Dân Việt

Nguy cơ tai nạn lao động do tăng sức ép công việc

Thùy Anh 18/08/2020 06:00 GMT+7
Gần đây, trong cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Đại diện Cục An toàn lao động cho rằng nguy cơ mất an toàn lao động sẽ còn gia tăng trong bối cảnh các khu công nghiệp, các công trình trọng điểm đang được xây dựng nhiều hơn.

Hàng loạt các vụ tai nạn chết nhiều người

Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ), sự cố mất an toàn lao động tại nhiều dự án, công trình, doanh nghiệp.

Nguy cơ tai nạn lao động do tăng sức ép công việc - Ảnh 1.

Áp lực về tiến độ khiến cho nguy cơ tai nạn lao động càng tăng cao (Ảnh minh họa: Công nhân làm trong xưởng cắt gọt kim loại Nhà máy Diesel Sông Công Thái Nguyên). Ảnh: M.N

"Thông kê sơ bộ cho thấy số vụ TNLĐ 6 tháng đầu năm 2020 có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Về tần suất và số vụ tai nạn nghiêm trọng đều tăng nhẹ".

Ông Nguyễn Anh Thơ

Từ tháng 5/2020 đến nay đã xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết người. Đơn cử như vụ TNLĐ xảy ra ngày 25/5/2020 tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum làm 6 công nhân Công ty cổ phần Tấn Phát thương vong (3 người chết, 3 người bị thương).

Vụ TNLĐ xảy ra ngày 10/6/2020 tại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma, ở xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, làm 23 người thương vong (3 người chết, 20 người thương).

Trong các vụ TNLĐ 6 tháng đầu năm, đặc biệt nghiêm trọng là vụ TNLĐ xảy ra ngày 14/5/2020 tại công trình xây dựng nhà máy Công ty CP AV Healthcare - Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 24 công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga thương vong (10 người chết, 14 người bị thương)… Tiếp đó, là vụ tai nạn cuối tháng 7, sập giàn giáo công trình khiến 4 người tử vong ở phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nguy cơ tai nạn lao động do tăng sức ép công việc - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, thời gian qua xảy ra nhiều vụ TNLĐ là do sức ép công việc sau kỳ nghỉ dài do dịch Covid-19. Ngoài ra, nguyên nhân một phần do người sử dụng lao động, người lao động đã chủ quan, thiếu quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và rèn luyện kỹ năng làm việc an toàn.

"Vấn đề năng lực của các đơn vị thi công chưa chuẩn, dù hồ sơ an toàn là đầy đủ. Nếu không đủ năng lực, trình độ thi công thì tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra. Thêm vào đó, một số công trình xây dựng chưa kiên cố, tạm bợ, khiến cho nguy cơ TNLĐ càng nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế ngày ngày phát triển, nhu cầu mở rộng các khu công nghiệp, công trình mọc lên ngày càng nhiều, đây là những thách thức rất lớn tới việc đảm bảo an toàn lao động" - ông Thơ nói.

Ông Thơ cũng cho biết, nếu không giám sát, thanh tra chặt việc tuân thủ chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn lao động thì TNLĐ có thể xảy ra nghiêm trọng và ngày càng thảm khốc, khi mà các công trình hiện nay có quy mô, tốc độ lớn, máy móc nhiều...

Công khai các vi phạm

Mới đây, để tăng cường đảm bảo an toàn lao động, Bộ LĐTBXH đã có Văn bản số 2808/LĐTBBXH-ATLĐ gửi các Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông - Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Để kịp thời chấn chỉnh, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực cho công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động bao gồm cả khu vực người lao động làm việc không theo hợp động. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động. Các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ được công khai thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho biết, sẽ tăng cường thanh tra chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như: Khai thác khoáng sản, khai thác đá, xây dựng, quản lý sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn toàn lao động.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH gồm Thanh tra Bộ, Cục An toàn lao động, Bộ yêu cầu xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra tại các địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ; giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhất là với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ… Cũng theo ông Nguyễn Anh Thơ, thời gian tới Bộ LĐTBXH yêu cầu các tỉnh thành phố, đơn vị sau khi thanh tra, giám sát thì công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

"Sẽ xử lý nghiêm vi phạm về an toàn lao động, đặc biệt kiên quyết khởi tố các vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động… trong thời gian tới. Làm được vậy số vụ TNLĐ sẽ giảm" - ông Thơ nhấn mạnh.

Mặc dù đặt ra quyết tâm rất cao, nhưng thực tế việc thực hành an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa được như mong đợi, nhất là trong khu vực không có quan hệ lao động.