Dân Việt

Thực hiện quy định về cách ly phòng dịch Covid-19: Lơ là sẽ tạo lỗ hổng nguy hiểm

Diệu Linh 18/08/2020 06:05 GMT+7
Một trong những chiến lược phòng chống dịch Covid-19 thành công của Việt Nam là thần tốc truy vết F1, khẩn trương đưa đi cách ly tập trung, xét nghiệm phát hiện sớm ca bệnh... Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng hiểu và hợp tác với cơ quan chức năng trong quy trình này, nên đã tạo ra những nguy cơ lây lan dịch.

Toát mồ hôi với các F1, F2

Sáng 15/8, một trường hợp F1 đã đến UBND xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) gây rối, phản đối việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Triệu Phong yêu cầu bà cách ly tại nhà. Người phụ nữ 63 tuổi, trú thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, từng điều trị tại khu nhà G Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị (nơi đang bị phong tỏa vì có liên quan đến dịch Covid-19), ra viện từ 13/8, đến 14/8 bà này ra khai báo y tế và được ngành chức năng khuyến cáo cách ly tại nhà từ 14 - 27/8.

Thực hiện quy định về cách ly phòng dịch Covid-19:  Lơ là sẽ tạo lỗ hổng nguy hiểm - Ảnh 1.

Đo thân nhiệt cho người dân trong khu cách ly trường quân sự Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Bất ngờ, bà này đến UBND xã gây rối, còn mang cả giường xếp nằm ăn vạ tại trụ sở xã...

Trong những ngày qua, Hải Dương là một trong ổ dịch Covid-19 mới, được đánh giá là phức tạp. Chính quyền địa phương đã phải cách ly xã hội nhiều tuyến phố, yêu cầu người dân ở nhà cách ly phòng dịch. Tuy nhiên, nhiều người đã không hợp tác.

Ngày 16/8, UBND phường Bình Hàn, TP.Hải Dương, cho biết, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt hành chính Nguyễn Văn Long (SN 2000, trú tại phố Nguyễn Thượng Mẫn, phường Bình Hàn). Long thuộc diện phải cách ly y tế tại nhà, tuy nhiên, ngày 15/8, Long trốn sang Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) để... làm bài tập.

Ngày 17/8, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lực lượng chức năng đang truy tìm thanh niên trốn khỏi khu cách ly. Đối tượng là Nguyễn Văn Tám (25 tuổi, ngụ ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp). Trước đó, Tám từ Campuchia nhập cảnh trái phép về Việt Nam thì bị bắt giữ và đưa vào khu cách ly tập trung thuộc Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự. Tuy nhiên, Tám đã trốn khỏi khu cách ly và cũng chưa được xét nghiệm có mắc Covid-19 hay không.

Những vụ việc trốn cách ly, gây rối khi được đưa đi cách ly, đòi hỏi thái quá trong khu cách ly... của một số người dân đã xảy ra không ít lần trong suốt thời gian chống dịch Covid-19 cam go của Việt Nam. Sự thiếu hợp tác của nhiều người dân đã khiến công tác phòng chống dịch bệnh của chúng ta trở nên khó khăn, có nhiều lỗ hổng mà cán bộ phòng dịch phải chạy theo "bịt, vá" toát mồ hôi.

Thực hiện quy định về cách ly phòng dịch Covid-19:  Lơ là sẽ tạo lỗ hổng nguy hiểm - Ảnh 2.

Lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ người cách ly trở về nhà sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Thanh Vũ

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cách ly

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tại điểm cách ly, những người được cách ly sẽ được phát tờ rơi khuyến cáo phòng bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh và phòng lây nhiễm cho người khác. Hàng ngày sẽ có báo cáo sức khỏe và đo thân nhiệt người được cách ly ít nhất hai lần.

Những người được cách ly sẽ hạn chế tối đa việc ra khỏi phòng cách ly và tiếp xúc trực tiếp với người khác trong khu cách ly. Họ được cung ứng thức ăn trong thời gian quy định.

Những người được cách ly không được tụ tập nói chuyện, tổ chức trò chơi trong phòng, hành lang, ngoài sân ở khu cách ly...

T.K (ghi)

Về việc bắt buộc phải cách ly với các F1, F2, PGS - TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhấn mạnh: "Hiện tại Covid-19 chưa có vaccine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền. Để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng".

Theo PGS Dương, riêng đối với các trường hợp F1, mà theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc Covid-19, thì càng cần sự chú ý đặc biệt hơn. Bởi vì F1 chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh.

"Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng. Vì vậy, đối với việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là những yếu tố cực kỳ then chốt, cực kỳ quyết định trong việc chống dịch" - PGS Dương nói.

PGS Dương cũng khẳng định, không thể "dễ dãi" với các F1, cho họ cách ly tại nhà được, vì rất khó kiểm soát, không triệt để cắt đứt nguồn lây: "Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút thôi hoặc vi phạm quy định lẻn ra ngoài một tí thôi (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) thì đó là nguy cơ gieo rắc virus rất lớn. Điều này sẽ tạo thành lỗ thủng rất lớn trong hệ thống phòng dịch của chúng ta, khiến bệnh dịch lây lan ra ngoài".

Trong thời gian qua, đã rất nhiều lần cán bộ phòng dịch, chính quyền phải chạy theo các F1 trốn cách ly để đưa về khu cách ly, khử khuẩn, danh sách F2, F3 lại dài, vô cùng vất vả.

Đi cách ly vẫn phải đảm bảo phòng dịch

Tại Đà Nẵng trong thời gian qua đã phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 tại khu cách ly tập trung. Điều này cho thấy, các ca Covid-19 tiềm tàng trong rất nhiều đối tượng F1. Người dân khi vào khu cách ly cũng cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch để không bị nhiễm chéo nếu có các ca Covid-19 trong những người đang cùng cách ly.

Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh nhiều người nghiêm túc thực hiện nội quy cách ly thì nhiều người chủ quan đã tự di chuyển sang phòng của nhau, nằm chung giường tán gẫu, tụ tập đánh bài, ăn uống... Nếu có ca bệnh giữa những người cách ly thì nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.

"Phải xác định, đi cách ly là để phòng dịch chứ không phải là tập trung "thư giãn". Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo bệnh sang nhau, người dân cần tự giác và nghiêm túc hợp tác. Đã vào khu cách ly rồi thì phải ở trong phòng, không gặp ai, không túm năm tụm ba, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác. Như thế mới là cách ly đúng, mới hạn chế được việc lây nhiễm chéo virus từ người này sang người khác" - PGS Dương khuyến cáo.

Về nỗi lo lây nhiễm chéo trong khu cách ly, PGS Dương khẳng định, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hướng dẫn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung. Trong hướng dẫn đã có những quy định rất chi tiết cho từng đối tượng như người quản lý, nhân viên y tế, người cách ly... với các biện pháp chi tiết phòng lây nhiễm chéo Covid-19, bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế và người cách ly. Do đó, chỉ cần tuân thủ tốt các quy định tại khu cách ly tập trung, người dân có thể yên tâm...