Dân Việt

Truyện dự thi: Thấm đẫm ánh trăng

Phi Đông Hạ 09/08/2020 07:35 GMT+7
Truyện dự thi cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" của tác giả Phi Đông Hạ (Phú Thọ)

- Hôm nay, ông đừng vội thả gà ra nhé.

Vừa đánh răng rửa mặt xong, đang xúc ấm pha trà thì ông Thụ nghe tiếng vợ nói vậy. Thoáng ngạc nhiên, ông hỏi lại bà:

- Sao lại không thả gà?

- Nhốt lại - Bà Thụ khẳng định như ra lệnh. Rồi bà nói luôn - Tí nữa ông bắt cho tôi hai con. Chọn con nào béo nhất ấy. Rồi thịt nó cho tôi.

- Thịt gà? Thức ăn vẫn còn đầy ra đấy. Sao phải thịt gà? Mà lại thịt những hai con?

Ông Thụ ngạc nhiên tròn mắt hỏi vợ dồn dập. Bà Thụ thủng thẳng:

- Thế ông không biết mai là ngày gì à? Quốc khánh mùng 2/9. Tết Độc lập. Thể nào vợ chồng con cái nhà thằng Thuần chẳng về? Rồi nhà con Thảo nữa. Biết đâu chúng nó cũng về? Hai nhà chúng nó chín người. Tôi với ông nữa, vị chi là mười một. Hai con gà, tôi nghĩ khéo chưa đủ ấy chứ. Có khi phải ba con đấy ông ạ. Thôi! Ông cứ thịt cho tôi ba con!

- Sao bà biết chúng nó về? - Ông Thụ hỏi lại vợ.

- Nghỉ lễ dài ngày thế dứt khoát chúng nó sẽ về. Gần hai tháng trời nay có thấy mặt đứa nào đâu? Thế nên, đợt này chúng nó về là phải. Đêm qua, trằn trọc mãi tôi không ngủ được. Sáng giờ lại máy mắt liên tục. Mong gặp chúng nó quá ông ạ.

THẤM ĐẪM ÁNH TRĂNG - Ảnh 1.

Nói xong, bà Thụ chép miệng thở dài, rồi đứng ngây ra ở đầu hè. Trong nhà, ông Thụ cầm cái ấm không trên tay ngẩn ra một lúc. Lát sau, ông nói:

- Ừ. Bà tính thế cũng phải. Chúng nó về, mình ăn Tết Độc lập luôn. Nhưng mà… chẳng lẽ chỉ có mỗi thịt gà? Phải mua thêm cái gì nữa chứ?

- Không phải mua bán gì nữa - Bà Thụ kéo dài giọng - Con cá chép to đùng ông câu ở ao hôm qua tôi mổ đã ăn đâu? Vẫn cất trong tủ lạnh đấy. Lấy ra rán lên. Cái đầu thì nấu canh chua. Rau, mướp sẵn trong vườn. Đỗ lạc sẵn trong hũ. Trứng gà cả trăm quả tôi nhặt vẫn để dành phần chúng nó đấy. Thích thì rán, luộc, ốp lếp. Còn đâu, hôm này đi thì cho chúng nó mang đi. Bắt luôn cả mấy con gà nữa. Khỏi phải gửi.

Bà Thụ nói một mạch rành rẽ, đâu ra đấy. Thấy vợ chu đáo ông Thụ vui lắm. Đúng là phụ nữ có khác. Căn cơ, tỉ mỉ thật. Chứ cứ như ông thì… chẳng biết thế nào. Đến nghỉ lễ dài ngày như thế mà ông cũng còn không hay nữa là. Mới có dăm năm nghỉ hưu chứ lâu đâu? Vậy mà ông đã quên hết ngày tháng, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Chả bù cho trước kia, lúc nào ông cũng chỉ mong đến cuối tuần để về với vợ con. Giờ thì ngày nào cũng như ngày nào. Sáng ông chơi cờ tướng với mấy ông bạn. Chiều ông lại rọ roạy cùng vợ làm vườn. Có hôm say cờ, ông ngồi cả ngày với cụ Chắt, ông Hòa, với mấy lão mới nghỉ hưu của xóm. Cờ ngoài bài trong, mấy lão này xúm quanh bàn cờ, tự nhiên chia thành hai phe. Họ tranh nhau chỉ nước đi, bày cách đánh. Có lão còn nhặt cả quân cờ đi thay cho người trong cuộc. Rồi cãi nhau ỏm tỏi quên cả giờ ăn. Đến khi con cháu gọi về, họ vẫn còn cố nán lại để chiếu tướng. Ngã ngũ rồi, lúc đó, các lão mới chịu rời nhau ra. Đã vậy, có lão còn quay lại, giơ nắm đấm hẹn lần sau thách đấu tiếp. Nhiều hôm, ông Thụ cũng cay cú, ấm ức theo kiểu đó. Ngày nào cũng vậy mà không có ai chán cả. Thế mới lạ.

Vợ chồng ông Thụ sinh được hai người con. Anh cả tên Thuần, đi bộ đội sau chuyển ngành về công tác trên tỉnh, cách nhà hơn tám chục cây số. Thuần lấy vợ cùng cơ quan. Bố vợ cho một ô đất. Anh làm nhà ở phố. Vợ chồng anh được hai con. Một gái, một trai. Gái đầu là cái Thủy đang học đại học. Trai thứ là thằng Chung, học lớp mười hai. Lúc còn nhỏ, hai đứa bện ông bà nội lắm. Về sau, lớn lên, đông bạn đông bè, học hành nhiều nên chúng xa dần vợ chồng ông. Thi thoảng, chúng gọi điện về hỏi thăm ông bà đôi câu. Thế thôi. Hình như, trước mặt bạn bè, chúng không khoái ông bà lắm. Có lẽ cái vẻ cũ kỹ, quê mùa của bà, và cả của ông nữa, nên chúng thế chăng? Hai đứa giống y hệt mẹ chúng.

