Dân Việt

Vụ định nhảy lầu tự tử sau tuyên án tại TAND TP.HCM: Nhà bị đơn Lê Văn Dư bị đề nghị ngừng cung cấp điện

Quang Phương 13/08/2020 10:17 GMT+7
Gia đình ông Lê Văn Dư, bị đơn trong vụ "định nhảy lầu tự tử sau tuyên án tại TAND TP.HCM”, vừa bị nguyên đơn là ông Phan Quý đề nghị đơn vị điện lực ngừng cung cấp điện.

Ngày 13/8, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Dư cho biết ngày 12/8, Công ty Điện lực Gò Vấp đã cử đại diện đến làm việc với gia đình ông. Lý do là phía Công ty Điện lực Gò Vấp có nhận được đơn thư của ông Phan Quý đề nghị Công ty Điện lực Gò Vấp không cấp điện cho hộ ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng trên một phần thửa đất 505, phường 15, quận Gò Vấp.

Vụ "định nhảy lầu tự tử sau tuyên án tại TAND TP.HCM": Nhà bị đơn Lê Văn Dư bị đề nghị ngừng cung cấp điện? - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Dư tươi cười ngồi chờ trước phiên giám đốc thẩm. Ảnh: Quang Phương

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Dư đã trình bày với đại diện Công ty Điện lực Gò Vấp về tình hình lô đất, nơi gia đình ông đang sinh sống. Sau khi nghe ông Lê Văn Dư trình bày và cung cấp các giấy tờ liên quan, đại diện Công ty Điện lực Gò Vấp đã ghi nhận lại ý kiến của ông Dư.

Ông Lê Văn Dư cho biết: "Gia đình tôi có ký hợp đồng với Công ty Điện lực Gò Vấp về việc mua bán điện, nguồn điện cung cấp cho gia đình tôi được trả tiền đầy đủ để phục vụ cuộc sống thiết yếu cho gia đình. Đề nghị công ty tuân thủ hợp đồng. Vụ việc tranh chấp đất giữa tôi và ông Phan Quý đang được tòa án xử lý. Sự việc này không liên quan đến công ty điện lực".

Vụ "định nhảy lầu tự tử sau tuyên án tại TAND TP.HCM": Nhà bị đơn Lê Văn Dư bị đề nghị ngừng cung cấp điện? - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Dư ôm ông Lê Sỹ Thắng khóc vì sung sướng khi biết kết quả giám đốc thẩm. Ảnh: Quang Phương

Luật sư Trương Hồng Điền, một trong 4 luật sư phía bị đơn Lê Văn Dư, cho biết việc đến lập biên bản làm việc, xác minh của đại diện Công ty Điện lực Gò Vấp khi có đơn của ông Phan Quý như trên là không cần thiết.

"Ông Phan Quý không có quyền yêu cầu công ty điện lực ngừng cung cấp điện cho hộ ông Lê Văn Dư. Đơn thư của ông Phan Quý gửi tới điện lực đi xác minh là không cần thiết, vì ông Phan Quý không có quyền và lợi ích hợp pháp nào bị xâm phạm khi công ty điện lực bán điện cho ông Dư. Trường hợp nếu có quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện nước cho một hộ dân nào đó, điện lực mới xem xét. Trường hợp này, điện lực đi xác minh khi chưa có văn bản nào của cơ quan Nhà nước như đã nói là không cần thiết, làm tinh thần người dân hoang mang", luật sư Điền nói.

Trước đó, chiều 1/7, trên Facebook lan truyền đoạn clip có người phụ nữ định nhảy lầu tự tử sau khi nghe tòa tuyên án trong một vụ án dân sự. May mắn, người này đã được nhiều người ngăn lại. Vụ việc xảy ra tại TAND TP.HCM, sau khi tòa tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy (cùng ngụ quận 12, TP.HCM) và bị đơn là các ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sỹ (cùng ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM).

Theo tài liệu, năm 2009, vợ chồng ông Dư, ông Thắng, ông Sỹ mỗi người mua 87m² (thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM) của ông Phan Quý bằng giấy tay. Sau này, giữa ông Dư, ông Thắng và ông Sỹ có chuyển nhượng qua lại các phần đất này cho nhau. Tất cả những giao dịch mua bán, chuyển nhượng này đều có lập thành hợp đồng nhưng không công chứng.

Sau khi mua đất, gia đình các ông đã chuyển về đây sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai, tiến hành kê khai tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý.

Tháng 6/2017, ông Quý khởi kiện ông Dư, ông Thắng, ông Sỹ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sỹ trước đây là vô hiệu.

Xét xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với ông Sỹ. Tòa sơ thẩm cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với ông Dư.

Xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên cả 3 hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên giữa nguyên đơn và 3 bị đơn vô hiệu. Bức xúc, vợ bị đơn định nhảy lầu tự tử nhưng được nhiều người giữ lại.

Ngày 13/7, Chánh án TAND TP.HCM có công văn kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm nêu trên, với nội dung tòa án cấp phúc thẩm xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp quyền sử dụng đất, nhưng không có tài liệu thể hiện tranh chấp đã được hòa giải tại UBND cấp xã, phường là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ngày 17/7, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Ngày 24/7, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên giám đốc thẩm, kết quả Hội đồng thẩm phán đã chấp nhận đơn kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao.