Dân Việt

Những ngày cuối cùng của Khang Sinh - Nhân vật khiến Trung Quốc chao đảo

Hữu Cường (theo SPA, ANTG) 06/08/2020 19:31 GMT+7
Khang Sinh - một nhân vật từng làm mưa làm gió trong lịch sử cận đại Trung Quốc, bị lên án là "Tắc kè chính trị", "Beria Trung Quốc" (Beria, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô năm 1953, là kẻ gây nhiều tổn thất đối với Đảng cộng sản Liên xô, bị khai trừ Đảng và cáo buộc về tội gián điệp).

Đặng Dung (bút danh Mao Mao) con gái Đặng Tiểu Bình đã viết về những ngày cuối đời của Khang Sinh.

Tháng 12/1975, Khang Sinh, kẻ từng làm mưa làm gió trong "Văn cách" (chỉ cuộc "Đại cách mạng văn hóa" Trung Quốc 1966-1976-ND) kết thúc cuộc đời đầy tội lỗi của mình.

Những ngày cuối cùng của Khang Sinh - Nhân vật khiến Trung Quốc chao đảo - Ảnh 1.

Khang Sinh.

Khang Sinh sinh ra trong một gia đình "trâm anh thế phiệt" tại tỉnh Sơn Đông, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc khá sớm. Ông ta từng được giáo dục khá bài bản chính quy về Chủ nghĩa Mác tại Liên Xô, và từng được coi là "Nhà lý luận" lớn trong đảng, được mọi người vị nể. Ông ta đam mê, hứng thú nhiều mặt, rất sành đồ cổ, rất thích Kinh kịch và cũng rất thạo "ngón" nhìn sắc mặt, cử chỉ để đoán gan ruột người khác.

Khang Sinh đóng kịch rất giỏi. Tuy ngoài mặt luôn tỏ ra hiền lành xởi lởi, nhưng thâm tâm "lá mặt lá trái" cực kỳ thâm hiểm. Ông ta cùng Giang Thanh có mối thâm giao khá sớm, chả là mẹ đẻ của Giang Thanh vốn là "hầu gái" trong Khang gia tại Sơn Đông. Mối giao tình giữa Khang Sinh với Mao Trạch Đông cũng khác với bình thường. Hai con trai của Mao Trạch Đông ở Liên Xô là do Khang Sinh đưa về nước.

Thời kỳ "chỉnh phong" tại Diên An (thủ đô cách mạng của Trung Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật và chống Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch), Khang Sinh lợi dụng sự tin dùng của Mao Trạch Đông đã "chỉnh" rất nhiều cán bộ lãnh đạo trong và ngoài đảng mà ông ta không ưa, gây nên nhiều nỗi oan khuất lớn.

Về sau, tự cảm thấy mình quá bất nhân, bất nghĩa, lo sợ bị "thanh toán nợ nần", Khang Sinh liền vờ thác bệnh, như con cua thu càng nép mình trong "hang" để bảo toàn tính mạng. Tưởng mãi mãi phải im hơi lặng tiếng, thì đùng một cái Trung Quốc nổ ra cuộc "Đại cách mạng văn hóa", nhận thấy cơ hội tuyệt hảo lại tới, Khang Sinh liền vội trút vỏ bọc, "xỏ hia, đeo râu, vẽ mặt", nhảy bổ lên "sân khấu chính trị".

Trong "Văn cách", thoạt tiên ông ta đóng vai cố vấn cho "Trung ương Văn cách" (Tiểu tổ cách mạng văn hóa TW). Từ đây, ngón nghề "chỉnh" người và mức độ hiểm độc của Khang Sinh được phát huy hết công suất. Số người bị ông ta điểm đích danh, thẩm tra, hãm hại nhiều không kể xiết.

Thoạt đầu, ông ta cùng một giuộc với "Bè lũ 4 tên" (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên), nhưng sau vì "Lục súc tranh công", cướp quyền đoạt lợi nên dần trở mặt.

Đặng Dung kể: Năm 1973, sau khi gia đình tôi quay về Bắc Kinh, biết Khang Sinh đang gần đất xa trời trong bệnh tật, nghĩ rằng nghĩa tử là nghĩa tận, bố mẹ tôi dẫn tôi tới thăm ông ta tại nhà riêng ở Điếu Ngư Đài. Khang Sinh mà chúng tôi nhìn thấy bây giờ là một "Khang lão" mình gầy xác ve, nằm bẹp trên giường bệnh.

Khi vừa nhìn thấy chúng tôi, Khang Sinh mừng quýnh bởi hơi bị bất ngờ, tiếp đó là ông ta chửi lũ Giang Thanh, Trương Xuân Kiều... thậm tệ. Nếu nghe người khác chửi rủa "Bè lũ 4 tên" thì chẳng lấy gì làm lạ, nhưng chẳng hiểu sao, những lời chửi rủa thoát ra từ miệng Khang Sinh lúc này nghe sao thật chối tai, khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu.

Cuối năm 1975, tính mạng Khang Sinh đã leo lét như ngọn nến trước gió, nhưng bản tính nham hiểm, ác độc của ông ta vẫn không hề thay đổi. Cho dù tay sắp "nhón chuồn chuồn" nhưng vẫn không câm lặng, cố chơi trò "đòn xóc 2 đầu".

Một mặt, ông ta tìm gặp chuyện trò với Vương Hải Dung và Đường Văn Sinh, giãi bày gan ruột, với hy vọng mong manh họ sẽ nói tới tai Mao Trạch Đông, mặt khác là tỏ rõ trong lịch sử mình vẫn trong sáng, không biến chất và "cáo giác" Giang Thanh, Trương Xuân Kiều là những kẻ phản bội đích thực. Khang Sinh nói, chuyện này ngay từ thời ở Diên An ông ta đã biết tỏng, nhưng muốn "đoàn kết nội bộ" nên cố giấu, không báo cáo với Trung ương và Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Mặt khác, ông ta tấu với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đang âm mưu lật lại án oan "Đại cách mạng văn hóa".

Ngày 16/12/1975, Khang Sinh trút hơi thở cuối cùng. Ngẫm ra, những kẻ từng một thời phô phang trên "sân khấu" chính trị như Khang Sinh tuy gây cho đất nước, nhân dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc biết bao hiểm họa, cùng nhiều tổn thất và oan khuất, nhưng cuối cùng cũng không thể đảo ngược được bánh xe lịch sử.