Dân Việt

Làm thế nào để “cởi trói” cho các cuộc thi sắc đẹp mà không loạn danh hiệu?

Hà Tùng Long 19/08/2020 14:35 GMT+7
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh - "cha đẻ" của Hoa hậu Việt Nam lo ngại việc cấp phép tràn lan các cuộc thi sắc đẹp theo dự thảo Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn sẽ rất nguy hiểm.

“Cởi trói” cho các cuộc thi sắc đẹp

Trước những bất cập, hạn chế và thiếu tính thực tế của Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mới đây, Bộ VHTT&DL đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng dự thảo Nghị định mới. Dự thảo Nghị định mới gồm 6 chương, 44 Điều quy định rất rõ về các vấn liên quan đến nghệ thuật biểu diễn.

Làm thế nào để “cởi trói” cho các cuộc thi sắc đẹp mà không loạn danh hiệu? - Ảnh 1.

3 người đẹp đẹp nhất Miss World Việt Nam 2019.

Theo đó, nếu trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia được cấp phép, cùng 3 cuộc thi cấp vùng/ngành, 1 cuộc thi cấp tỉnh thì bây giờ sẽ không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi sắc đẹp trong nước.

Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc các cuộc thi cấp quốc gia như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới người Việt. Còn các cuộc thi do đơn vị, công ty tổ chức tại địa phương sẽ giao toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo cuộc thi cho địa phương, cấp trung ương chỉ đề ra nguyên tắc và giám sát.

Dự thảo mới cũng bỏ quy định cách gọi danh hiệu (trước đây cuộc thi cấp quốc gia mới được gọi là Hoa hậu, nhỏ hơn là Hoa khôi).

Ngoài ra, theo dự thảo Nghị định mới, các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt Top 3 các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Họ chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó.

Dự thảo Nghị định mới cũng sẽ bỏ điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế, các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.

Nếu cứ cấp phép tràn lan sẽ rất nguy hiểm”

Chuyên gia Phúc Nguyễn - người có nhiều năm đưa các nhan sắc Việt đi “chinh chiến” tại các “đấu trường nhan sắc” quốc tế cho rằng, nhìn trên khía cạnh tích cực, dự thảo Nghị định mới có tính chất như một cuộc cách mạng, “cởi trói” cho các cuộc thi sắc đẹp vốn có quá nhiều bất cập trước đây.

Trước hết, việc phân cấp các cuộc thi sắc đẹp quy mô nhỏ cho các địa phương cấp phép sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị tổ chức trong việc xin giấy phép và cơ quan quản lý thanh kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, việc không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi sắc đẹp sẽ góp phần làm cho tình trạng loạn danh hiệu trở nên bát nháo, mạnh ai nấy tổ chức, kể cả không có chuyên môn... Danh hiệu sẽ trở nên rẻ rúng và dễ có.

Đặc biệt, sẽ rất khó để kiểm soát hiện tượng biến các cuộc thi sắc đẹp thành các nơi mua bán danh hiệu hoặc lợi dụng danh hiệu để trục lợi cá nhân... Như thế cũng sẽ vô tình đánh đồng các cuộc thi “ao làng” với những cuộc thi có bề dày, uy tín.

“Tôi hoàn toàn không tán thành việc bỏ quy định cách gọi danh hiệu. Vốn dĩ gọi người đăng quang cuộc thi cấp quốc gia là Hoa hậu; cấp tỉnh/thành phố là Hoa khôi; cấp ngành/vùng/miền là Người đẹp là cách gọi rất khoa học và hợp lý. Nếu bỏ cách gọi danh hiệu này thì ai cũng “cá mè một lứa như nhau”, giá trị của danh hiệu cấp quốc gia và cấp tỉnh không khác gì nhau cả”, Phúc Nguyễn nói.

Theo chuyên gia Phúc Nguyễn, không thể bỏ quy định “phải lọt top 3 các cuộc thi sắc đẹp lớn trong nước mới được cấp phép đi thi các cuộc thi quốc tế” bằng “chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó”. Vì giấy mời tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế ai cũng có thể có được nhưng để đại diện cho quốc gia đi thi lại không hề dễ.

Những người đại diện quốc gia phải có nhan sắc, trình độ, học vấn và hiểu biết về đất nước - con người. Việc giữ nguyên quy định sẽ đòi hỏi người được cấp phép ý thức hơn trong tu dưỡng đạo đức, chuyên môn và không ngừng rèn luyện kỹ năng. Họ đi thi không chỉ cho bản thân mà còn cho thể diện quốc gia. Do đó, họ sẽ ý thức và nỗ lực hơn vì “màu cờ sắc áo” của đất nước mình.

Nhà báo Dương Kỳ Anh cũng cho rằng, ông ủng hộ chủ trương thông thoáng của Bộ VHTT&DL cùng Cục Nghệ thuật biểu diễu trong xây dựng dự thảo Nghị định mới. Tuy nhiên, ông không đồng tình với quy định địa phương được cấp phép cho tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cấp ngành quy mô toàn quốc. Vì tỉnh/thành phố không thể quản lý cả nước được mà chỉ có Cục, Bộ.

Ngoài ra, cần phải có những quy định chặt chẽ về đơn vị được cấp giấy phép tổ chức các cuộc thi sắc đẹp tại địa phương. Những đơn vị tổ chức phải cam kết mục địch tổ chức các cuộc thi sắc đẹp là tôn vinh sắc đẹp, không thương mại hoá, phải có tiềm lực về tài chính và có kinh nghiệm tổ chức.

“Bây giờ, đơn vị nào cũng lấy mục đích tôn vinh sắc đẹp để tổ chức các cuộc thi nhưng đằng sau đó là mục đích thương mại rất rõ. Nếu cứ cấp phép tràn lan sẽ rất nguy hiểm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét năng lực tổ chức, cơ sở vật chất, điều kiện về kinh nghiệm và các tiêu chí văn hoá. Phải quy định rất chặt chẽ điều này thì sau này đơn vị tổ chức có sai phạm mới có cơ sở để xử phạt”, nhà báo Dương Kỳ Anh nói.

Theo “cha đẻ” Hoa hậu Việt Nam, nên giữ nguyên cách gọi danh hiệu như hiện nay, cấp quốc gia gọi là “hoa hậu”, cấp tỉnh/thành phố gọi là “hoa khôi”, cấp ngành/vùng, miền gọi là “người đẹp”. Nếu bỏ cách gọi này sẽ dẫn đến tình trạng loạn danh hiệu và ai cũng có thể lấy danh hiệu để làm những việc không đúng đắn.

(Còn tiếp)