Trắng đêm chờ nước
Hằng năm, cứ vào tháng 10 khi những cơn mưa đã thưa dần, người dân huyện Mường Khương lại bước vào nỗi lo của mùa thiếu nước trầm trọng. Nơi đây từ lâu được ví như "Trường Sa trên cạn" với 3 cái nhất: Xa huyện nhất, ít dân nhất huyện và thiếu nước nhất huyện.
Việc tìm kiếm nước ở "Trường Sa trên cạn" vô cùng khó khăn khi có rất nhiều đoàn công tác đã lên đây khoan thăm dò nhưng không có nguồn nước.
Với đặc điểm địa hình cao, hầu hết là núi đá, đất mùn tơi xốp nên đất ở khu vực này không thể giữ nước. Vấn đề thiếu nước sản xuất và sinh hoạt luôn ở mức báo động nhiều năm nay, đặc biệt ở hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu. Lượng mưa ít, mùa khô kéo dài, nhiều vùng đất trở nên khô cằn và xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa không thể sản xuất.
Vào mùa khô, người lớn có thể thức trắng đêm để chờ hứng tại các bể nước trung tâm hoặc đi xuyên rừng tìm các mó nước nhỏ rỉ ra từ vách đá.
Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu và Dìn Chin nằm trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng thiếu nước thường xuyên. Để đảm bảo nguồn nước ăn, sinh hoạt cho hàng trăm học sinh bán trú, thầy cô phải dẫn đường ống lấy nước từ khe núi cách trường vài cây số.
Ngoài việc sử dụng các bể chứa, thầy trò tại các điểm trường tận dụng thùng phi, can nhựa, thậm chí là thùng đựng rác. Gió to, đường ống bị gãy hỏng, nguồn nước bị mất, cuộc sống của hàng trăm giáo viên học sinh đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt.
Với mong muốn giúp bà con, Sở KH&CN tỉnh Lào Cai đã đặt hàng giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân thông qua đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc" (2017-2019).
Đây là đề tài thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc).
Mục tiêu của đề tài là đề xuất công nghệ thu trữ, xử lý nước phục vụ dân sinh Tây Bắc, đảm bảo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT. Đồng thời tìm ra mô hình quản lý phù hợp và bền vững, sau đó nhân rộng mô hình để áp dụng cho các địa phương khác.
Hiệu quả bất ngờ
Thạc sỹ Phạm Văn Ban và các cộng sự của Viện Khoa học thủy lợi thực hiện đề tài này. Các chuyên gia đã khảo sát 10 tỉnh vùng Tây Bắc. Kết quả, nhóm dự án ở những vùng có nước mặt (nước chảy trên bề mặt đất) đã có sẵn công trình thu trữ nước như bể chứa nước tập trung, hồ treo,... khi thiết kế tính toán tương đối đủ nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công trình bị xuống cấp, quy mô giữ nguyên nhưng năng lực hoạt động giảm xuống. Về xử lý nước, các công trình chứa nước tập trung hiện nay thường dùng đá, cát, sỏi mang tính chất lọc thô, chưa xử lý được những thành phần hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bởi vậy, để giải quyết các vấn đề này, nhóm dự án đã đề xuất những giải pháp mới để khắc phục hạn chế của những công trình thu trữ và xử lý nước sẵn có.
Với hồ treo chứa nước, ThS. Phạm Văn Ban và các cộng sự đã dùng màng chống thấm bentofix (một loại vật liệu từ khoáng sét bentonite) thay thế cho bạt HPDE - thường dùng làm màng chống thấm ở các hồ treo chứa nước nhưng dễ bị rách trong quá trình sử dụng, tốn nhiều công sức và chi phí thay thế.
Để thay thế cho phương pháp xử lý nước lọc thô, nhóm dự án đã thiết kế tủ lọc dạng khối, dễ dàng di chuyển và tùy chỉnh công suất theo nhu cầu sử dụng, cấp nước đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế về nước sinh hoạt.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự án là giải pháp đập ngầm thu nước ngầm tầng trên. "Giải pháp này có thể áp dụng ở nhiều địa phương khác nhau, với điều kiện có chênh lệch địa hình cao thấp, có nguồn nước ngầm ở tầng gần bề mặt, vùng đất ẩm. Chỉ cần đào xuống, đổ cát và đặt các băng thu nước khía rãnh gắn dọc theo ống PVC, đặt trong lớp cát là xong, nước sẽ dẫn về các bể chứa nước tập trung có sử dụng tủ lọc", ThS. Phạm Văn Ban giải thích.
Việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh
Hiệu quả của các giải pháp trên đã được chứng minh qua 6 mô hình thu trữ nước quy mô hộ gia đình, nhóm dân cư và tổ chức (trường học, trạm y tế) áp dụng những công nghệ mà nhóm dự án đề xuất ở Lào Cai và Bắc Kạn.
Lượng cấp nước đủ tiêu chuẩn 60l/người trong một ngày đêm, giúp trường mầm non xã Nghĩa Hảo (huyện Na Rì, Bắc Kạn) và trạm y tế xã Tả Gia Khâu tiết kiệm được tiền mua nước sạch là 200.000 đồng/ngày trước đây.
Trước đây, Trường Mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì (Bắc Kạn) cũng rất khó khăn về nguồn nước. Vào mùa khô, nguồn nước hầu như không có. Thầy và trò phải lên tận đầu nguồn, gùi từng xô nước về để sinh hoạt. Không đủ cho nhu cầu của hàng trăm cán bộ, giáo viên, trong suốt 10 năm, nhà trường đã phải mua nước của dân.
Với mô hình thử nghiệm này, từ năm 2018, Trường Mầm non Hảo Nghĩa đã có nguồn nước ổn định, tiết kiệm chi phí và hợp vệ sinh. Cô Vũ Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hảo Nghĩa cho biết: "Được thụ hưởng kết quả từ đề tài, cô và trò nhà trường đã có nguồn nước hợp vệ sinh, bảo đảm cho hoạt động dạy và học cũng như sinh hoạt của học sinh lứa tuổi mầm non".
Mặc hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả thực hiện đề tài, mô hình cũng được đề nghị nhân rộng nhưng ThS. Phạm Văn Ban vẫn muốn hoàn thiện hơn nữa.
“Giải pháp băng thu nước ngầm chỉ phù hợp với quy mô nhỏ, hộ gia đình, cụm dân cư hoặc trường học, nếu muốn áp dụng ở quy mô toàn xã hoặc liên xã thì phải đặt rất nhiều băng thu nước ngầm, sẽ rất tốn kém. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng có thể đề xuất những dự án mới thông qua những chương trình của Bộ KH&CN trong thời gian tới để tiếp tục thử nghiệm, tối ưu công nghệ này”, ThS. Phạm Văn Ban nói.
Công trình xử lý nước tại huyện Mường Khương (Lào Cao), tại Trường Mầm non Hảo Nghĩa (Bắc Kạn) là 1 trong số 56 quy trình khoa học công nghệ thuộc Chương trình Tây Bắc đã và đang được triển khai có hiệu quả tại khu vực miền núi phía Bắc, góp phần cải thiện đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.