Ông Thụ nhớ mãi cái lần xách lồng gà lên phố thăm con cháu. Vất vả xe tàu gần trăm cây số. Vậy mà, lúc tới nơi, ngỡ tưởng con dâu sẽ mừng, nào ngờ chị ta dấm dẳn: "Thức ăn trên này thiếu gì mà bố phải xách gà ở quê lên? Cách rách quá!". Ông vô tư cười, nói: "Gà đồi chạy bộ đấy. Đặc sản quê đấy. Ngon lắm chị ạ. Bà ấy cứ bắt tôi xách lên cho các cháu". Chị ta không nói gì, sai con xách cái lồng gà bỏ vào trong toa lét. Ông Thụ nhìn theo ngỡ ngàng. Rồi ông chợt nhận ra. Đúng là không có chỗ nào để cái lồng gà thật. Nền nhà, nền bếp bóng nhoáng, chỗ nào cũng sạch bong. Công trình khép kín. Vườn tược không có. Sân xướng không. Đâu như ở dưới quê. Mấy con gà kêu "coọc coọc", thi thoảng chúng lại bĩnh ra. Mùi phân thối hoắc, khó chịu. Vậy nên để chúng ở đâu cũng là cả một vấn đề.

Đang rửa mặt trong phòng tắm, ông Thụ nghe tiếng con dâu ghìm giọng nói với con trai ông. Giọng chị ta khá nhỏ nhưng ông nghe cũng rõ. "Lần sau, anh bảo ông bô đừng gà qué gì nữa nhé. Hôi mù. Bẩn cả nhà ra. Bao nhiêu đồ ăn sẵn rồi còn gà qué làm gì nữa? Ai thịt? Tôi thịt chắc? Không bao giờ. Anh thịt thì thịt, chứ đây không mó tay vào đâu. Lần tới, nếu ông bà có cho thì bảo ông bà mổ sẵn ở quê đã rồi mang lên". Nghe thế, ông Thụ điếng người. Phí cả cái công ông. Nghĩ mà thương thằng Thuần. Tính nó hiền lành, ít nói, lấy phải đúng con vợ lắm điều nhiều lời. Lại là dân phố nữa chứ. Đài các lắm. Tiếng là ở riêng nhưng đất của nhà vợ thì có khác nào là ở rể. Mà ở rể thì như "chó chui gầm chạn" rồi. Thôi thì giời đã sắp đặt vậy thì chịu vậy, chứ biết sao bây giờ?

Từ đó trở đi, hễ ông hoặc bà lên phố thăm con, nếu có gà đồi ngon, muốn cho con cháu thưởng thức hương vị quê, họ đều phải mổ sẵn, để nguyên cả con mang đi. Thậm chí, bà còn phải rút hết xương gà ra, lấy số xương đó hầm cháo. Tiết kiệm mà. Hai ông bà ăn thế được rồi. Kể ra, chặt thêm cái đùi ninh cùng món xương đó cũng được. Tuy nhiên, làm vậy thì con dâu ông nó lại nghĩ ông bà cho chúng nó đồ ăn dở. Thế nên, cứ để nguyên con gà đã rút xương đó, gói lại, mang lên phố là thượng sách. Quả đúng vậy. Con dâu ông, khi đón con gà, xách nó trên tay, mặt chị ta hớn ha hớn hở. Ngắm nghía một lúc, chị xuýt xoa: "Gà quê béo và ngon quá! Bố mẹ cẩn thận thật!". Lúc đó, cả ông hoặc bà đều vui. Tuy nhiên, bụng mỗi người lại nghĩ: "Chẳng qua vì con trai tôi, thương các cháu tôi, chúng tôi mới thế. Chứ cả như chị thì…".

Đứa thứ hai của ông bà là Thảo. Chị này xởi lởi, thảo thơm, mau mồm mau miệng, rất yêu quý bố mẹ. Lấy chồng xa, mãi tận Móng Cái, cách nhà bốn trăm cây số. Nhà chồng làm nông, thời gian không ngặt nghèo như vợ chồng anh trai nhưng kinh tế thì lại khó khăn. Thế nên, Thảo cũng ít khi về thăm bố mẹ lắm. Năm đôi lần là cùng. Được về với bố mẹ lần nào là Thảo ôm lấy mẹ, chuyện trò ríu ran với bố. Lúc chưa có con thì vợ chồng chị phải lo làm ăn. Khi con cái bìu ríu rồi, việc đi lại càng khó khăn hơn. Mỗi chuyến đi về là cả một sự chuẩn bị. Hai đứa con của Thảo lại hay bị say xe. Hễ nói đến ô tô là chúng đã nôn ọe rồi. Cho nên, để về thăm bố mẹ được, Thảo phải sắp xếp chuẩn bị cả tuần. Chị phải động viên tư tưởng các con. Say tàu say xe, muốn về thăm ngoại lắm nhưng chúng vẫn cứ sợ.

