Sự kiện này từng làm choáng váng "người trong cuộc" và chấn động dư luận Trung Quốc và thế giới một thời.
Năm 2007, tạp chí "Đảng sử bác lãm" của Trung Quốc đã đăng bài kể về "xuất xứ" của chiếc máy bay và "số phận" những mảnh xác của nó.
Chiếc Trident-256 là một trong 4 chiếc máy bay dân dụng cùng loại của Anh sản xuất do Trung Quốc nhập từ Pakistan cuối những năm 60, đầu 70 của thế kỷ XX (khi đó Trung Quốc không thể trực tiếp mua máy bay của Anh). Phi công Khang Đình Tử đã lái chiếc máy bay này từ Quảng Châu về Bắc Kinh vào tháng 8/1971, và lập tức nó được đưa vào nhà máy tân trang thành chuyên cơ.
Công việc tân trang được tiến hành khẩn trương và bảo mật tuyệt đối. Nhưng căn cứ vào đặc điểm các thiết bị lắp đặt trong khoang máy bay và tiêu chuẩn quy cách buồng nghỉ khác thường, người ta phần nào đoán ra nó sẽ được dùng riêng cho Lâm Bưu.
Thân máy bay được viết 4 chữ lớn "Trung Quốc Dân hàng" (Hàng không dân dụng Trung Quốc) theo mẫu chữ viết tay của Thủ tướng Chu Ân Lai. Trên cánh đứng, đuôi máy bay sơn cờ Trung Quốc đỏ chói. Điều thật "ngẫu nhiên" chuyến phục vụ VIP đầu tiên của chiếc Trident-256 lại là chuyến cuối cùng, và nó bị rơi tan xác.
Phi đội trưởng Khang Đình Tử 31 tuổi cũng bị "liên đới", bị "Cách ly điều tra", sau đó "cho" ra khỏi lực lượng Không quân Trung Quốc (dưới trướng Phi đội trưởng Khang có phi hành đoàn gồm 4 người chết theo chiếc máy bay cùng Lâm Bưu). Năm 2004, sau 33 năm sự kiện "13-9", ông già 64 tuổi Khang Đình Tử đã quyết định lần theo dấu vết, tìm các mảnh vụn của xác chiếc chuyên cơ Trident-256.
Theo tìm hiểu của Khang Đình Tử thì chiếc Trident-256 sau 2 giờ bay đưa Lâm Bưu chạy trốn, xăng bị cạn kiệt, đành phải hạ cánh khẩn cấp xuống đồng cỏ vùng bồn địa Indermoge – Ondorchaan trên đất Mông Cổ nhưng do trục trặc nên đã nổ tung.
Tổng trọng lượng máy bay nặng 51 tấn sau khi nổ tung trên không đã rải mảnh vỡ trên một phạm vi rộng, mảnh lớn nặng mấy ngàn kg, mảnh nhỏ lchỉ cỡ đồng xu, có mảnh còn bị thiêu trong nhiệt độ cao, chảy vón thành cục.
Hai ngày sau khi máy bay rơi, các nhân viên Trung Quốc tới hiện trường, mải chú tâm vào việc cùng phía hữu trách Mông Cổ bàn thảo nắm tình hình và chụp ảnh các xác chết, chụp ảnh hiện trường, nên chẳng quan tâm gì về 3 động cơ máy bay. Về sau, khi nghiên cứu các bức ảnh, các chuyên gia khẳng định không còn tàn tích động cơ tại hiện trường.
Khang Đình Tử cho rằng: các động cơ của chiếc Trident-256 đã bị "người có chuyên môn" chở đi trước khi người Trung Quốc có mặt. Động cơ chính được trực thăng MI của KGB cẩu đi, động cơ phụ 1 được một công ty của Mông Cổ tháo chở về để vào kho cách thủ đô Ulanbato 20km.
Tới năm 1995, công ty này chở động cơ đó tới một khu du lịch, trưng bày để thu hút du khách. Trước đó, vào năm 1991, một doanh nhân Trung Quốc họ Ô, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu đã lần tới Ondorchaan Mông Cổ với mục đích lùng tìm động cơ thứ 3 và các mảnh vụn máy bay về làm hiện vật lịch sử, nhưng khi đó tình hình chính trị Mông Cổ đang diễn biến phức tạp, nên ông ta không được phép tới vùng Ondorchaan.
Cho mãi tới năm 1993, lệnh cấm được giải tỏa nên Giám đốc Ô mới đến được và trong khi thăm dò, ông ta đã tìm thấy vỏ của động cơ đã được một thương nhân Hồng Công mua với giá rất cao từ năm 1992. Do quá nặng, chiếc ôtô tải cỡ nhỏ của họ thuê không chở nổi, nên cuối cùng họ đã tháo lấy phần ruột, còn phần vỏ động cơ gửi lại. Thôi thì "Trâu chậm uống nước đục", Giám đốc Ô liền thuê hơn 20 học sinh tiểu học địa phương, đi thu nhặt tất cả các mảnh vụn máy bay cỡ nhỏ còn sót lại rải rác trong phạm vi 5km, gom được hơn 3 tấn.
Số hiện vật này hiện đang được trưng bày tại một điểm du lịch phía ngoài sân bay Sơn Hải Quan. Trong đống "hiện vật lịch sử" này có cả bộ càng thả bánh hạ cánh và cả một chiếc lốp bánh xe máy bay còn khá nguyên vẹn. Mới đây, bộ càng và chiếc lốp này được nhà chức trách mua lại, đang trưng bày trong Viện Bảo tàng lịch sử tại Bắc Kinh.
Điều cần nói là tới đầu năm 1993, sau khi nhà chức trách Mông Cổ giải tỏa lệnh cấm, các thương nhân Hồng Công nhanh nhạy chớp thời cơ, đổ tới vùng thảo nguyên Ondorchaan tung tiền ra mua các mảnh vỡ máy bay trong dân với giá rất cao. Họ mua được cả phần đuôi và phần lớn 2 cánh chính của máy bay, đem về Hồng Công chế tác thành các "vật kỷ niệm" lịch sử, thu khá nhiều tiền.
Hơn 3 tấn sắt vụn do Giám đốc Ô thu nhặt được trên đồng cỏ Ondorchaan đem về hơn 10 năm trước đã được một thương nhân Đài Loan trả giá 60 vạn NDT nhưng ông vẫn... lắc đầu.
Việc thu gom và trưng bày mảnh vụn tàn tích của chiếc máy bay Trident-256 đáng lẽ là việc không nên làm. Tuy nhiên công bằng mà nói, những mảnh vụn của chiếc Trident-256 không phải là đống "đồng nát" và càng không phải "vàng ròng" trong mắt của những "con buôn" để hốt bạc. Hãy coi chúng như hiện vật minh chứng cho một thời ở Trung Quốc.