Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Trên đường đời trở lại

Phạm Xuân Nguyên 07/08/2020 08:00 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi cùng bạn đọc tập thơ "Đường đời trở lại" của nhà thơ Khánh Nguyễn.
Đọc sách cùng bạn: Trên đường đời trở lại - Ảnh 1.

Tác giả tên thật là Nguyễn Khánh Hòa, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng nhiều năm làm việc ở các nước Mỹ Latin. "Đường đời trở lại" là tập thơ thứ hai của Khánh Nguyễn, sau tập đầu "Ngọn gió lang thang".

Tự hai cái tên sách đã cho thấy xúc cảm tâm hồn của người thơ. Tác giả vốn là một nhà ngoại giao, phần đời hoạt động chủ yếu ở nước ngoài nên ví mình như "ngọn gió lang thang" thổi qua các biên thùy xứ sở. Đến khi thôi chức phận nghề nghiệp, về làm người tựa cây (ấy là chiết tự từ "hưu" () trong chữ Hán có bộ nhân bên chữ mộc), tác giả lắng lại lòng mình về những hồi ức, kỷ niệm của quê hương dòng họ gia đình và bản thân mình. Bốn câu đề từ cho tập thơ đã nói điều này:

Đời như ngọn gió lang thang

Cuốn ta trôi những dặm đàng xa xôi

Đã đi cuối đất cùng trời

Quê hương, dòng tộc vẫn nơi ta về

Ngọn gió giờ đây là thổi vào lòng nhớ lòng thương lòng buồn, là tụ lại ở mảnh đất làng quê. Đây là chặng đường thứ hai của một đời người mà ai cũng phải trải qua. Đường đời trở lại ký ức, quá khứ, khi con người đã đến cái lúc thấy bị thời gian truy đuổi, trước mắt là biển lớn, sau lưng đất không còn (Chế Lan Viên). Tư thế của người ta ở chặng đời này là ngoảnh lại, cảm xúc là ngậm ngùi, và tinh thần là nuối tiếc. Khánh Nguyễn đã trải những cung bậc tình cảm này và giãi chúng vào thơ mộc mạc mà chân tình, đơn sơ mà sâu lắng.

Anh về quê về làng trong đan chéo cảm xúc ngày trước - bây giờ để rồi Gặp lũ trẻ làng mình bỗng thành người khác / Lạc cả quê hương ngay giữa nhà mình. Câu thơ có thể đọc to lên như một tiếng kêu thương và cũng có thể đọc nén lại như một tiếng nấc nghẹn. Cảm xúc này là của chung mọi người, của chung nhân loại, vì thời gian trôi và con người trôi trên dòng thời gian biến đổi và cũng vì sự biến thiên của thời cuộc, thời thế. Ai có tâm hồn thi nhân thì cảm xúc này càng mạnh, càng day dứt, xót xa, trước hết là cho chính mình. Ta gặp lại ở đây cảm xúc của Hạ Tri Chương đời Đường khi cuối đời về lại quê nhà: Nhi đồng tương kiến bất tương thức / Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai (Trẻ con gặp lạ không chào / Hỏi rằng khách ở xứ nào lại chơi). Nguyễn Du hơn hai trăm năm trước trở lại Thăng Long sau mười năm gió bụi cũng chạnh lòng Tương thức mỹ nhân khan bão tử / Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông (Gái xưa giờ đã con bồng / Bạn chơi thuở nhỏ thành ông cả rồi). Chế Lan Viên quay lại nơi sống một thời tuổi nhỏ thì Nền nhà nay dựng cơ quan mới / Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người. Tôi dẫn ra vài thí dụ để thấy cái cảm xúc "lạc quê hương", lạ cảnh lạ người trên chính quê mình, là tâm trạng chung của người ta sau một chặng đời bôn ba trở về nơi chốn nguồn cội. Khánh Nguyễn có thể đã đọc hoặc chưa đọc mạch thơ này, nhưng tâm hồn thơ của anh đã rung lên cùng một tần số đồng điệu với thi nhân bao đời khi trải nghiệm cùng một cảnh ngộ.

Đấy là người thơ tự thương mình. Nhưng trong dòng mạch cảm xúc này anh thương nhất là những phận người họ hàng thân thuộc, qua đó là những phận người nói chung long đong, trắc trở trên đường đời, nhưng họ luôn giữ được phẩm chất người, để trong hồi tưởng hoài niệm của mình, nhà thơ luôn nhớ về trân trọng và kính yêu. Các bài thơ trong phần hai "Ngàn lau hoa trắng" vẽ nên những chân dung người như vậy. Đó là cụ tổ ngũ đại sung đội nghĩa quân Đề Thám ngã xuống giữa trận tiền để lại côi cút con thơ vợ góa / nhà tranh mưa dột gió lùa. Đó là những người ông, người bố gia cảnh thanh bần, cốt cách cao sang. Đó là những người mẹ, người chị nghèo túng nhưng luôn thanh sạch / chăm làm điều thiện cho đời. Đó là vị tướng của quê hương bị oan khuất ngẩng lên trời thăm thẳm màu xanh. Thơ Khánh Nguyễn viết về họ trĩu nặng nỗi xót thương và đồng cảm bằng những lời thơ kể chuyện và giãi bày tâm trạng. Anh thấy ở họ những tấm gương cho mình noi theo trong cách sống.