Do làm nông, tự do về thời gian nên vợ chồng Thảo về thăm ông bà thường bất kỳ. Ngoài những ngày giỗ Tết, những lúc vào vụ, còn lại khi nào có điều kiện thì đi. Không phụ thuộc gì cả. Cái mà vợ chồng chị phụ thuộc nhất đó là tiền, là các con của họ. Tiền ít, các con say xe, đi được là cố lắm. Say xe thì đã có thuốc chống say. Tuy thế, vào năm học rồi muốn cho con đi thăm ngoại cùng cũng chịu. Có đi thì chỉ vợ chồng chị đi thôi. Vấn đề còn lại là tiền? Nhà nông lấy đâu sẵn tiền mà đi? Ba đứa con ăn học. Bao nhiêu khoản phải chi. Mỗi lần đi có phải ít tiền đâu? Tốn kém lắm. Tiền tàu, tiền xe, tiền quà cáp…? Chả nhẽ đi thăm bố mẹ lại đi tay không? Thế nên, tay xách nách mang, con cái bìu ríu. Lại còn lúc về nữa chứ? Thương con, thương cháu, ông bà lại đùm rúm cho chị bao nhiêu thứ. Không lấy không được. Vậy nên, nhớ bố nhớ mẹ, Thảo cũng chỉ để ở trong lòng. Cách tốt nhất là thi thoảng dành dụm gửi cho ông bà ít tiền. Rồi gọi điện thăm ông bà mỗi tối. Cũng may, bây giờ Zalo, Facebook tiện lợi. Vừa nói chuyện được với nhau lại vừa thấy được hình ảnh của nhau. Nhìn ông bà khỏe mạnh qua màn hình điện thoại, mẹ con Thảo vui lắm.

Ông bà Thụ biết sử dụng được điện thoại thông minh chính là do bố con nhà Thuần. Lần ấy, về thăm ông bà, thấy cháu gái, cái Thủy cứ cắm mặt chít chát với bạn, bà Thụ bực mình nói nó. Nó cự nự lại: "Chúng cháu lớn rồi, các bạn nó gọi tới thì phải trả lời, chứ cháu đâu có muốn. Trao đổi bài vở, nhắc nhớ việc lớp, lắm thứ lắm bà ạ". Bà Thụ bảo: "Trao đổi gì mà bà thấy toàn hình ảnh thôi. Được hay cháu lại xem phim độc, phim xấu?". Con Thủy giãy nảy lên: "Cháu chát hình ảnh với bạn đấy. Chả tin bà xem này?". Rồi nó cho bà xem. Bà Thụ tò mò ngắm nghía. Trên màn hình là khuôn mặt đứa con gái cùng trang lứa với nó. "Cái Trang, bạn cháu đó", Thủy nói với bà Thụ. "Cháu chào bà ạ", tiếng đứa con gái trên màn hình nói vọng ra. Bà Thụ ngây ra nhìn. Cái Trang cười cười vẫy tay. "Cháu là bạn của Thủy bà ạ. Bà khỏe chứ?", nó hỏi tiếp. "Kìa! Nó hỏi bà đấy. Bà trả lời đi", Thủy giục. Bà Thụ luống cuống áp cái điện thoại vào tai nói: "Khỏe, bà khỏe". Cái Thủy cười ngặt nghẽo: "Bà không phải làm thế. Cứ cầm điện thoại trên tay thế này này. Thế! Phải rồi! Đấy! Cái Trang bạn cháu đấy. Bà nói chuyện với nó đi". Bà Thụ ngượng ngùng: "Chào cháu nha!". Trên màn hình, cái Trang mỉm cười chào lại. Rồi cứ thế hai bà cháu nói chuyện với nhau cứ như đang ngồi đối diện vậy.

Sau cuộc đó, cái Thủy gọi tiếp một cuộc Zalo nữa. "Bà nói chuyện với cô Thảo nha". Màn hình hiện lên gương mặt của Thảo, con gái bà. Bà Thụ sững sờ, ngạc nhiên. Đúng cái Thảo rồi! Bà ngây ra nhìn con gái. Thảo cười chào mẹ. Hai mẹ con bà lại líu ríu với nhau. Bà còn gọi cả ông Thụ tới để nói chuyện cùng. Hai ông bà thay nhau ngắm nhìn con gái. Thảo quay điện thoại các góc cho ông bà nhìn toàn cảnh phòng khách nhà chị. Quay đến đâu, chị giới thiệu đến đó. Tài thế cơ chứ lị. Hình ảnh rõ nét, âm thanh sống động. Tận Móng Cái mà hiện ra rõ thế này ư? Ảo mà thật. Thật mà ảo. Thật ảo lẫn lộn nhưng lại cứ như thật vậy. Mấy trăm cây số, nói chuyện với nhau như ở ngay trước mặt. Thảo nào, người ta nối cầu truyền hình trực tiếp trong Nam ngoài Bắc được là phải. Thế nên, lũ trẻ say sưa chít chát với nhau hàng giờ là thế.

Sau đận đó, Thuần sắm cho ông bà Thụ cái iPhone 5 và hướng dẫn cách sử dụng. Nhớ con, nhớ cháu, chỉ cần Zalo hoặc Facebook là ông bà gặp mặt luôn chúng nó. Chiếc điện thoại cố định bỏ mốc, chẳng mấy khi ông bà dùng đến nữa.

- Này! Thế chúng nó điện bảo sẽ về hả bà? Ông Thụ đột ngột hỏi.

- Không. Có đứa nào điện về đâu? - bà Thụ đáp.

- Vậy bà điện cho chúng nó à?

- Không. Tôi đâu có điện - bà Thụ phân bua.

- Thế sao bà bảo tôi thịt gà đón chúng nó?

- Là tôi đoán thế - bà Thụ chép miệng nói - Nghỉ lễ dài ngày thế cơ mà! Sao chúng lại không về? Về chứ! Nhà con Thảo ở xa thì chưa chắc. Nhưng nhà thằng Thuần thì chắc hẳn rồi. Vợ chồng nó làm Nhà nước. Cái Thủy thằng Chung mặc dù đang đi học nhưng dịp này chúng nó cũng được nghỉ lễ. Thể nào cái con nhà nó chả kéo nhau về?

