Nhiều ca nguy cơ tử vong cao
Bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 7 và 8 tử vong trong ngày 4/8 đều là người cao tuổi, cùng quê ở Hòa Vang (Đà Nẵng) và đều suy thận mạn. Đó BN 426 (nữ, 62 tuổi, quê tại Hòa Vang, Đà Nẵng) với tiền sử suy thận mạn tính 10 năm. BN đang điều trị tại Khoa Nội thận, Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 18 - 27/7 và được phát hiện mắc Covid-19. Sau đó, BN được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế từ ngày 30/7. Chẩn đoán tử vong do suy thận mạn giai đoạn cuối, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và Covid-19.
Tính đến 6h ngày 4/8, chỉ trong 10 ngày (từ ngày 25/7), Việt Nam đã ghi nhận 215 ca Covid-19 trong cộng đồng, đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng, 8 ca đã tử vong. Dịch đã lan đến 9 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (143 ca), Quảng Nam (43 ca), Đăk Lăk (1 ca), TP.HCM (8 ca), Quảng Ngãi (3 ca), Hà Nội (2 ca), Thái Bình (1 ca), Đồng Nai (1 ca), Hà Nam (1 ca).
Ngoài ra, hiện có khoảng 13 trường hợp mắc Covid-19 trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, trong đó điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế 7 ca, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng 6 ca. Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO, trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.
BN 496 (nam, 65 tuổi, quê quán: Hòa Vang, Đà Nẵng) với tiền sử: Suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết. BN đã điều trị tại Khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng trong 5 tháng và ra viện ngày 24/7, được phát hiện mắc Covid-19 ngày 28/7. Chẩn đoán tử vong: Suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp và Covid-19.
Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 8 ca Covid-19 tử vong. Các bệnh nhân đều tuổi cao, mắc bệnh hiểm nghèo như suy thận mạn, suy tim, chạy thận nhân tạo, ung thư, đái tháo đường, nhiễm trùng huyết...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.Đà Nẵng cho biết, hiện nay còn một số BN có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Tình hình dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đang nóng bỏng với số ca mắc lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân nặng...
Lý giải về các yếu tố khiến dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đang rất nguy hiểm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp-Phó Giám đốc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư phân tích: "Thứ nhất là dịch đã lây lan trong cộng đồng. Do chúng ta chậm phát hiện, không khống chế được những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng nên đến giờ điều tra dịch tễ cũng chưa xác định được mức độ lây lan của bệnh dịch.
Thứ hai là dịch Covid-19 lần này tấn công mạnh vào các bệnh nhân, thậm chí là nhóm bệnh nhân cao tuổi, đang phải cấp cứu vì nhiều bệnh hiểm nghèo, nhiều bệnh lý nền, sức đề kháng yếu như suy thận nặng, chạy thận nhân tạo, ung thư, suy tim, đái tháo đường... Đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu mắc thêm Covid-19. Điều này lý giải vì sao trong thời gian ngắn đã có 6 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Thứ ba là dịch đang tấn công vào nhóm nhân viên y tế. Đã có 8 nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Cần phải khẩn trương kiểm soát, tránh nhiễm chéo trong nhân viên y tế vì nếu bác sĩ bị nhiễm bệnh thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân".
Điều chỉnh phác đồ điều trị
Trước tình hình mới, Bộ Y tế đã cho điều chỉnh phác đồ điều trị Covid-19. Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý ngoài xâm nhập vào TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền vừa tiếp tục biến đổi gen tạo ra nhiều chủng mới (genotype). Riêng tại Việt Nam đã phát hiện 6 chủng, khác hẳn với chủng tại TP. Vũ Hán (Trung Quốc). Chủng mới vừa phân lập nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nguồn nước ngoài vào Việt Nam.
Theo TS Kính, các nghiên cứu cho thấy độc lực của chủng virus thứ 6 đang gây ra làn sóng thứ 2 dịch Covid-19 chưa gia tăng. Tuy nhiên, nguy hiểm là giai đoạn này, nhiều bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh lý nền nặng lại mắc thêm Covid-19 nên số ca bệnh nặng gia tăng và đã có 8 ca tử vong.
Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus này có thể tấn công vào tất cả cơ quan nội tạng cơ thể, trong đó nổi bật là đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng huyết nhưng bệnh cảnh nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cơn bão cytokin cũng làm bệnh cảnh nặng lên.
Về hội hứng cơn bão cytokin, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lý giải: "Một số người sau khi bị virus tấn công sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ thống này không chỉ tấn công virus mà còn tấn công các cơ quan nội tạng, gây suy đa tạng và làm giảm các chức năng, dẫn đến tình trạng bệnh nhân nặng hơn, giống như bệnh nhân 91, phi công người Anh ở TP.HCM giai đoạn trước. Do đó, khi điều trị cho BN Covid-19 cần lưu ý nguy cơ cơn bão cytokin".
Trước đây, người dân ho, sốt và có yếu tố dịch tễ là đi từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc với ca bệnh, ca nghi ngờ mắc Covid-19 mới được chỉ định xét nghiệm Covid-19 thì nay chỉ cần ho, sốt, khó thở người dân sẽ được xét nghiệm ngay để tránh trường hợp bỏ sót. Cụ thể, những trường hợp có sốt, ho và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính (không lý giải được bằng các nguyên nhân khác, kể cả những trường hợp được xác định , không cần yếu tố dịch tễ (đi từ vùng có dịch, tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca nghi ngờ) sẽ đều được lấy mẫu xét nghiệm.
Lần này, tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, do đó, hướng dẫn mới cũng thay đổi cách phân loại các thể lâm sàng. Theo đó, thay vì phân thành viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ, viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng…; lần này bệnh được phân theo 5 cấp độ: Thể không triệu chứng; mức độ nhẹ - viêm đường hô hấp trên cấp tính; mức độ vừa- viêm phổi; mức độ nặng - viêm phổi nặng; mức độ nguy kịch.
Tiêu chuẩn xuất viện của BN Covid-19 cũng thay đổi, trước đây chỉ cần 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là BN được công bố khỏi bệnh, còn nay phải 3 lần xét nghiệm âm tính, mỗi lần cách nhau 24 giờ. Sau đó, BN được cho về nhà, tự cách ly trong vòng 14 ngày, khi có bất cứ dấu hiệu thì đến cơ sở y tế gần nhất.
8 ca Covid-19 tử vong là bất khả kháng
Ở các nước trên thế giới, các ca Covid-19 tử vong cũng phần lớn là người cao tuổi, người có nhiều bệnh lý nền. Thậm chí, tại nước Ý, trên 90% các ca Covid-19 tử vong là người trên 90 tuổi. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp, tiếp theo là suy tuần hoàn, suy đa tạng, do mắc từ trước: Tim mạch, suy thận, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, suy giảm miễn dịch…
Tại Việt Nam, 8 bệnh nhân Covid-19 tử vong đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, cộng thêm mắc bệnh Covid-19 thì việc tử vong của người bệnh là điều bất khả kháng.
GS-TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng
Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh Covid-19
Xét nghiệm nhanh âm tính vẫn cần cách ly 14 ngày
Các xét nghiệm Covid-19 nhanh cho kết quả âm tính chỉ xác nhận là người đó chưa nhiễm Covid-19 và vẫn có khả năng nhiễm, có thể họ còn đang ở giai đoạn ủ bệnh. Do đó, đối với người có nguy cơ cao (sống ở vùng dịch, tiếp xúc với bệnh nhân) được xét nghiệm nhanh mà cho kết quả âm tính thì cũng chưa thể khẳng định họ không mắc bệnh, an toàn với cộng đồng.
Do đó, những người có nguy cơ cao cần thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế là tự cách ly 14 ngày. Trong khoảng thời gian đó, nếu họ không có hiện tượng ho sốt, khó thở thì mới được coi là an toàn. Còn nếu có triệu chứng lâm sàng ho sốt cần thông báo cho cơ quan y tế và đến cơ quan y tế để được xét nghiệm sâu khẳng định xem có mắc Covid-19 hay không.
PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư,
Đội trưởng Đội Xét nghiệm đang có mặt tại Đà Nẵng