Theo đạo luật này, "Lá cờ Chiến thắng" là lá cờ của Sư đoàn Bộ binh 150 đã được cắm lên nóc trụ sở Quốc hội nước Đức phát xít vào ngày 1/5/1945: lá cờ màu đỏ, ở góc trên bên trái có hình búa liềm màu vàng và ngôi sao màu trắng.
Lịch sử lá cờ này có nhiều tình tiết khá ly kỳ.
Nhiệm vụ do Stalin đặt ra
Ngày 6/10/1944, tại phiên họp trọng thể của Xô-viết, Moskva kỷ niệm lần thứ 27 cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Stalin đã phát biểu ý kiến. Sau khi nói về những thắng lợi ngoài chiến trường, ông nhấn mạnh: "Giờ đây Hồng quân chỉ còn phải thực hiện sứ mệnh cuối cùng: cùng quân đội các nước Đồng minh hoàn thành nhiệm vụ đập tan quân đội phát xít Đức, tiêu diệt con thú phát xít ngay tại hang ổ của nó và cắm Lá cờ Chiến thắng trên thành phố Berlin".
Lời phát biểu của Stalin chính là thời điểm khai sinh Lá cờ Chiến thắng. Quả thật là vào tháng 10/1944, ai cũng thấy rõ cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã bước vào giai đoạn quyết định. Chắc hẳn Stalin đã nghĩ đến một biểu tượng nào đó thể hiện chiến thắng. Nhưng Stalin chỉ nói những câu chung chung như trên mà thôi.
Không ai dám hỏi lại ông về những chi tiết của Lá cờ Chiến thắng mà ông đề cập đến. Tuy nhiên, Nhà máy May thêu số 7 ở Moskva đã nhận được đơn đặt hàng may Lá cờ Chiến thắng.
Lá cờ đó may bằng nhung đỏ, viền trang trí sặc sỡ, ở chính giữa là hình Quốc huy Liên Xô, bên trên hình Quốc huy là hình Huân chương "Chiến thắng" còn phía dưới là dòng chữ: "Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa – chúng ta nhất định chiến thắng".
Không ai rõ tại sao nó không được gửi ra mặt trận mà để lại ở Moskva.
Chín chọn một
Quân đội Xô-viết càng tiến đến gần Berlin thì vấn đề biểu tượng của chiến thắng càng đặt ra một cách cấp thiết. Giới quân sự chờ mãi không thấy chỉ thị của Ban Lãnh đạo tối cao về vấn đề này.
Mãi đến ngày 9/4/1945 (tức là 3 tuần trước cuộc tấn công vào trụ sở Quốc hội nước Đức phát xít), hội nghị cán bộ chính trị của tất cả các Tập đoàn quân thuộc Phương diện quân Belorussia số 1 họp tại thành phố Landsberg mới thông qua quyết định: mỗi Tập đoàn quân tiến vào Berlin đều phải chuẩn bị một lá cờ đỏ để sẵn sàng cắm trên trụ sở Quốc hội nước Đức phát xít.
Vào tháng 4/1945, Tập đoàn quân xung kích số 3 của Phương diện quân Belorussia dưới sự chỉ huy của Đại tướng Vasili Kuznetsova đã tiến vào trung tâm Berlin và chuẩn bị 9 lá cờ (mỗi sư đoàn chuẩn bị 1 lá cờ). Cờ may bằng vải đỏ bình thường, góc phía bên trái có hình búa liềm màu vàng và ngôi sao màu trắng.
Vào đêm 21 rạng ngày 22/4, 9 lá cờ được trao cho các sư đoàn bộ binh. Một trong những lá cờ ấy – lá cờ số 5 của Sư đoàn Bộ binh Số 150 – đã được cắm lên nóc trụ sở Quốc hội nước Đức phát xít vào đêm 30/4 rạng ngày 1/5/1945. Chính những đơn vị của Sư đoàn Bộ binh số 150 đã ở tuyến đầu trong cuộc tấn công vào trụ sở Quốc hội phát xít. Các lá cờ còn lại chỉ được coi là những lá cờ bình thường.
Đài phát thanh "dựng" lá cờ chiến thắng sớm hơn 12 tiếng đồng hồ
Chiều 30/4/1945, Đài Phát thanh Liên Xô và tiếp đó là Đài Phát thanh các nước khác đưa tin: "Vào lúc 14h25', Lá cờ Chiến thắng đã phấp phới bay trên đỉnh trụ sở Quốc hội phát xít".
Nhưng thật ra vào thời điểm đó chưa có một chiến sĩ Xôviết nào tiến vào trụ sở Quốc hội. Sở dĩ như vậy là vì Ban Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh Số 150 quá nôn nóng thông báo về "chiến tích" của mình. Khi Ban Chỉ huy tối cao kiểm tra và biết được sự thật thì đã không thể thay đổi được nữa và thông báo nói trên cứ thế mà lan rộng.
Sự thật là mãi đến 22h40', 5 chiến sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 171 gồm Đại úy Vladimir Makov, 3 thượng sĩ Aleksei Bobrov, Gazi Gazitov và Aleksandr Lisimenko cùng Trung sĩ Mikhain Mimin mới cắm lá cờ của mình vào mặt tiền trụ sở Quốc hội phát xít. Vậy tại sao lá cờ này không được coi là Lá cờ Chiến thắng? Đó là vì khi trao 9 lá cờ cho 9 sư đoàn, Ban Chỉ huy Tập đoàn quân Số 3 đã nói rõ: Chỉ lá cờ nào cắm trên nóc trụ sở Quốc hội phát xít mới được công nhận là Lá cờ Chiến thắng.
Vào khoảng 3 giờ đêm – tức là 12 tiếng đồng hồ sau thông báo của Đài Phát thanh Xô-viết – các thượng sĩ Mikhail Egorov và Meliton Kantaria cùng Chính trị viên - Trung úy Aleksei Berest mới cắm lá cờ của mình lên nóc trụ sở Quốc hội phát xít. Nhưng đến ngày 8-5, cũng chính Egorov và Kataria lại gỡ Lá cờ Chiến thắng đi và thay bằng một lá cờ khác có hình búa liềm ở giữa.
Lá cờ chiến thắng không tham gia lễ duyệt binh chiến thắng
Ngày 19/6/1945, Stalin ra lệnh đưa Lá cờ Chiến thắng về Moskva để tham gia lễ duyệt binh chiến thắng. Sáng ngày 20/6, Egorov, Kantaria và một số chiến sĩ đã tham gia cuộc tấn công vào trụ sở Quốc hội phát xít cùng Lá cờ Chiến thắng (lá cờ có hình búa liềm ở giữa) rời sân bay Berlin về Moskva. Nhưng Lá cờ Chiến thắng lại không tham gia lễ duyệt binh lịch sử ngày 24/6.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Một giả thuyết cho rằng vì lá cờ trông quá đơn giản, không có vẻ "chiến thắng", không giống như lá cờ mà người ta đã quen nhìn thấy trên báo chí (lá cờ có hình búa liềm ở góc trên bên trái).
Giả thuyết thứ hai là theo kịch bản Lễ Duyệt binh thì Egorov và Kantaria phải mang Lá cờ Chiến thắng đi đầu, nhưng trong buổi Tổng diễn tập mới thấy họ không quen đi đứng theo kiểu duyệt binh.
Kết quả là mọi người nhận được thông báo: Lá cờ Chiến thắng sẽ không tham gia Lễ Duyệt binh Chiến thắng. Tất cả các chiến sĩ đưa Lá cờ Chiến thắng về Moskva đều theo dõi cuộc duyệt binh từ trên lễ đài.