Dân Việt

Điểm tuyển sinh đại học tăng từ 1 - 2 điểm

Việt Phương 19/08/2020 06:30 GMT+7
Do điều kiện đặc biệt của năm 2020, Bộ GDĐT buộc phải chọn giải pháp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vào 2 đợt khác nhau. Đợt 1 đã diễn ra vào ngày 8/8 tới ngày 10/8, đợt 2 hiện tại vẫn chưa xác định ngày cụ thể.

Chính vì vậy, việc đảm bảo quyền lợi xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) của các thí sinh tham gia thi đợt 2 được Bộ GDĐT ưu tiên. Bộ GDĐT đã chính thức có công văn gửi tới các cơ sở giáo dục đại học xem xét và "để dành" chỉ tiêu cho các thí sinh thi đợt 2.

Điểm tuyển sinh đại học tăng từ 1 - 2 điểm - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội. V.P

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh vùng dịch, Trường ĐH FPT dự tính mỗi năm trường có khoảng 10% thí sinh đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam. Do vậy, số chỉ tiêu năm nay dành cho 2 địa phương này là 10%, tương đương khoảng 800 chỉ tiêu.

ĐH Đà Nẵng cũng dành một phần chỉ tiêu cho các thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Bên cạnh đó, các trường thành viên được phép điều chuyển chỉ tiêu xét theo đánh giá năng lực sang các phương án tuyển sinh còn lại. Các trường đại học thành viên sẽ được tổ chức thi năng khiếu online. Sau khi trúng tuyển, thí sinh sẽ tổ chức phỏng vấn và kiểm tra một số kiến thức cơ bản khi nhập học

Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng điều chỉnh phương thức, thời gian cho các kỳ thi năng khiếu, đánh giá năng lực để phù hợp với điều kiện của thí sinh.

"Năm nay các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu vào trường cũng sẽ chia ra cho các phương thức xét tuyển này. Do đó, chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ bị giảm đi và ngược lại điểm chuẩn theo hình thức xét tuyển điểm thi sẽ tăng lên".

PGS-TS Bùi Đức Triệu

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay đã có hơn 63.400 thí sinh đăng ký, TP.HCM chiếm 46.853 thí sinh. Các tỉnh Bến Tre có 2.963 thí sinh, An Giang có 3.032, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) có 4.177, Đà Nẵng có 6.457. Bên cạnh đó, có 66 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh trong khi dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức thi. Cụ thể, kỳ thi được tổ chức tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang và Nha Trang vào sáng chủ nhật 30/8. Cụm thi tại Đà Nẵng sẽ được tổ chức khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, thời gian thi phù hợp với kế hoạch thi THPT đợt 2.

Theo PGS-TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng 1 - 2 điểm. Lý giải về điều này, ông Triệu cho biết qua quá trình chấm thi, điểm thi năm nay có phần tăng nhẹ so với năm ngoái, bên cạnh đó các trường ĐH, CĐ tăng chỉ tiêu các phương thức xét tuyển không phải xét điểm thi tốt nghiệp THPT, vì vậy chỉ tiêu giảm dẫn tới điểm tuyển sinh sẽ tăng nhẹ.

"Năm nay các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu vào trường cũng sẽ chia ra cho các phương thức xét tuyển này. Do đó, chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ bị giảm đi và ngược lại điểm chuẩn theo hình thức xét tuyển điểm thi sẽ tăng lên" – PGS-TS Bùi Đức Triệu dự đoán.

PGS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự đoán điểm chuẩn năm nay của nhà trường sẽ tăng nhẹ. Điểm chuẩn sẽ rơi vào 20-26 điểm tuỳ ngành. Theo đó, Robot và Trí tuệ nhân tạo sẽ là ngành có điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao nhất trường với mức dự kiến là 26 điểm.

Theo lãnh đạo nhà trường, dự báo này dựa vào số nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường, đề thi và khảo sát điểm của thí sinh sau khi có đáp án chính thức. Năm 2019, mức điểm chuẩn của trường dao động từ 17 đến 25,2 điểm. Trong đó cao nhất là ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo

GS-TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay điểm trúng tuyển của Trường ĐH Y Hà Nội năm nay cũng không nằm ngoài xu hướng chung và sẽ cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển đầu vào của phân hiệu Thanh Hóa, đào tạo 2 mã ngành Bác sĩ y khoa (đã đào tạo 5 năm) và cử nhân Điều dưỡng có thể thấp hơn tối đa 3 điểm so với cơ sở chính.