Thưa ông, xin ông cho biết tại sao chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc cách ly đối tượng F1, bắt buộc phải đưa họ đi cách ly tập trung?
- PGS.TS Trần Như Dương: Như chúng ta đã biết, hiện tại Covid-19 chưa có vaccine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền. Để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng.
Đó chính là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19. Riêng đối với các trường hợp F1, mà theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì càng cần sự chú ý đặc biệt hơn.
Bởi vì F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh.
Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng. Vì vậy, đối với việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là những yếu tố cực kỳ then chốt, cực kỳ quyết định trong việc chống dịch.
Như vậy, việc truy vết F1 là một trong những biện pháp mấu chốt trong phòng chống dịch hiện nay, thưa ông?
- Chiến lược hiện nay của chúng ta trong việc chống dịch tại cộng đồng là: Phát hiện, phát hiện và phát hiện; Cách ly, cách ly và cách ly. Muốn phát hiện sớm không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm, truy vết F1 thật nhanh.
Công tác chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở tất cả các nơi hiện nay, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: "Truy vết F1 một cách thần tốc". Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1.
Vì như tôi đã phân tích, F1 đã tiếp xúc với nguồn lây nên khả năng F1 mắc bệnh là rất lớn. Nếu người này không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay thì người này nếu còn sót lại trong cộng đồng thì sẽ nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus.
Lúc đấy, nguy cơ lây lan, trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trung đông người. Lúc đó, dịch sẽ không ngăn chặn được nữa.
Chính vì vậy, tôi phải nhắc đi nhắc lại, việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng và mang tính chiến lược bắt buộc phải làm.
Có người mong muốn được tự cách ly tại nhà mà không cần đến các cơ sở y tế tập trung, gây tốn kém và thêm việc cho Nhà nước. Ông nhận định về ý kiến này như thế nào?
- Điều này là không được. Cần phải nói rõ, Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà.
Bởi vì, việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút thôi hoặc vi phạm quy định lẻn ra ngoài một tí thôi (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) thì đó là nguy cơ gieo rắc virus rất lớn. Điều này sẽ tạo thành lỗ thủng rất lớn trong hệ thống phòng dịch của chúng ta, khiến bệnh dịch lây lan ra ngoài.
Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối tượng F1 Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế có chuyên môn.
Cách ly tập trung sẽ có cả người lành và người lành mang virus. Để tránh việc lây nhiễm chéo Covid-19 trong chính các khu cách ly tập trung thì làm thế nào, thưa ông?
- Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hướng dẫn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung. Trong Hướng dẫn đã có những quy định rất chi tiết cho từng đối tượng như người quản lý, nhân viên y tế, người cách ly... Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung.
Vì ở những nơi này, các F1 là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, lây nhiễm virus, cho nên vào khu cách ly, việc sắp xếp từ phòng ốc, đồ dùng sinh hoạt đến việc cách ly thế nào đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế và được thực hiện bởi cơ quan quản lý. Sự theo dõi y tế phải được tiến hành bởi nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung đó.
Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo bệnh sang nhau. Do đó, việc hợp tác của người dân trong khu cách ly là rất quan trọng. Đã vào khu cách ly rồi thì phải ở trong phòng, không gặp gỡ ai, không túm năm tụm ba, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác. Như thế mới là cách ly đúng, mới hạn chế được việc lây nhiễm chéo virus từ người này sang người khác.
Bộ Y tế đã xây dựng các biện pháp rất chặt chẽ, do đó cơ quan quản lý, nhân viên y tế, người cách ly chỉ cần tuân thủ nghiêm túc thì sẽ tránh được lây nhiễm chéo bệnh (nếu có), người cách ly có thể yên tâm...
Dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, chúng ta cần làm thế nào để dịch có thể sớm được đẩy lùi?
- Việc chống dịch như chống giặc. Đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn dân, trong đó "Mỗi gia đình là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ". Mỗi người đều phải có trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có như vậy, chính ta mới tạo ra được sức mạnh to lớn chống lại Covid-19.
Để cùng chống dịch, toàn dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế (đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên, khai báo y tế...). Còn các đối tượng F1 cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung.
Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân. Quyền lợi là được cách ly theo dõi y tế, được phát hiện ngay, chăm sóc y tế ngay nếu mắc bệnh, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng. Còn nghĩa vụ là mình vào cách ly tập trung, tuân thủ các nội quy cách ly để bệnh không lây lan sang người khác, sang cộng đồng.
Còn F2, F3 cũng cần thực hiện khuyến cáo của nhân viên y tế, tự cách ly nghiêm túc tại nhà, theo dõi sức khỏe...
Tôi cho rằng trong cuộc chiến này cần sự chung sức của toàn nhân dân, chúng ta phải chung sức, chung lòng thì bệnh dịch mới sớm được đẩy lùi.
PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế đang hoạt động tại Đà Nẵng từ cuối tháng 7/2020.
Tại Đà Nẵng, khi đến kiểm tra các ổ dịch Covid-19 nhỏ tại cộng đồng, PGS Dương đã yêu cầu địa phương phải rốt ráo, thần tốc truy tìm và cách ly F1. Ông đã yêu cầu chính quyền sau khi nhận được thông tin có ca bệnh ở địa phương mình quản lý thì ngay lập tức phải đến thẳng cách gia đình có ca bệnh, buộc người ta ngồi yên một chỗ, đeo khẩu trang, không được ai ra khỏi nhà chờ nhân viên y tế đến để đưa đi cách ly, khử khuẩn, hướng dẫn phòng dịch.
Chính quyền phải cử án bộ phải ngồi ngay tại cổng để canh giữ, sau đó mới tiến hành điều tra dịch tễ.
PGS Dương cũng nhấn mạnh, việc điều tra dịch tễ ban đầu không được điều tra cụ thể chi tiết mà phải nắm các mốc thời gian trước, rồi mới khai thác chi tiết. Sau đó, đưa gia đình đi cách ly ngay. Còn nếu chưa đi cách ly được, phải ngồi ở nhà.
"Ta phải làm thật quyết liệt, phải gõ cửa từng nhà, truyên truyền người dân ở nơi có ổ dịch phải ở trong nhà kín cổng cao tường. Những người dân sinh sống trên địa bàn có người nhiễm Covid-19 phải thường xuyên đo nhiệt độ. Nếu có dấu hiệu, phải đưa đi cách ly khẩn trương, hạn chế lây lan ở cộng đồng", PGS Dương nhấn mạnh.
Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android/Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.