- Thế mà tôi cứ tưởng…

Ông Thụ kéo dài giọng vẻ thất vọng. Ông ngồi ngây ra. Đoạn, ông giục vợ:

- Bà thử điện hỏi chúng nó xem? Có đứa nào về không? Chứ thịt cả ba con gà rồi bỏ đấy mà không đứa nào về thì còn ra gì nữa. Tôi với bà ăn bao giờ cho hết?

- Điện cho thằng Thuần hả? Ông đi mà điện. Tôi không điện - bà Thụ giằn dỗi.

Chả là dạo này, chẳng hiểu sao vợ chồng Thuần, cả hai đứa con của nó nữa, chẳng mấy khi điện về. Có điện thì chúng cũng chỉ hỏi thăm ông bà qua loa vài câu. Không lên hình như ngày trước nữa. Bà hay ông điện lên thì đứa nào đứa nấy đều một điệp khúc: "Con bận lắm. Nếu không có việc gì quan trọng thì con cúp máy đây". Nó cúp máy thật. Tiếng tít tít kéo dài bên tai. Cả ông và bà trơ mắt ra nhìn nhau rồi nhìn cái iPhone vô hồn đang cầm trên tay. Chẳng biết công lên việc xuống gì mà lúc nào chúng nó cũng kêu bận? Chán. Ông bà chẳng buồn gọi cho chúng nó nữa. Chỉ có mẹ con chị Thảo là hay điện về. Nhưng nó ở xa quá. Chẳng biết hôm này chúng có về không? Nếu anh em nó về cả, gặp nhau, cả nhà đoàn tụ ăn Tết Độc lập thì vui quá.

Lát sau, ông Thụ nói:

- Thôi. Nhốt gà thì nhốt chứ tôi không thịt đâu. Bao giờ chúng nó về hãy hay.

- Ừ. Thế cũng được - bà Thụ đáp rồi cầm cái chổi đi quét sân.

- Ông bà Thụ có nhà không đấy?

Có tiếng hỏi rõ to từ ngoài ngõ.

Cả ông Thụ và bà Thụ đều ngoái cổ nhìn ra. Ông Chắt đang thập thững đi vào. Năm nay, ông ấy bảy mươi tuổi, là người say cờ tướng nhất xóm. Ngày nào ông cũng sang đây để đấu cờ. Không chế độ hưu trí, chỉ là lão nông quê mùa nhưng dân làng, hàng xóm quý ông lắm. Tính ông Chắt xởi lởi, thương người. Ông hay hỏi han giúp đỡ người khác, không nề hà bất cứ việc gì. Người ông thấp bé, nhẹ cân nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Nghỉ làm nông mấy năm nay, ông gia nhập tổ cờ tướng với cánh cán bộ hưu. Hôm nào, nhóm cờ có ông Chắt thì hôm đó vui lắm. Tính ông hiếu thắng, tai lại nghễnh ngãng nữa nên tha hồ cho mọi người trêu chọc. Cờ tướng mà. Có người khiển khích thì thôi rồi. Không khéo còn đánh nhau ấy chứ. Cánh già xóm Cổ Cò này cũng thế. Tuy nhiên, họ chỉ trêu đùa vừa đủ độ thôi. Khi nào ông Chắt hoặc ai đó cáu là dừng. Rồi tất cả lại quay ra cùng cười xòa với nhau. Vui đáo để.

Hơn ông Thụ năm tuổi nhưng do đã có chắt nội nên theo tập quán của làng Cổ Cò ông Chắt được mọi người gọi là cụ. Cánh ông Thụ, tuổi sáu lăm, thậm chí, mấy ông tuổi bảy mươi của làng nhưng vì cháu của họ chưa có con nên vẫn chỉ được gọi là ông. Và chính họ cũng phải gọi ông Chắt là cụ. Gọi cụ thay chắt tương lai của mình. Gọi cụ nhưng xưng em. Lệ làng mà.

- Vâng. Chào cụ Chắt. Mời cụ vào chơi. Nhà em ở trong nhà đó.

Bà Thụ nói to. Cụ Chắt dừng chân đứng giữa sân, ngó vào trong nhà. Ông Thụ ra tận hè giơ hai tay vồn vã đón.

- Chào cụ nhé! Cái máy trợ thính cụ đang đeo đấy có đắt không?

- Tắt hả? Có chứ. Tối nào tôi cũng phải tắt đấy. Tiết kiệm pin mà.

Ông Thụ thoáng ngạc nhiên. Hỏi "đắt" thì lão ấy lại trả lời là "tắt". Đúng là…đồ…đồ điếc. Ông Thụ bật cười. Cụ Chắt cũng cười theo.

- Thế cụ đã mở công tắc chưa?

- Dở à? Không. Nó tốt lắm. Thằng cháu nội nó mua cho đấy.

Bực mình, ông Thụ đến kéo cái núm máy nghe ra khỏi tai cụ Chắt rồi ghé miệng sát tai cụ ấy, quát to từng chữ:

- Tôi…hỏi… cụ…mở…công…tắc…chưa…chứ…dở…dở…cái… gì… mà…dở…dở?

- Thế hả? Thế mà tôi cứ tưởng…

Cụ Chắt cười hềnh hệch. Vừa cười, cụ vừa lần theo cái dây tai nghe bật công tắc lên, đặt nó lại vào tai.

