Quan hệ của Thuyết "buôn vua" và Thắng "Tài Dậu"
Có thể nhận định, "vương triều đen" của Năm Cam trong quyết định vươn vòi bạch tuộc ra Bắc và chọn Thắng "Tài Dậu" để "chọn mặt gửi vàng" đã thể hiện nhiều điều.
Kết luận điều tra chuyên án Z501 cho thấy, chính Thắng "Tài Dậu" nhờ vào "chiếc cầu nối" của Thuyết "buôn vua" mà những thành viên của gia đình Năm Cam đã "bắt tay" (và sau này trở thành mối quan hệ thân thiết) với một số nhân vật từng công tác tại một số cơ quan quyền lực cấp Trung ương. Quan hệ giữa Thắng "Tài Dậu" và Thuyết "buôn vua" được coi là rất thân thiết.
Ngày 13/5/1995, Thuyết "buôn vua" (còn gọi là Thuyết "chăn voi") gạ bán cho anh Vũ Quốc Tuấn (ở số 6 khu tập thể A1 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) 1 xe ô tô Ford 15 chỗ ngồi giá 15.500 USD. Lúc đầu anh Tuấn đồng ý mua với giá 11.000 USD.
Sau đó anh Tuấn không đủ tiền nên trả lại xe và lấy giấy tờ viết tay về. Thuyết đồng ý, khi lái xe đến cho Thuyết, Tuấn không biết lái nên đã làm đổ cột điện, làm cháy 3 nhà dân, đền hơn 100 triệu đồng.
Do không còn khả năng mua nên Tuấn xin trả lại xe cho Thuyết, còn tiền hư hỏng xe thì Tuấn xin bồi thường nhưng Thuyết không chịu.
Sự việc chưa được thỏa thuận dứt điểm thì vào cuối tháng 5/1995, Thuyết kêu Nguyễn Văn Thắng (Thắng "Tài Dậu") chỉ đạo Sơn "bạch tạng" (tức Trần Quốc Sơn) cử Hoàng Quốc Thắng (tức Thắng "điếc") đến nhà anh Tuấn, bắt anh Tuấn về nhà Thuyết nhốt vào trong buồng rồi tra tấn, bắt nạn nhân viết giấy tay mua xe với giá 15.500 USD.
Do bị đánh đập và ép buộc nên anh Tuấn phải viết giấy biên nhận nợ. Sau đó, Thuyết tiếp tục cử nhóm Sơn "bạch tạng" đến nơi cư ngụ của anh Tuấn gây rối nhưng có sự can thiệp kịp thời của công an nên không xảy ra sự việc đáng kể nào. Thấy hoàn cảnh như vậy, bố của anh Tuấn lo sợ quá dẫn đến ngã bệnh và mắc chứng bệnh thần kinh.
Khi Ban chỉ huy điều tra chuyên án Z501 thực hiện bắt khẩn cấp Thuyết "buôn vua" khi y đang du hí ở Đà Lạt với người tình là một diễn viên điện ảnh. Thế nhưng, Thắng "Tài Dậu" đã "bình chân như vại" vì cho rằng "ông anh" của mình chỉ bị điều tra về hành vi có liên quan đến vụ việc anh Vũ Quốc Tuấn.
Tuy nhiên, sau đó báo chí thông tin việc Ban chuyên án Z501 bổ sung thêm tội danh của Thuyết là "Nhận hội lộ", Thắng "Tài Dậu" mới bàng hoàng và kiếm bài chuồn.
Cầu nối đưa Năm Cam đến các cơ quan "quyền lực"
Kết luận điều tra vụ án Năm Cam cho thấy, đầu năm 1995, Năm Cam phát hiện mình đang bị công an điều tra về hoạt động phạm tội nên lo lắng và tìm cách "chạy" các cơ quan bảo vệ pháp luật hòng thoát tội.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong chuyên án Z501, Cơ quan điều tra đã thu được một số ảnh Thắng "Tài Dậu", Thuyết "buôn vua" chụp chung với một số người.
Trong cuộc trao đổi trước đây, một cựu cán bộ công an nhiều kinh nghiệm nói với chúng tôi rằng muốn biết ai có quan hệ với Thắng "Tài Dậu" cứ xem những bức ảnh đó thì rõ.
