Chồng chị xuất thân trong một gia đình nền nếp, quy củ có tiếng trong gia tộc, anh chị em anh đều rất sợ cái uy của bố mẹ. Hơn nữa, là giám đốc đào tạo của một công ty lớn, sự nghiêm túc, chỉnh tề cũng như yêu cầu của công việc đòi hỏi ở anh tác phong nghiêm túc, chuẩn mực nên chị khá an tâm.
Mười lăm năm hôn nhân, chị chưa từng nghi ngờ anh về mặt đạo đức hay mấy khoản “quan hệ ngoài luồng” mà mọi người hay lo sợ.
Nhà chị có quy ước là công khai password trên laptop, điện thoại của nhau nên cả hai đều có thể thoải mái dùng điện thoại, laptop của người kia khi cần. Mặc dù vậy, chị chưa bao giờ cho phép mình tự tiện lục lọi mấy vật dụng cá nhân ấy cho đến khi bắt gặp một tin nhắn lạ trên máy anh.
Tin nhắn có lẽ được gửi trước đó nhưng không hiểu sao khi anh về đến nhà một đỗi, tin nhắn mới hiện lên trên màn hình đang khoá của điện thoại, vừa ngay lúc chị định lấy máy anh để gọi vì máy chị hết pin. Tin nhắn có nội dung khá riêng tư, lại nhắc tên chị trong đó, nên dù lịch sử cuộc trò chuyện trước đó đã được anh cẩn thận xoá sạch, anh cũng không thể chối cãi hay viện cớ tin nhắn gửi nhầm người.
Từ vài dòng tin ngắn ngủi, chị có thể suy ra trước đó họ đã qua lại với nhau thân mật đến thế nào. Ngoài việc nhanh tay ghi lại số điện thoại của người phụ nữ ấy, chị uất nghẹn đến không nói được lời nào để hạch tội anh.
Chị đau đớn, suy sụp, dù anh giải thích đó chỉ là sự say nắng với cô đồng nghiệp đã có gia đình, chứ chẳng có gì sâu đậm. Một người lành tính như chị không đủ mạnh mẽ tung hê lên tất cả cho hả giận. Chị không đủ can đảm để dằn mặt tình địch cho đã nữa, chị không rành công nghệ để đánh ghen kiểu “hi-tech”, cũng không đủ cao thượng để ghen mà vẫn giữ cho “đẹp mặt” các bên nên cứ đau khổ một mình. Sau khi bình tâm lại, chị nhớ đến mẹ chồng vì chị biết bố mẹ chồng rất thương chị.
Chị kể cho mẹ chồng nghe. Bà chẳng nói chẳng rằng, bảo chị đưa số điện thoại của người kia, trước mặt chị, bà gọi người phụ nữ ấy cho chị nghe qua loa điện thoại mở sẵn. Bằng giọng nhẹ nhàng mà cứng rắn, bà cấm người ấy tiếp tục qua lại với con bà nếu không muốn bà đến cơ quan làm cho ra lẽ. Giọng cô kia nghe có vẻ sợ sệt, vì theo lời chồng chị, cô nọ cũng là người có chức vụ, có lẽ cũng sợ ảnh hưởng đến uy tín ở công ty.
Chưa hết, cuối tuần, mẹ chồng chị triệu tập các con về họp mặt như thói quen của đại gia đình vào những dịp lễ lạt hay kỷ niệm đặc biệt của thành viên nào đó trong nhà. Nhân lúc đông đủ, bà không nêu tên nhưng bóng gió nói đến lỗi lầm của chồng chị và yêu cầu các con tự chấn chỉnh. Bà nhấn mạnh rằng cuộc sống có thể khó khăn về mặt nào đó, chứ tuyệt đối không chấp nhận có người thứ ba làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.
Mọi người lấm lét nhìn nhau, không dám thắc mắc “kẻ tội đồ” mà mẹ chồng chị đang ám chỉ là ai. Chị nhận ra nét mặt của chồng biến sắc thấy rõ.
Chẳng biết sau cuộc gọi của mẹ chồng và cuộc họp mặt gia đình hôm ấy, chồng chị và người phụ nữ kia có ngưng qua lại không, nhưng chị biết ơn mẹ chồng vô cùng.
Dù mọi việc đã qua khá lâu, chị chẳng thấy biểu hiện gì khác lạ nơi chồng nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo không biết có khi nào chuyện ấy lại tái diễn. Lo ngựa quen đường cũ. Lo vì tính anh khá chu đáo, kín kẽ, nếu có “ăn vụng” sẽ biết cách “chùi mép” để xoá sạch dấu vết.
Lo vì bố mẹ chồng nay đã già, ngày nào đó nếu ông bà không còn nữa, ai sẽ bảo vệ chị, liệu lúc ấy anh có còn vì cái gia phong này mà gìn giữ đạo đức, truyền thống gia đình để nói không với những cám dỗ bên ngoài?
Đừng ai cho rằng đàn bà đức hạnh, đẹp đẽ, vén khéo trong ngoài chồng sẽ “tự ngoan”. Ngoại tình như một loại virus nguy hiểm nhưng không có vắc-xin, nó có thể tấn công bất kỳ ai, bất cứ lúc nào mà chẳng tuân theo quy luật phòng tránh nào, ai chưa bị chẳng qua là vì may mắn, chứ đừng nghĩ mình hay.
* Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.