Giá vàng tăng hơn 3 triệu đồng/lượng
Tại thị trường trong nước, tính đến 14h ngày 6/8, giá vàng SJC được PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM niêm yết ở mức 60,80 - 62,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng lần lượt 2.000.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 3.200.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Tại SJC Hà Nội, giá vàng được niêm yết ở mức 60,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng lần lượt 2.600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 2.900.000 đồng/lượng chiều bán ra. Mức chênh giữa giá mua vào và bán lên đến gần 2 triệu đồng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng ở mức: 60,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,50 triệu đồng/lượng (bán ra). So với hồi đầu năm, giá kim loại quý trong nước đã tăng tới 17,1 triệu đồng, tương đương 40% giá trị. Đà tăng này cũng mang lại cho nhà đầu tư mức lãi ròng 15,85 triệu/lượng, xấp xỉ 37% giá trị đầu tư.
Tại thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng 3,7 USD, giao dịch ở mức 2.043,2 USD/ounce. Giá vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 34% so với hồi đầu năm.
Quy đổi theo tỷ giá VND/USD, giá vàng thế giới đang tương đương với 57,3 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Theo đó, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá vàng tăng "điên loạn", một bộ phận người dân có vàng tích trữ đã đổ xô đến các cửa hàng vàng để bán vàng, bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư cho rằng giá vàng sẽ lên mốc 80 triệu đồng/lượng nên vẫn đang dốc hết tiền để mua vàng đầu tư.
Đội mưa ôm bao tiền đi mua vàng, ông C (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết ông bà đã ngồi xếp hàng gần 1 giờ mới đến lượt mình nhưng cửa hàng trên phố Cầu Giấy báo hết vàng miếng SJC, di chuyển thêm 2km sang trụ sở SJC ở Giang Văn Minh thì giá vàng đã tăng từ 59,8 triệu đồng/lượng lên 60,7 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với PV, anh Lê Tuấn một khách hàng sóng tại TP.HCM chia sẻ, anh vẫn tiếp tục mua vàng để “lướt sóng” trong thời gian này bởi giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng. Theo anh Tuấn, do gia đình ít sử dụng xe hơi nên anh vừa bán một chiếc ô tô Mercedes C200 đời 2015 để lấy 900 triệu đồng đầu tư vào vàng.
“Tôi nghĩ vàng có thể tăng thêm khoảng 2 – 3 triệu đồng/lượng trong thời gian tới nên bán xe để có thêm vốn liếng đầu tư cho vàng”, anh Tuấn nói.
Trước đó, tại thời điểm giá vàng đạt ngưỡng 57 triệu đồng, việc cụ bà tuổi 80 nhờ con cháu đem tiền lương hưu ước tính hơn 100 triệu đồng để mua vàng, cho thấy nhu cầu mua và bán vàng hiện nay khiến kim loại quý này trở thành kênh đầu tư nhộn nhịp nhất trong bối cảnh kinh tế đang bị tác động bởi dịch Covid-19 hiện tại.
Tuy nhiên, mặc dù giá vàng ở cả hai chiều mua và bán vàng đang tăng cao nhưng biên độ giữa chiều mua và bán đang ngày càng nới rộng. Mức chênh giữa giá mua vào và bán ra có nơi đã lên tới gần 2 triệu đồng/lượng, trong khi đó, mức chênh với giá thế giới lên tới 3 triệu đồng/lượng, điều này là cái "bẫy" đối với nhiều người mua vàng theo phong trào, đám đông và xu hướng.
Có nên chấp nhận rủi ro để mua vàng lúc này?
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước đà tăng của giá vàng hiện tại, người dân đang có tâm lý đám đông. Khi thấy giá vàng tăng liên tiếp, thông tin người này hưởng lợi từ vàng, người kia giàu lên vì vàng nên nóng ruột, đổ xô vào mua vàng.
"Điều đó sẽ tạo ra thiệt hại cho chính người mua vàng khi không biết rõ vì sao mình lại mua vàng? trên cở sở nào mình nên mua, cơ sở nào không nên mua?", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức 2 triệu trở lên là đặc biệt rủi ro cho người mua vàng. Lúc này, nhà vàng sẽ bán vàng với giá cao và mua vào với giá thấp, khiến nhà đầu tư nếu xuống tiền mua vào mất ngay 2 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng lên, nhà đầu tư sẽ có lời, nhưng nếu giá xuống, nhà đầu tư sẽ sớm gánh hậu quả.
"Như vậy, có thể nói nhà vàng đang đẩy rủi ro về phía người khách hàng. Do đó, nhà đầu tư nên quan sát biên độ chênh lệch giữa mua và bán, càng cao thì càng rủi ro", ông Hiếu cho hay.
Trả lời cho câu hỏi có nên chấp nhận rủi ro để mua vàng vào lúc này của PV, ông Hiếu nhận định, khách hàng chỉ nên đầu tư vào vàng khi tính được khả năng tài chính của mình chịu đựng được mức độ thua lỗ khoảng bao nhiêu %. Nghĩa là, nếu nhà đầu tư có 1 tỷ đồng tại thời điểm giá vàng đang 62 triệu đồng/lượng và đang muốn đầu cơ vào vàng.
Lúc này, nhà đầu tư dự tính vàng sẽ lên đến 65 triệu đồng/lượng với sác xuất là 40 %, giảm từ 62 triệu đồng/lượng xuống 60 triệu đồng/lượng với xác xuất cũng 60%. Sau đó, lấy tỉ lệ này x với số tiền bỏ ra sẽ ra được số tiền bị hao hụt khi vàng xuống giá so với số vốn ban đầu.
Nếu bản thân khách hàng chấp nhận được sự thiệt hại này vì đây là tiền để dành, không ảnh hưởng đến đời sống thì nên đầu tư để hưởng lợi từ vàng, vì nhìn về dài hạn vàng có thể còn lên cao nữa. Tuy nhiên, trường hợp vay mượn, dồn mọi nguồn lực để đầu tư vào vàng thì quá mạo hiểm.
"Do đó, nên mua hay không tùy theo khẩu vị rủi ro của mỗi cá nhân. Quan trọng nhất, họ phải biết được sức chịu đựng về mặt tài chính hạn mức được là bao nhiêu. Không nên vay tiền, vay vàng để đầu cơ vào vàng chỉ vì nghe thấy dự đoán vàng sẽ tăng giá", ông Hiếu cho hay.
Giải thích về đà tăng mạnh của giá vàng trong những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ yếu do nhu cầu đầu tư đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, đặc biệt là tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hoà về gói cứu trợ trị giá 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
NHNN cho biết, trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.