Bởi khi trở lại quê hương, nhớ tới những người thân ở chặng cuối cuộc đời, đó là lúc con người ta nhìn lại chính mình, soi vào mình, để cảm nghiệm hết dấu vết và dấu ấn thời gian in vào mình. Khánh Nguyễn nhận mình là "kẻ lữ hành đơn độc". Đó không phải chỉ vì người thơ làm ngoại giao nên đi nhiều (lữ hành) đến những nơi xa lạ một mình (đơn độc). Danh xưng này ngỡ như ai cũng có thể gọi cho mình, và thực ra thì mỗi con người sinh ra ở đời đã là đơn độc rồi vì hắn được tự do. Octavio Paz có nói đến "biện chứng của cô đơn" khi con người thoát khỏi bụng mẹ ra với thế giới. Mà đó là sự cô đơn bản thể của con người. "Kẻ lữ hành đơn độc" Khánh Nguyễn có bản thể đó, hẳn nhiên, và cộng vào đó là chân mang vết bùn thuở nhỏ nhà quê mang theo đến những xứ sở ngoài đất nước mình. Vết bùn đó khiến người thơ thấm nỗi buồn của kiếp tha hương. Chữ "kiếp" ở đây thật nặng trĩu một đời người, nó biến "tha hương" là cả một kiếp người, mặc dù tác giả chỉ làm phận sự một viên chức ngoại giao ở một đoạn đời. Nếu viết là "kẻ tha hương" thì chỉ nói một cảnh ngộ cụ thể, xong chức phận là hết tâm trạng. Vì là "kiếp tha hương" nên ngay cả khi đã về lại quê hương, đã sống trong khung cảnh nhà mình, người thơ vẫn thấy mình tha thẩn một mình, bóng hoàng hôn tím biếc / Như lữ khách cuối ngày tìm chốn dừng chân. Một nỗi niềm rất thật. Và rất dễ gây cho người ta những bi lụy, chán nản.

ĐƯỜNG ĐỜI TRỞ LẠI

Tác giả: Khánh Nguyễn

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017

Số trang: 208

Số lượng: 500 cuốn

Giá bán: 68.000đ

May thay, thơ Khánh Nguyễn có cái vui của người biết tự trào, tự hài hước với mình. Anh không ngại phô mình ra trong nhiều bài thơ là kẻ suốt đời mờ nhạt, là Hơi xa lối mòn cái gì cũng sợ, là "Chuyên đóng các vai phụ / Trong tất cả cuộc chơi / Trẻ đã như ông cụ / Già lại càng dở hơi". Nhìn lại những tấm hình chụp thời hai mươi tuổi và ở những khoảng đời khác nhau, anh biết diễu mình (tất nhiên là có ngậm ngùi bên trong) với những mộng mơ tuổi trẻ. Người biết cười như vậy là người tự biết mình, "tri túc tri chỉ". Một thái độ ung dung tự tại: Vui với những gì mình có / Hát lên trong buổi chiều tà.

Thơ anh còn có cái vui của tình vợ chồng, con cháu chan chứa yêu thương.

Nhưng lần này là niềm vui khác biệt

Cháu chào đời và ông được làm ông

Đó là hạnh phúc được làm ông ngoại. Một sự biện chứng của cuộc đời, "sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông" như câu ca dao tưởng nói ngược mà thâm thúy lắm thay. Đó còn là hạnh phúc làm người, vì như nhà thơ Vũ Cao có lần tâm sự với tôi, quan hệ đến đời cháu là chỉ của con người. Loài vật có quan hệ bản năng đến đời con, nhưng không có quan hệ đến đời cháu.

Thôi xin tặng mình một nhánh hoa chanh

Nhắc mảnh vườn xưa quê nhà yêu dấu

Dù bao năm rồi đi xa và vườn xưa không còn nữa

Vẫn nhớ hoa chanh đậu trên mái tóc mình

                                                   ngày ta mới thương nhau

Đó là quà ngày lễ Tình Nhân của anh tặng vợ.

Hồn thơ Khánh Nguyễn tỏa hương chanh ấy, dung dị và đậm đà. Anh chỉ sợ hoa chanh không còn, hương chanh mất đi, vị quê không còn ở phố thị, nên trong thơ đôi khi anh để cảm xúc biến thành những lời khuyên nhủ, bảo ban với người trong thơ và người đọc thơ. Tôi hiểu nỗi lo của tác giả. Đọc thơ mà thấy bâng khuâng tiếc nuối với tình trong thơ thì tự người đọc sẽ cảm được ý của nhà thơ.

Vậy là Khánh Nguyễn trên đường đời trở lại đã gặp lại mình, về lại mình, của những tháng ngày đã qua ở phương trời và thời khắc hiện tại ngay trước mặt. Anh đã gieo được cho người đọc nỗi ngẩn ngơ ngóng trông cơn gió lại thổi lộng tràn trề phố phường như hồi nào ở quê. Nhưng đó chỉ là ngóng trông mà thôi, mong muốn mà thôi. Phố phường giờ đây chất ngất nhà cao tầng, gió chỉ còn là gió quẩn. Cả điều này cũng chỉ còn là hình ảnh ước lệ trong thơ: Mặc thiên hạ suốt ngày đôn đáo / Ta trở về với thềm cũ rêu xanh / Mảnh vườn nhỏ dăm vồng chanh nho nhỏ / Có dàn bầu hoa trắng nở rung rinh. Nhưng điều mong điều ước ấy lại là hiện thực trong tâm tưởng của người đang đi trở lại đường đời. Vậy đọc tập thơ này của Khánh Nguyễn là đi cùng tác giả trên đường đời trở lại để cộng cảm và cộng hưởng những giăng mắc tỉnh mơ này.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.