- Ngon rồi! Bây giờ thì ngon rồi. Khổ thế đấy ông ạ. Lẩm cẩm bố nó rồi. Ông thông cảm cho tôi nha.

Cả ông Thụ và cụ Chắt cùng cười lớn.

- Bây giờ thì nghe rõ rồi chứ cụ - ông Thụ hỏi - Cứ như lúc nãy thì… "ông nói gà bà nói vịt". Đúng như câu chuyện tiếu lâm lão Tự hay kể. Cái chuyện "cá diếc" "tiếc tủng" ấy cụ.

- Thì thế - Cụ Chắt nói theo - Càng nhiều tuổi càng điếc lòi ra ông ạ. Không có cái máy nghe này thì chán lắm. Vậy mà, nhiều lúc quên bật công tắc, có cũng như không ấy. Chán mớ đời.

Rót nước ra chén, ông Thụ mời cụ Chắt:

- Mời cụ ngồi xơi nước. Em xin phép ăn sáng cái đã. Ăn xong, em sẽ hầu cờ cụ.

- Ơ! Thế ông bà chưa ăn sáng à?

- Chưa - ông Thụ đáp - Dậy sớm đi bộ, em vừa về tắm táp xong thì cụ tới. Cụ thông cảm ngồi đợi em tí nha.

Cầm chén trà nóng trên tay, cụ Chắt xua tay rồi nói:

- Ông cứ tự nhiên. Mặc kệ tôi.

Nhảo chân vội ra sân, ông Thụ quành ra sau nhà tới chuồng gà. Lát sau, tiếng gà quang quác vang lên. Bà Thụ quăng cái chổi đang quét sân vào hỗ trợ ông nhốt gà. Sau đó, hai người ăn sáng.

Ít phút sau, lại có tiếng người ngoài ngõ:

- Ông bà Thụ đâu rồi? Có nhà không đấy?

- Có - bà Thụ vội đáp - Ai đấy? Ông Nam với ông Ngọc hả? Mời các ông vào nhà xơi nước. Cụ Chắt đang trong nhà em đấy. Nhà em dở tay tí. Các ông thông cảm nha.

Bà Thụ vồn vã. Toàn bạn cờ của chồng mình. Mà sao các lão hôm nay tới sớm thế? Trong bếp, ông Thụ ăn vội bát mì tôm rồi tong tả lên tiếp khách.

THẤM ĐẪM ÁNH TRĂNG - Ảnh 2.

Bốn người đàn ông. Một ấm trà. Chuyện trò rôm rả. Ngày nào cũng vậy, họ đều tập trung ở nhà ông Thụ để "chào buổi sáng". Nhà ông vừa rộng rãi, yên tĩnh, vừa thoáng mát, trung độ. Cụ Chắt đến cũng gần mà ông Nam, ông Ngọc tới cũng tiện. Quan trọng hơn cả là ông Thụ có bà vợ ở cùng. Chứ cứ như ba ông kia thì… lấy ai mà phục vụ? Cụ Chắt hả? "Tứ đại đồng đường". Tụ tập ở đó cứ phải ý tứ. Nhìn trước ngó sau từ đứa chắt nội của cụ trở lên. Sau đó là cháu dâu, con dâu. Rồi đến cả vợ cụ ấy nữa. Tính cụ bà không thích đông người. Cụ mắc bệnh đau đầu, không chịu nổi ồn ào. Nhóm cờ tướng của cụ khi mà bốc lên thì… ỏm tỏi. Tai cụ Chắt lại điếc. Nói bình thường nghe cũng đã như cãi nhau rồi. Thế nên, chẳng những người đến chơi ngại mà cả cụ cũng ngại vợ mình lắm. Tốt nhất là cứ chủ động sớm mai sang nhà ông Thụ trước, tụ tập ở đó. Các bố kia thể nào cũng đến. Đến rồi thì tha hồ tự do. Chẳng lo chè nước. Chẳng lo tốn điện. Mùa hè tha hồ quạt mát. Mùa đông có củi sưởi ấm. Vừa được tiếng gần gũi lại vừa lợi đủ đường.

Ông Nam ở một mình. Tự do đấy nhưng không có ai phục vụ. Ông Ngọc thì ở với vợ chồng anh con cả. Giống như vợ ông Nam, vợ ông Ngọc cũng đi trông cháu cho con gái ở trên phố. Gì thì gì, các ông cũng phải… nể con dâu chứ. Đến chơi một vài lần thì được, chứ ngày nào cũng tụ tập cờ tướng, nói chuyện oang oang, để chị ấy chè nước phục vụ mãi cũng ngại. Mình cứ lì ra đấy, bất tiện lắm.

Cuối cùng chỉ có nhà ông Thụ là hợp lý. Hai vợ chồng già, tính họ lại vui vẻ, hòa nhã. Ông có chế độ hưu. Bà có vườn cây ao cá. Chẳng phụ thuộc ai. Tha hồ cho họ đấu cờ. Tha hồ cho họ bàn chuyện thế sự. Thì đấy, bà Thụ đấy. Bạn của chồng thường xuyên tụ tập, bà ấy có sao đâu? Ngược lại bà càng vui mới thích chứ. Lắm hôm, bà còn tán chuyện xen vào. Cũng tiếu lâm, hài hước phết. Rồi các bà trong xóm cũng đến buôn dưa lê với bà. Bạn ông, bạn bà khiến cho căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Vui đáo để.

- Nghỉ lễ Quốc khánh này liệu bà nhà có về thăm ông không?

Ông Thụ hỏi ông Nam khơi mào cuộc nói chuyện. Thở dài đánh thượt một cái, ông Nam ca cẩm:

- Không. Nhà tôi không về. Còn phải trông nhà cho vợ chồng chúng nó đi hội lớp, hội đoàn gì ấy ông ạ.

