Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), lượng đường mía từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng một cách chóng mặt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp mía đường trong nước.
Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 500.000 tấn, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2019 (55.000 tấn), gần gấp đôi lượng đường Thái Lan nhập khẩu của cả năm 2019.
Đường Thái Lan ồ ạt tấn công thị trường khiến các doanh nghiệp sản xuất mía đường của Việt Nam trở tay không kịp.
Niên vụ 2019/2020, sản lượng đường của tất cả các doanh nghiệp sản xuất đường của Việt Nam sụt giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 800.000 tấn, trong khi niên vụ 2018/2019 là 1,2 triệu tấn; diện tích mía đường niên vụ 2019-2020 cũng giảm 18% so với niên vụ 2018-2019, đạt hơn 157.800 ha.
Thiệt hại của ngành mía đường là vô cùng nghiêm trọng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí để khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại.
Được biết, ngành mía đường đang chuẩn bị và nhiều khả năng sẽ sớm nộp hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành mía đường. Hiệp hội Mía đường Việt Nam muốn áp dụng biện pháp tự về theo quy định tại Nghị định thư ASEAN về đối xử đặc biệt với gạo và đường hoặc theo Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, việc ngành mía đường ưu tiên biện pháp tự vệ, một biện pháp không triệt để, không vững về cơ sở pháp lý, lại có rủi ro bị kiện, bị yêu cầu bồi thường... cho thấy nội bộ ngành mía đường chưa thực sự thống nhất quan điểm. Một số doanh nghiệp còn muốn kéo dài tối đa thời gian bảo hộ tuyệt đối.
Theo Bộ Công Thương, do hiện nay Việt Nam mới chỉ mở cửa thị trường cho đường nhập khẩu từ ASEAN, biện pháp phòng vệ thương mại nếu được áp dụng nên hướng vào những nước này.
Bên cạnh đó, Thái Lan là nước xuất khẩu chính, lại có nhiều bằng chứng cho thấy Thái Lan đang trợ cấp rất lớn cho ngành mía đường, dẫn đến đường Thái Lan có thể bán giá giá không chỉ trong khu vực mà còn cả toàn cầu.
Bộ Công Thương nhận thấy, giải pháp triệt để nhất, công bằng nhất là khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái Lan.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mặt hàng đường, Bộ Công Thương đề xuất sẽ khởi xướng, điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan (chủ động hoặc trên cơ sở đề nghị của ngành sản xuất trong nước).
Sau này, nếu xuất hiện tình trạng nhập khẩu đường thô từ Thái Lan về Lào và Campuchia tinh luyện rồi xuất khẩu sang Việt Nam như ngành mía đường quan ngại thì sẽ điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Liên quan tới những đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cũng cơ bản thống nhất với việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường từ Thái Lan.
Trong trường hợp sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá mà xuất hiện tình trạng lẩn tránh bằng cách nhập khẩu đường từ Lào và Campuchia thì sẽ điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương bổ sung số liệu thực tiễn đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định để khởi xướng điều tra.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương bổ sung làm rõ các cơ sở pháp lý, hiệu quả và tác động của từng biện pháp có thể áp dụng thông qua việc phân tích các quy định liên quan của các Hiệp định của WTO, gắn với các tình tiết cụ thể trong hoạt động nhập khẩu mía đường từ Thái Lan nhằm lựa chọn biện pháp hiệu quả nhất.
Nhất trí cần thiết áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp, song Bộ Ngoại giao lưu ý về việc xem xét áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp trong tổng thể quan hệ đối tác giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và Thái Lan khi Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN đang triển khai một số sáng kiến, đề xuất kêu gọi ASEAN mở cửa thị trường, giữ vững đoàn kết, thúc đẩy đầu tư thương mại nội khối...