Dân Việt

Người lao động bị mắc kẹt trong dịch Covid-9: "Mong muốn lớn nhất là được về quê"

Diệu Bình 20/08/2020 16:32 GMT+7
Nhiều lao động và sinh viên bị mắc kẹt tại Đà Nẵng do dịch Covid-19 đều mong muốn sớm được về quê.

Tại khu nhà trọ nhỏ hẹp phường Hòa Khánh Nam, chị Nguyễn Thị Mỹ (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang cố gắng cầm cự từng ngày để đi qua mùa dịch. Chị vốn là nhân viên tại một khách sạn trên địa bàn thành phố, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ cuối tháng 7 chị buộc phải thôi việc từ đó nguồn thu nhập cũng bị mất đi.

"Bây giờ mà được về quê thì còn gì bằng. Ở quê còn gia đình có gì ăn nấy chứ ở đây bao nhiêu thứ phải lo, tiền nhà, tiền điện, tiền nước… Dịch thế này ai cũng khó khăn cả, đến cuối tháng này mà không tìm được việc gì làm thì chắc đói", chị Mỹ than thở.

Người lao động bị mắc kẹt: "Mong muốn lớn nhất là được về quê" - Ảnh 1.

Nhiều người lao động, sinh viên mắc kẹt tại Đà Nẵng vì dịch Covid-19 mong muốn được về quê.

Ngày 1/8, trước yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, một số trường đại học tại Đà Nẵng đã gấp rút dọn dẹp, tái bố trí nơi ở cho sinh viên để nhường ký túc xá cho người cách ly, tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, sinh viên đã tình nguyện dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc để đón người cách ly .

Người lao động bị mắc kẹt: "Mong muốn lớn nhất là được về quê" - Ảnh 2.

Sinh viên trường đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng nhường ký túc xá cho các trường hợp bị cách ly.

Trao đổi với PV, em Nguyễn Thành Nam (21 tuổi, trú Quảng Bình) cho biết, vì dịch nên em bị mắc kẹt tại Đà Nẵng, mong muốn lớn nhất của em là được về với gia đình.

"Sinh viên bọn em ai cũng muốn về quê nhưng vì dịch nên bị mắc kẹt lại. Em chỉ mong sớm được về với bố mẹ", Nam cho hay.

Nắm bắt được nguyện vọng đó, vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị cho phép người dân của các địa phương đang tạm trú tại Đà Nẵng được trở về nơi cư trú theo nguyện vọng. Đồng thời, Đà Nẵng cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thành có người dân đang tạm trú ở Đà Nẵng phối hợp với Đà Nẵng tổ chức đón công dân về; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải mở một số tuyến tàu hỏa đưa người dân từ Đà Nẵng về các địa phương.

Trao đổi với PV, bà Phan Thị Thúy Linh – Giám đốc Sở Lao động thương Binh và Xã hội TP.Đà Nẵng cho hay, thông qua các kênh khảo sát đã sơ bộ nắm được số lượng công nhân, sinh viên tại thành phố có nguyện vọng về quê. Theo các đơn vị khảo sát, hiện có khoảng 6.400 sinh viên ở các tỉnh thành đang học tập tại Đà Nẵng có nguyện vọng muốn về quê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Số lượng sinh viên, người công nhân muốn về quê thì Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm xét nghiệm Covid-19 cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương tổ chức các chuyến xe đón nhận số lượng người rời Đà Nẵng. Sau đó, địa phương tự bố trí cách ly y tế 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế", bà Linh thông tin.

Người lao động bị mắc kẹt: "Mong muốn lớn nhất là được về quê" - Ảnh 3.

Theo Giám đốc Sở Lao động thương Binh và Xã hội TP.Đà Nẵng, đối với các sinh viên muốn về quê, khi Thủ tướng đồng ý kiến nghị của TP.Đà Nẵng cho phép sinh viên, công nhân về quê thì Đà Nẵng sẽ phối hợp với các tỉnh thành công bố đường dây nóng, để từ đó chủ động số lượng người, xe đưa đón, địa điểm cách ly theo đúng quy định.

Bà Linh cho rằng, tất cả các phương án đã được Đà Nẵng chuẩn bị, nhưng phải đợi Thủ tướng quyết định thì Đà Nẵng sẽ thực hiện.  

Đối với số lượng người lao động mắc kẹt tại Đà Nẵng, bà Linh cho hay, số liệu vừa khảo sát cách đây 2 ngày, có khoảng hơn 2.200 công nhân lao động có nguyện vọng về quê. Và số lượng có thể tăng lên nhiều hơn.

"Sở Lao động thương binh và xã hội cũng có kiến nghị đến thành phố, nếu trong tình hình dịch được kiểm soát thì tiếp tục cho các công trình đảm bảo được điều kiện tiếp tục thi công, để người lao động có thể ở lại làm việc. Bây giờ về quê thì công nhân sẽ thực hiện cách ly y tế 14 ngày, nếu như công trình cần lao động thì người lao động phải quay ngược trở lại làm việc, như vậy thì sẽ tốn kém và khó khăn cho công nhân", bà Linh thông tin thêm.