Tục ngữ có câu "Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người".
Đôi khi, chúng ta biết người, biết mặt mà không biết lòng, lỡ coi nhầm kẻ tiểu nhân, lòng dạ thâm độc, thiển cận nhỏ nhen như bạn tốt, người mà có thể trao hết niềm tin, nhưng chỉ đổi lấy âm mưu gây hại và toan tính lợi dụng của họ.
Chính vì lẽ đó, người khôn ngoan muốn sống an yên, tránh xa thị phi và tai ương, nhất định phải rèn được cách phân biệt chính với tà, tiểu nhân với quân tử.
Ngụy Hi, một trong ba nhà văn lớn hàng đầu của triều Thanh, từng nói:
"Ta không hiểu như thế nào là người quân tử, nhưng nhìn vào khả năng chịu nhận phần thiệt của người ấy là sẽ biết. Ta không hiểu được như thế nào là kẻ tiểu nhân, nhưng nhìn vào việc tranh giành phần lợi của người ấy là sẽ biết."
Trải qua nhiều năm đúc kết, người xưa vẫn để lại cho chúng ta những tiêu chuẩn nhất định để nhận rõ hai loại người này.
Nếu xung quanh xuất hiện người có 3 biểu hiện sau đây, nên tìm cách tránh xa, không giao thiệp gần gũi hay phó thác trọng trách, còn không thì cũng phải tìm cách hành xử cẩn trọng từ lời nói đến việc làm để tránh rước lấy phiền phức cho chính mình.
1. Người có vẻ ngoài tử tế nhưng lại ngấm ngầm đả kích, phá hoại
Loại người này bề ngoài rất lịch sự với bất cứ ai, lần đầu gặp mặt đã có thể đối xử nhiệt tình và buông lời khen ngợi bạn rất nhiều để tạo thiện cảm.
Nhưng theo thời gian, họ sẽ dần bộc lộ bản chất thật của mình, thường vô tình hoặc cố tình tung tin đồn thất thiệt về hình tượng, châm ngòi các mối quan hệ của bạn với mọi người xung quanh.
Họ có thói quen thêm mắm dặm muối trong mỗi câu chuyện để tô đậm sự tiêu cực, với mục đích là châm chích, phá phách hại người.
Điều đáng sợ của kẻ tiểu nhân là họ sẵn sàng nói những câu ác độc, gây tổn thương cho người khác nhưng lại thường ra vẻ vô tình, vô tri, hoặc vô tư thẳng thắn như bản thân họ tự nhận.
Kẻ mang bản tính không hiền lương, chân thiện nên hễ thấy ai hơn mình là sợ, là ganh, là có ác ý.
Khi không thể thay đổi sự thực rằng mình thua kém người ta, từ chuyện lớn to đùng tới chuyện nhỏ xíu xiu, họ vẫn sẽ tìm cách "đâm bị thóc, chọc bị gạo" cho hả giận mà không biết rằng, hậu quả mang tới chỉ toàn lợi bất cập hại.
Những con người ôm lòng dạ nhỏ nhen như vậy luôn là mầm mống cho sự tiêu cực lan tỏa, khiến người xung quanh dần dần chán ghét và xa lánh.
2. Thích làm khó dễ, cố ý kiếm chuyện để gây sự
Kiểu tiểu nhân này thường "đội lốt" sự thẳng thắn để buông lời nặng nề, thậm chí là miệt thị và khinh thường, tạo cảm giác khó chịu cho người nghe.
Họ luôn bới lông tìm vết, chuyện bé xé ra to, thích gây khó dễ với từng lời nói và việc làm của người mà lòng họ không ưa.
Cho dù hành động của bạn xuất sắc thế nào, họ vẫn có thể biến tốt thành xấu, dựa vào việc gây chuyện khiêu khích, ly gián và xúi giục mà khiến hình ảnh của cá nhân bạn bị ảnh hưởng xấu đi trong mắt mọi người.
Chẳng hạn, khi bạn hoàn thành công việc vượt KPI đã đề ra của tháng, trong khi mọi người chúc mừng và khen ngợi, họ sẽ ngấm ngầm đặt điều rằng bạn thích thể hiện, nịnh hót cấp trên, biến các đồng nghiệp trong nhóm thành hòn đá kê chân… chỉ để đạt mục đích sinh sự.
Không chỉ thế, đây cũng là kiểu người nguy hiểm vì sẵn sàng lợi dụng lúc người ta gặp nguy cấp để trục lợi.
Họ sẽ tranh thủ thời cơ, biến sự không chính đáng của mình trở thành chính đáng, từ đó đạt được mục đích dễ dàng hơn, mà còn có thể "giẫm" bạn xuống.
3. Ích kỷ, luôn đùn đẩy trách nhiệm cho các yếu tố ngoại cảnh và mọi người xung quanh
Họ chính là tuýp người đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu.
Bình thường, quan hệ giữa đôi bên vô cùng tốt đẹp, còn anh anh em em, nhưng một khi trong công việc cần giúp đỡ thì những kẻ tiểu nhân sẽ chỉ khoanh tay đứng nhìn, bo bo giữ mình, thậm chí đáng sợ hơn còn tranh thủ giậu đổ bìm leo.
Sự so đo tính toán, chỉ hướng tới cái lợi của mình mà không quan tâm tới đại cục và người khác nên khi gặp chuyện, họ cũng vội vàng đổ hết trách nhiệm, giả làm nạn nhân vô tội, bao biện cho những sai lầm đã xảy ra.
Sở trường "đổ vấy" này khiến cho những người xung quanh họ dễ trở thành thế thân gánh nạn thay.
Nếu kẻ tiểu nhân có "mồm mép" và quan hệ, kết bè kéo lũ để đổi trắng thay đen, chân tướng sự thật nhất định sẽ bị che giấu. Chỉ có bạn trở thành đối tượng chịu mọi lời oan.
Khi gặp đối tượng như thế này, điều tốt nhất là phải xác định rõ ràng mọi thứ ngay từ đầu. Cần sử dụng giấy trắng mực đen rõ ràng, mạch lạc để phân chia nhiệm vụ và trách nhiệm liên đới cho những người có liên quan.
Như vậy, bạn có thể tránh khỏi tai ương oan ức, mà đối phương cũng phải để tâm tới công việc chung cũng như kết quả của cả tập thể nhiều hơn, khó có thể vì lợi ích cá nhân mà buông bỏ đại cục.
Phải biết rằng, cuộc sống không bao giờ có thể thuận buồm xuôi gió từ đầu chí cuối.
Chúng ta luôn có thể gặp rất nhiều người tốt, đem tới năng lượng tích cực, là quý nhân để chỉ đường dẫn lối trên con đường thành công; nhưng đồng thời, ta cũng phải đối mặt với rất nhiều kẻ xấu, có thể kéo ta xuống vực thẳm và giẫm đạp ta trong bùn lầy.
Do vậy, ở vào hoàn cảnh nào, chúng ta phải học cách bình tĩnh để nhìn thấu bản chất đằng sau những biểu hiện dối lừa của phường tiểu nhân, ngụy quân tử.
Bên cạnh đó, cũng cần phải lạc quan với cuộc sống và cố gắng để bản thân trở nên mạnh mẽ, tiến bộ hơn. Chỉ khi bạn đủ bản lĩnh, bạn mới không bị người khác dễ dàng lật đổ.