- Thế hả? Thế thì buồn chết - bà Thụ dưới bếp đi lên nói xen vào - Ông cứ một mình cơm niêu nước lọ mãi thế à?

- Đành vậy chứ biết sao giờ hả bà?

- Rõ khổ - bà Thụ chép miệng thông cảm - Lúc trẻ đi công tác xa bà ấy đã đành. Giờ về hưu, tưởng được bên nhau lại bị con cái nó tách ra mỗi người một nơi. Tức chết đi được ấy ông nhỉ?

- Thì nhà mình mấy năm trước cũng vậy thôi - ông Thụ nói - Bà cũng bị chúng nó lôi đi bỏ mình tôi ở nhà mấy tháng trời còn gì?

- Tôi cũng vậy nè - ông Ngọc lên tiếng - Cũng ông nơi bà nẻo. Cũng theo sự điều động, phân công của con cái đây. Cô con gái lấy chồng xa, hết tôi, rồi lại bà nó đi làm ôsin cho chúng nó đấy. Tưởng gả con gái mà xong à? Còn lâu nha. May mà thằng cả nó lấy vợ làng, chứ không thì… Cứ như cụ Chắt đây lại hay.

- Gay gì mà gay - cụ Chắt phản thùng - Tôi ổn mà.

- Cụ xem lại cái tai nghe đi. Được hay lại lỏng mẹ nó công tắc rồi?

Ông Thụ nói to vào tai cụ Chắt. Cụ Chắt nghệt mặt ra, mắt sáng lên, đầu gật gật. Cụ đưa tay sờ lên tai, nhét lại cái núm nghe và nói:

- Đúng là lỏng cái núm nghe thật. Tức thế cơ chứ lị!

Ông Thụ cao giọng bàn luận:

- Nói chung, làng mình bây giờ đều thế tất. Kể cả những nhà không có con đi công tác hay lấy chồng xa cũng vậy. Tháng ba ngày tám toàn ông già bà cả ở nhà. Thanh niên lũ lượt kéo nhau đi làm ăn xa. Đấy, các ông xem. Tôi nói có đúng không?

- Ông Thụ nói đúng - Ông Nam phụ họa - Thời buổi nó thế. Tết xong, làng rỗng hẳn. Còn mỗi cánh già mình với lũ trẻ con thôi. Vào năm học, trẻ con đi học, trơ khấc ra toàn cánh già. Xóm này vẫn nhất ông bà. Hai vợ chồng bên nhau tha hồ hồi xuân. Tôi hỏi thật nha - Ông Nam hạ giọng nhìn ông Thụ - Ông bà vưỡn…vưỡn…đều chứ?

- Vưỡn? Ông bảo vưỡn cái gì? - ông Thụ thật thà hỏi lại.

- Là vưỡn… vưỡn cái khoản í í. Tuần trăng mật í?

Vừa nói, ông Nam vừa nháy mắt liếc về bà Thụ. Vừa liếc ông này vừa nghĩ: bà này trẻ thế cơ mà. Trông vẫn còn nhuận sắc lắm. Thì đã tới sáu mươi đâu? Có khi đang độ hồi xuân ấy chứ.

- Phải gió cái nhà ông này - bà Thụ ngúng nguẩy, phẩy tay - Còn cái gì nữa mà mật với chả mỡ. Báu lắm đấy. Có mà mất mật thì có.

Cả mấy người cùng cười vang. Sau đó, cuộc cờ bắt đầu. Mấy ông xúm lại quanh bàn cờ. Họ quên phắt bà Thụ đang ở đó. Biết ý, bà Thụ đun đầy phích nước rồi lẳng lặng ra vườn.

Nắng thu vàng ươm. Bưởi trĩu cành đung đưa trong gió. Những quả na mở mắt, rãnh trắng mỏng gọi mời. Dưới ao, đàn cá tung tăng bơi lội. Ở góc vườn, lũ gà mải mê kiếm ăn. Trên cây, chim chuyền cành, véo von hót. Tuy không rộng lắm nhưng vườn nhà bà Thụ mùa nào thức ấy. Toàn rau quả sạch. Gà, cá cũng vậy. Của nhà làm ra mà. Bà chăm chỉ, ông chịu khó. Hai ông bà ăn sao hết. Thế nên, bà dành dụm đỗ, lạc, vừng, cả trứng gà nữa, cất trong chum, trong vại. Hễ có ai lên phố, bà lại gửi lên cho "nhà Thuần". Thương con, thương cháu, ông bà thường chỉ dùng những thứ loại B, loại C thôi. Miếng ngon, đồ tốt, loại A đều để phần chúng nó. Người ta "bán hàng ăn chũm cau", đằng này ông bà không bán hàng nhưng cũng thế. Thì thương con, thương cháu mà lị. Tuổi già vui với vườn cây, ao cá, vui vì làm cho con, cháu vui. Làng Cổ Cò được như ông bà đúng là nhất thật. Lão Nam nói vậy mà chính xác. Chả thế lại không ư? Thì vưỡn!

