu đáo và ân cần. Cận kề tuổi 30, Mạn Ni đẹp như một bông hoa hồng, cô đằm thắm làm say mê biết bao chàng trai.

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 9.

Cô gái chưa kết hôn thường xuyên phải lo nghĩ về chuyện tương lai, hơn ai hết, Mạn Ni luôn cảm thấy cô đơn. Có lần Mạn Ni từng ngất đi ở nhà riêng khi đang nói chuyện điện thoại với mẹ. Sau đó, vì ở xa, mẹ Mạn Ni phải gọi điện đến đường dây nóng để đưa cô đi cấp cứu. Lúc tỉnh lại, Mạn Ni báo cáo tình hình với phụ huynh qua loa, rồi nằm khóc suốt đêm. Tất cả những điều này, mọi diễn biến trong câu chuyện này, hẳn ai trong số chúng ta cũng từng một lần trải qua.

Chính những điều này đã tạo nên sức hút của bộ phim "30 chưa phải là hết". Không lan man, bộ phim tập trung khai thác câu chuyện của 3 người để mang lại cho người xem những cái nhìn đồng cảm. Chắc chắn đã không ít khán giả phải rơi nước mắt với từng chi tiết được tái hiện ở trong phim. Từng chi tiết là từng lời tâm sự của những cô gái tuổi 30 muốn gửi tới mọi người xung quanh.

Dàn diễn viên tài sắc đảm bảo thành công của bộ phim 

Đồng Dao, Giang Sơ Ảnh và Mao Hiểu Đồng không phải là những cái tên quá nổi bật trong giới giải trí Hoa ngữ. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng, đây là ba nữ diễn viên vừa có nhan sắc vừa có thực lực diễn xuất. Cả 3 cùng thể hiện tốt thần thái, nội tâm cảm xúc của nhân vật mà mình đảm nhiệm. Điều này đã góp phần làm nên sức hút của bộ phim "30 chưa phải là hết" đối với người xem.

"30 chưa phải là hết" sức hút từ bi kịch phụ nữ tuổi 30 - Ảnh 10.

Đạo diễn chắc chắn đã phải cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng, 'đo ni đóng giày' vai diễn cho các diễn viên. Do đó, người xem mới có cơ hội được chiêm ngưỡng một Vương Mạn Ni đẹp đẽ sắc sảo ra sao; Cố Giai thùy mị, đoan trang, thông minh ra sao; Chung Hiểu Cần ngây ngô vô lo vô nghĩ ra sao. Từ dáng dấp, bước đi, đến nụ cười, cử chỉ, ánh mắt của từng nhân vật được bộ ba “xịn xò” thể hiện qua từng thước phim mang đến rất nhiều cảm xúc, khiến người xem rung động nhiệt thành. Nhờ đó, giá trị của bộ phim lần nữa được củng cố vững mạnh.

Giá trị nhân văn về tình bạn, tình yêu, tình thân và tình đồng nghiệp

Trong "30 chưa phải là hết", bên cạnh sự đấu tranh kiên cường của những người phụ nữ “tam tuần”, bộ phim còn tập trung đề cao giá trị của tình bạn, tình thân, sự đồng cảm của người với người trong xã hội hiện đại. Cụ thể hơn, qua câu chuyện của Cố Giai, Chung Hiểu Cần, Vương Mạn Ni đều có thể nhìn thấy được tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái bao la và cảm động đến như thế nào, trở thành động lực mạnh mẽ đến như thế nào. Bên cạnh đó, tình bạn của Cố Giai, Mạn Ni và Chung Hiểu Cần còn giúp người xem nhìn nhận được những điều tốt đẹp mà một người bạn thân có thể mang lại trong lúc khó khăn, mỏi mệt. Về phần đồng cảm và “tương sinh tương trợ” nhau giữa cuộc đời dài rộng thì đó là câu chuyện của cả 3 nhân vật chính gặp nhau.

Với những lý do trên đây, "30 chưa phải là hết" xứng đáng trở thành bộ phim được mọi người yêu thích. Thông qua bộ phim, khán giả sẽ có được cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống của những người phụ nữ độ tuổi 30.