Dân Việt

"Nữ quái" thuê sát thủ Hải Phòng giết người theo hợp đồng có thể bị xử lý thế nào?

Hiếu Đam 14/08/2020 15:01 GMT+7
"Nữ quái" Trần Thị Xuân Hương bỏ trốn sau khi thuê giết người với giá 300 triệu đồng, theo quy định của pháp luật, cả đối tượng thuê giết người và đối tượng giết người thuê đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tội giết người.

Công an TP.Hà Nội cho biết Công an huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội vừa ra quyết định truy nã bị can đối với Trần Thị Xuân Hương (SN 1974, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP.Hà Nội) về hành vi Giết người.

Theo tài liệu điều tra, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, Trần Thị Xuân Hương đã thuê Phạm Tuấn Hải (SN 1985, trú tại Thượng Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng) và Tô Thanh Hiệp (SN 1988, trú tại Phạm Hữu Điều, Lê Chân, Hải Phòng) để giết anh M. (SN 1982, trú tại: Ninh Hiệp, Gia Lâm) theo hợp đồng có giá 300 triệu đồng.

Xử lý thế nào người phụ nữ thuê "sát thủ" Hải Phòng nổ súng giết người theo hợp đồng bỏ trốn? - Ảnh 1.

Chân dung đối tượng Trần Thị Xuân Hương.

Khoảng 18h ngày 11/1, khi thấy anh M. đang điều khiển xe máy đến cổng khu liên hiệp thể thao Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm thì bị các đối tượng dùng súng bắn liên tiếp 4 phát vào người. Anh M sau đó được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng thương nặng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.Hà Nội điều tra, xác minh để làm rõ vụ việc.

Ngày 15/1, lực lượng công an đã bắt giữ được 2 đối tượng Tuấn và Hiệp. 

Căn cứ vào tài liệu điều tra, Công an huyện Gia Lâm đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Xuân Hương về tội giết người. 

Tuy nhiên đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương nên đã ra quyết định truy nã bị can đối với nữ quái này.

Xử lý thế nào người phụ nữ thuê "sát thủ" Hải Phòng nổ súng giết người theo hợp đồng bỏ trốn? - Ảnh 2.

Hai sát thủ Hải Phòng nổ súng giết người theo hợp đồng.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, với hành vi dùng súng bắn 4 phát vào người nạn nhân nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân là hành vi giết người. 

Theo đó, đối tượng gây án sẽ bị khởi tố về tội giết người theo quy định tại khoản 1, điều 123 Bộ luật Hình sự hiện hành với mức hình phạt cao nhất có thể là tử hình.

"Do các đối tượng khai nhận là giết người thuê nên cần làm rõ ai là người thuê; thỏa thuận giữa các đối tượng ra sao; sự ràng buộc lợi ích vật chất giữa các đối tượng như thế nào; phương thức liên lạc và thanh toán ra sao; có tài liệu chứng cứ gì thể hiện quá trình trao đổi, bàn bạc giữa các đối tượng; các đối tượng có sự bàn bạc, sắp xếp, phân công nhiệm vụ để thực hiện hành vi phạm tội như thế nào?

Nếu có căn cứ xác định có đối tượng liên quan thuê các đối tượng giết người thì sẽ khởi tố bị can bổ sung với người thuê và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam", luật sư Cường phân tích.

Xử lý thế nào người phụ nữ thuê "sát thủ" Hải Phòng nổ súng giết người theo hợp đồng bỏ trốn? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Cũng theo vị luật sư, trường hợp đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cư trú thì có thể truy nã đối tượng. Với vụ án có đồng phạm thì việc xác định vai trò đồng phạm của mỗi người là vô cùng quan trọng. 

Cơ quan chức năng cần phải xác định động cơ, mục đích gây án, quá trình tổ chức, thực hiện hành vi, nhận thức của từng đối tượng để phân biệt hóa vai trò đồng phạm nhằm xử lý đúng người, đúng tội, phù hợp quy định pháp luật, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.

"Thuê giết người và giết người thuê là hai tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 123 - Bộ luật Hình sự về tội Giết người. Có thể hiểu thuê giết người là trường hợp trả cho người khác tiền hoặc lợi ích vật chất để họ giết người mà mình muốn giết.

Hành vi thuê giết người và giết người thuê có mối quan hệ bởi lợi ích vật chất, tiền hoặc giá trị vật chất khác. Thuê giết người và giết người thuê có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết người xảy ra (có người thuê mới có người làm thuê).

Việc đấu tranh trừng trị, triệt xóa các băng nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên đâm thuê, chém mướn cũng là biện pháp quan trọng để phòng ngừa tình trạng giết người thuê gia tăng, ngăn chặn tình trạng “đâm thuê chém mướn” đang diễn biến phức tạp như hiện nay", vị luật sư phân tích.

Ông Cường cũng nhấn mạnh: "Giết người là tội ác, tội nghiêm trọng nhất trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, thân thể con người. BLHS quy định nguyên tắc xử lý hình sự là nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong quá trình xét xử, đây là yếu tố để HĐXX cân nhắc định lượng hình phạt. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, cơ quan tố tụng sẽ làm rõ hành vi cụ thể của từng đối tượng, xác định đồng phạm và cá biệt hóa vai trò đồng phạm của từng đối tượng để có mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của mỗi người.

Nếu đối tượng bị truy nã vẫn chưa bắt được thì sẽ tách ra xử lý sau, những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi giết người đã bị bắt thì sẽ bị xử lý về tội giết người với vai trò là người thực hành trong vụ án".

Theo quy định của pháp luật thì cả đối tượng thuê giết người và đối tượng giết người thuê đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự chung về một tội danh là tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Giết người thuê và thuê giết người đều là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đối tượng thuê giết người được xác định là đối tượng chủ mưu, đối tượng giết người thuê là đối tượng thực hành, là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và đều được xác định là đồng phạm trong vụ án giết người. Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố, chống đối, trốn tránh phải không thành khẩn thì sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc có thể cao nhất là tử hình

Theo luật sư, trong một vụ án có đồng phạm, nếu có đối tượng bỏ trốn thì sẽ bị truy nã, nếu kết thúc điều tra mà vẫn chưa bắt được thì cơ quan điều tra sẽ tách vụ án, khi nào bắt được xử lý sau. Với những đối tượng đã có đủ căn cứ để truy tố, xét xử thì sẽ đưa ra truy tố, xét xử trước

Việc có đối tượng bỏ trốn, bị truy nã có thể ảnh hưởng đến việc thu thập chứng cứ, tuy nhiên trong trường hợp cơ quan điều tra đã có đầy đủ tài liệu chứng cứ để buộc tội các đối tượng còn lại thì thủ tục tố tụng sẽ vẫn tiếp tục được tiến hành để truy tố, xét xử những đối tượng đã rõ ràng