Trong xóm chỉ có bà Tịch là hoàn cảnh. Chồng mất mấy năm nay. Bốn đứa con, hai trai hai gái. Vậy mà vẫn thui thủi một mình. Con gái lấy chồng theo chồng đã đành. Đằng này, hai anh con trai đều đi công tác cả. Họ lấy vợ rồi ở luôn nơi công tác. Thế thì cũng khác nào phận gái. Chẳng theo vợ cũng hóa là theo vợ. Anh cả rồi anh thứ đón đi, bà không đi. Cứ nhất quyết ở quê cơ. Nghĩ cho cùng, bà Tịch làm vậy cũng đúng. Nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả tổ tiên ông bà, cả chồng bà nữa, bỏ đi sao được? Ở quê, có bạn già, có anh em họ hàng vui như thế, theo chúng nó lên phố để thui thủi một mình giữa chốn đông người à? Thôi thì chấp nhận hoàn cảnh vậy. Có dân làng, hàng xóm, lo gì. Bà mở quán bán nước lấy chỗ tụ tập bạn già, người làng làm vui. Được cái, nhà bà ngay đầu trổ vào làng nên rất tiện. Từ ngày có quán, bà Tịch đỡ cô đơn hơn. Tuy nhiên, đêm về, một mình bà trong căn nhà trống trải, bà vẫn cảm thấy thăm thẳm lắm.

Để giữ mối liên lạc thường xuyên với nhau, cánh già của xóm đều thống nhất mắc mỗi nhà một chiếc điện thoại cố định. Có việc gì khẩn cấp thì gọi cho nhau. Sau đó, họ mới gọi cho con cháu. Chờ được chúng về rồi có khi mình đã ngoẻo củ tỏi bố nó rồi cũng nên. Cứ phải "hàng xóm tắt lửa tối đèn" có nhau. Các cụ dạy "bán anh em xa mua láng giềng gần" là vậy. Cho nên, cùng với cái I-phone, ông bà Thụ vẫn để chiếc điện thoại bàn lại là vì thế. Nhóm bạn già của bà có mấy người biết dùng điện thoại di động đâu? Trong khi đó điện thoại bàn vừa dễ sử dụng lại vừa rẻ. Vậy nên, mạng lưới thông tin này gắn kết họ với nhau thân thiết, tiện lợi lắm.

Nhá nhem tối, nhóm cờ của ông Thụ đã giải tán từ lâu. Hết ngóng ra cổng, hai ông bà lại nhìn vào cái nơm úp ba con gà. Chúng mổ nhau chí chóe suốt từ sáng đến giờ. Lũ gà ở ngoài bu quanh tròn mắt nhìn ba con gà ở trong. Mấy chục con kéo về cùng nghển cổ, châu đầu, ngó vào sân, hóng chờ bà Thụ cho ăn. Còn bà Thụ thì hễ có tiếng ô tô, bà lại khấp khởi chờ đợi. Thể nào cái xe khách này cũng sẽ đỗ trước cổng nhà mình. Đã thấy mấy người xuống xe, lục tục đồ đoàn về nghỉ lễ rồi. Chắc xe này sẽ đến lượt bố con nhà Thuần. Nhà Thảo thì thôi rồi. Giữa chiều, chị ấy điện về bảo không về được. Giờ ông bà chỉ còn mong nhà Thuần nữa thôi. Vậy mà, hết xe nọ tới xe kia, hết toán nọ đến toán kia, vẫn không thấy nhà nó đâu cả. Trời thì sắp tối rồi. Sốt ruột quá.

- Bà xem vào nấu cơm đi. Giờ mà chúng nó không về thì thôi rồi. Chờ làm gì nữa.

Ông Thụ giục. Bà Thụ thở dài:

- Cố chờ tí nữa xem sao. Lỡ chúng nó về lại nấu thêm cơm à?

- Chờ gì mà chờ. Tối bố nó rồi còn chờ với chả đợi.

Ông Thụ bực mình dấm dẳn. Vừa lúc đó, cái Iphone trong túi quần ông rung lên. Bà Thụ nghe thấy, cuống cuồng giục:

- Ông nghe đi. Chúng nó về đấy. Gọi ông xuống đón đấy.

Điểm xe buýt cách nhà ông Thụ khoảng chừng một cây số. Từ ngày có xe buýt, nhà Thuần về quê toàn đi xe này. Cứ về đến điểm là chúng a-lô gọi ông mang xe máy ra đón. Khi trước, bắt xe khách đường dài, đỗ ở cổng rất tiện. Thế nhưng, ngày lễ, ngày Tết nó nhồi nhét kinh lắm. Nhiều khi không bắt được xe mà về. Khách đường dài còn không chở hết, lại được tiền hơn, ai chúng thèm bắt khách đường ngắn nữa. Lúc nãy, ông bà ngóng cứ ngóng vậy thôi, chứ hy vọng thì... Họ vẫn chờ điện thoại gọi như mọi lần để đi đón. Giờ thì điện thoại reo rồi đấy. Chúng nó về rồi đấy.

- A-lô! Bố ạ! Nhà con đang ở sân bay Nội Bài. Nghỉ lễ này con cho nhà con và hai cháu đi Đà Nẵng. Bố mẹ ở nhà vui nhé.

Tiếng loa ngoài oang oang. Đúng giọng thằng Thuần. Bà Thụ thừ người. Giằng lấy chiếc điện thoại từ tay ông, bà nói:

- Thế bố con nhà mày không về à?

- Không. Chúng con đặt vé cả tháng nay rồi. Thôi, con tắt máy vào phòng chờ đây. Con chào bố mẹ nhé.

Chưa kịp nói thêm câu nào thì bà Thụ đã nghe tiếng "tít tít" từ chiếc điện thoại đổ dồn. Bực mình, bà chửi đổng:

- Bố tiên sư chúng nó chứ. Con với chả cái.

- Đặt vé cả tháng nay - ông Thụ lẩm bẩm - Không về cũng không nói với bố mẹ một câu. Thế mà bà chả chờ chúng nó mãi đi?

- Thì nào tôi cứ tưởng… - bà Thụ ấm ức.