Khi biết tin bị điều tra, Năm Cam đã bay ngay ra Hà Nội, yêu cầu Thắng "Tài Dậu" dẫn đến nhà Thuyết (số 91 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) nhờ Thuyết lo việc. Thuyết hướng dẫn Năm Cam viết đơn gửi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Mặt khác, Thuyết dẫn Năm Cam đến nhà ông Cao Huy Phước (cán bộ công an về hưu, ở 111 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, Thuyết đặt vấn đề nhờ ông Phước chuyển đơn kêu oan của Năm Cam đến Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ Công an) và ông Phước đã đồng ý.
Việc này diễn ra trước thời điểm Thuyết bị bắt tập trung giáo dục cải tạo năm 1995. Sau đó, theo yêu cầu của Thuyết, Năm Cam đến nhà người em kết nghĩa là Nguyễn Văn Hậu, có vợ là Trâm (ở 105 ngõ 1, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) mượn 10.000 USD để Thuyết chi phí.
Số tiền này Thuyết khai đưa cho ông Phước 3.000 USD, còn lại Thuyết tiêu xài cá nhân. Vợ chồng anh Hậu xác nhận có việc cho Năm Cam vay 10.000 USD ở thời điểm nói trên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm việc với ông Cao Huy Phước, ông Phước khai có biết Thuyết, nhưng không thừa nhận việc Thuyết dẫn Năm Cam đến nhà.
Tháng 6/1995, Trúc "mẫu hậu" (vợ Năm Cam) cùng Hiệp "phò mã" ra Hà Nội và thông qua Thắng "Tài Dậu" đến gặp Thuyết "buôn vua". Tại đây, Hiệp đặt vấn đề tiếp tục nhờ Thuyết "chạy tội" cho Năm Cam thoát khỏi việc tập trung giáo dục cải tạo.
Thuyết đồng ý và nói với Hiệp phải chuẩn bị tiền để đưa cho một số cá nhân có chức trách trong việc giải quyết vụ này, đồng thời gia đình phải viết đơn (kêu oan) cho Năm Cam gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan pháp luật gồm: Viện KSND Tối cao, Bộ Nội vụ và các cơ quan báo chí để lên tiếng gây áp lực.
Để tìm đến những cơ quan và những người có thẩm quyền, Thuyết đã nhờ Nguyễn Thập Nhất, nguyên Trưởng phòng kiểm sát giam giữ Viện KSND Hà Nội (từng bị án của vụ này), nghiên cứu thảo đơn và sắp xếp trình tự gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và công luận, sau đó đưa cho Hiệp đánh máy và ký tên gửi qua đường bưu điện và vài nhân vật khác đến các nơi cần thiết.
Khi khám xét nhà ở của Thuyết tại Hà Nội và nhà ở của Tôn Vĩnh Đắc (cũng là bị án 3 năm tù giam) ở TP HCM, Ban chuyên án Z501 đã thu được một số tấm ảnh chụp ông Phạm Sỹ Chiến (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao) chụp chung với một số đối tượng trong vụ án Năm Cam như Trần Văn Thuyết, vợ chồng ông Hạnh, Tôn Vĩnh Đắc, Dương Ngọc Hiệp, Nguyễn Thập Nhất (chụp chung từ tháng 2/1997 tại Hà Nội, thời điểm Năm Cam đang bị tập trung cải tạo).
Một tấm ảnh khác chụp có bà Phạm Thị Chức (vợ ông Chiến), ông Phạm Sỹ Chiến, anh Vũ Văn Mão (lái xe cho Thuyết), vợ chồng anh Thành (giám đốc khách sạn Mai Anh).
Ngoài ra, còn một tấm ảnh được chụp tại bữa tiệc sinh nhật con gái của Thuyết là Trần Thị Hiền năm 2000 tại khách sạn Daewoo - Hà Nội. Điều đó, chứng tỏ trong thời gian Năm Cam đang tập trung cải tạo và sau khi được tha thì ông Chiến vẫn có quan hệ thân thiết, chặt chẽ với nhóm "chạy tội" cho Năm Cam.