Hai ông bà trân trân nhìn nhau, rồi cùng ngơ ngác nhìn ra ngõ.

Sương thu bảng lảng. Khỏi bếp nhà bên bay lên quyện vào như chiếc khăn voan lượn lờ trên mái rạ. Bên ấy, tiếng cười nói rổn rảng. Nhà Bang con cháu vừa về đang ríu rít nấu nướng. Xa xa, đầu làng, bóng bà Tịch đứng trước quán trông khá rõ. Suốt từ chiều đến giờ, bà ấy vẫn ở tư thế ấy. Chắc cũng đang mong chờ con cháu về nghỉ lễ.

- Con chào ông bà ạ.

Cả hai ông bà Thụ đều giật mình, cùng quay lại về phía tiếng chào. Anh Binh, con nhà ông Chiến đang dạng chân ngồi trên chiếc xe máy đỗ ở ngay mép sân. Tắt máy, anh ta nói:

- Ông bà có gì gửi cho anh chị Thuần không, con mang đi cho?

Chiến là dân tự do. Dạo này anh đang phụ hồ cho cánh thợ xây một công trình trên tỉnh, gần ngay chỗ Thuần. Mấy tháng nay, Binh là cầu nối giữa ông bà Thụ với Thuần. Dăm bữa nửa tháng, anh lại về. Mỗi lần đi, bà Thụ lại gửi cho bố con Thuần bao nhiêu thứ. Chính vì thế mà suốt mấy tháng nay bố con nhà Thuần không về thăm ông bà.

- Không - ông Thụ bực tức nói - Chả có gì gửi ghiếc cả.

- Chúng nó đi du lịch Đà Nẵng rồi - bà Thụ nói - Thôi. Chả gửi nữa.

- Thế hả? Thế thì cháu đi ông bà nhé.

Vừa nói, Binh vừa quay đầu xe. Bà Thụ chợt gọi giật Binh lại:

- Anh chờ tôi tí. Tôi gửi cho cháu nó mấy cân lạc vậy.

Nói xong, bà tất tưởi chạy vào bếp, xách túi lạc đã chuẩn bị sẵn mang ra. Binh cùng bà chằng buộc. Vừa làm bà vừa nói:

- Anh bảo với vợ chồng nó cố gắng sắp xếp đưa các cháu về chơi với vợ chồng tôi nha. Mấy tháng nay rồi chẳng thấy mặt đứa nào cả.

- Vâng, ông bà yên tâm. Con sẽ chuyển lời và số quà này ạ.

Binh phóng xe ra ngõ. Hai ông bà đứng nhìn theo hút mãi cái đèn hậu đỏ lừ của xe Binh cho đến khi nó khuất hẳn phía cuối làng. Trăng đầu tháng đã lấp ló trên ngọn tre. Bên nhà lão Bang, tiếng bát đũa lách cách cùng tiếng giục mời nhau vọng sang. Họ đang vào bữa tối.

- Giờ thì thả ba con gà kia vào chuồng chứ?

Ông Thụ chỉ vào cái bu nhốt gà nói. Bà Thụ gật đầu:

- Thả chúng nó ra. Giá ban sáng ông thịt thì lúc nãy gửi nhà anh Binh mang lên cho chúng nó cũng được.

- Được là được thế nào? - ông Thụ cự nự - Bà không nhớ cho nó gà thì phải mổ sẵn, thậm chí rút hết xương cho nó à? Với lại, nhà nó đi Đà Nẵng cả mấy ngày cơ mà.

- Ừ nhỉ. Thôi. Thế thì thả nó ra. À mà không. Cứ nhốt đấy ông ạ.

Ông Thụ ngạc nhiên nhìn vợ.

- Thế là thế nào? Thả hay là không đây?

- Tôi tính thế này ông ạ - bà Thụ nhẹ nhàng nói - Mai, mình thịt hai con, mời bạn cờ của ông, tôi mời bà Tịch, bà Sen, mấy bà bạn thân trong xóm nữa. Ta làm bữa liên hoan mừng ngày Quốc khánh ông ạ. Chúng nó không về ta vưỡn cứ vui. Bạn già với nhau, càng quý. Thể nào, trung thu tới chả có đứa về. Gà còn đầy trong chuồng đấy. Lo gì.

Ngẩn ra nhìn vợ, ông Thụ thấy vui vui trở lại. Bà này tính thế mà lại hay. Mình phải lo cái thân mình trước đã. Trẻ có phận trẻ. Già lo phận già. Không quá câu nệ, nghĩ ngợi nhiều mà đau đầu. Mình có vui thì con cháu nó mới vui. Đổi mới mà lị.

- OK. Thích thì nhích luôn.

Bắt chước cánh trẻ, ông Thụ phẩy tay nói. Dù khá buồn nhưng bà Thụ cũng phải phì cười trước thái độ của chồng. Gương mặt bà dãn ra. Ông Thụ bước vội vào nhà, lại chiếc điện thoại bàn, hào hứng bấm máy alô gọi một lượt cánh bạn già, triển khai kế hoạch ngày mai. Bà Thụ tất bật đi sửa soạn bữa tối.

Ngoài kia, trăng nhô lên khỏi ngọn tre rải ánh vàng ánh bạc xuống sân vườn lấp loáng. Cả làng quê thấm đẫm ánh trăng. Gió thu man mác. Sương thu bảng lảng. Tiếng thu rì rầm. Trong đầu hai ông bà, hình ảnh con cháu cùng các bạn già cứ thay nhau ẩn hiện.

Truyện dự thi: Thấm đẫm ánh trăng - Ảnh 3.