Dân Việt

Chưa kiểm soát được việc quảng cáo cho vay

Lê Thúy (thực hiện) 21/08/2020 06:05 GMT+7
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính nhìn nhận, việc quảng cáo và thực hiện cho vay đang diễn ra một cách rất đơn giản qua các app hay các trang web… Nhưng các cơ quan quản lý lại không hề kiểm soát được các cá nhân, tổ chức này đang làm gì, hoạt động như thế nào?
Chưa kiểm soát được việc quảng cáo cho vay - Ảnh 1.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (ảnh) - chuyên gia tài chính nhìn nhận, việc quảng cáo và thực hiện cho vay đang diễn ra một cách rất đơn giản qua các app hay các trang web… Nhưng các cơ quan quản lý lại không hề kiểm soát được các cá nhân, tổ chức này đang làm gì, hoạt động như thế nào?

Thưa ông, vì sao việc mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo khác hàng đã được các ngân hàng đưa ra cảnh bảo nhưng vẫn có người dân "sập bẫy" trong thời gian qua?

- Trong điều kiện bình thường, khi có công ăn việc làm và thu nhập không bị ảnh hưởng thì con người rất cẩn thận trong các quan hệ giao dịch về tài chính. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công việc của nhiều người dân không ổn định, thu nhập bấp bênh hoặc không còn thu nhập khiến nhu cầu vay vốn cũng gia tăng.

Chưa kiểm soát được việc quảng cáo cho vay - Ảnh 2.

Các ngân hàng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về hiện tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng. Ảnh: minh họa

Trong hoàn cảnh đó, không ít người nhìn thấy bất cứ "cái phao" nào họ cũng "vớt" mà không phân biệt được đó là chiếc "phao" thật hay giả. Đối tượng lừa đảo cũng vì lợi dụng tình huống khó khăn này của khách hàng mà cố tình đẩy ra những chiếc 'phao" như thế để dụ khách hàng vào "bẫy". Đây là thủ đoạn lừa đảo thường gặp tại các vùng nông thôn khó khăn khi người dân thiếu hiểu biết cũng như không nắm rõ các nghiệp vụ ngân hàng cùng tâm lý "sợ đi vay".

Ngoài yếu tố này, còn điều gì khiến cho việc giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo lại nợ rộ như vậy không thưa ông?

- Có rất nhiều yếu tố khác tác động. Thứ nhất, do chúng ta chưa chặt chẽ trong việc quản lý, kiểm soát các hình thức quảng bá cũng như cho vay. Đặc biệt, với hình thức kinh doanh trên mạng. Trong khi đó, chế tài xử lý chưa đến nơi đến chốn do luật của chúng ta chưa bao quát được những vấn đề này, dẫn tới việc nở rộ các chiêu thức lừa đảo trong thời gian qua.

Điều thứ hai cũng là nguyên nhân sâu xa đó là sự phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam còn hạn chế. Chính vì vậy, những người yếu thế, doanh nghiệp hoặc hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ rất cần tiền trong một khoảng thời gian nào đó nhưng lại không có cơ chế tài chính, tổ chức tài chính tín dụng nào hỗ trợ cho vay, hoặc thủ tục vay vẫn còn rườm rà khiến cho các đối tượng này "sợ đi vay" từ nguồn chính thức.

Hơn nữa, trong điều kiện nhu cầu vay vốn ngày càng cao do tác động của dịch Covid-19, không tiếp cận được nguồn vốn chính thức (bằng hình thức này hay hình thức khác) thì buộc khách hàng phải tìm cách vay thông qua các cái tổ chức quảng cáo trên mạng và đến mức, để vay được mấy chục triệu, phải bỏ ra mấy triệu cho một ai đó người ta cũng sẵn sàng.

Vậy chúng ta phải giải quyết bài toàn này từ đâu, thưa ông?

- Tôi xin nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì những dịch vụ gắn với khoa học công nghệ cũng ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Kéo theo đó, các hình thức lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.

Vì vậy, việc đầu tiên chính là giáo dục tài chính cá nhân, nâng cao sự hiểu biết của người dân về các sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng.Thứ hai là, đẩy nhanh phát triển tài chính toàn diện để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.

Cuối cùng, cơ chế quản lý tài chính và chế tài xử lý đối với hình thức kinh doanh trên mạng. Phải kiểm soát được ai đang quảng cáo cái gì, bán cái gì, mua cái gì chứ như hiện nay khi có những khách hàng "sập bẫy" lừa đảo rồi chúng ta mới biết, mới cảnh báo, mới quản lý thì rủi ro cũng đã "ập" đến rồi.

Việc mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo có xảy ra tại các quốc gia khác không, thưa ông?

Ở các quốc gia khác việc mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo như hiện tượng kể trên gần như không có bởi những việc đứng tên một cái tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào đó để lừa đảo là tội bị xử phạt rất nặng và họ kiểm soát rất chặt chẽ những vấn đề này.

Ở nhiều quốc gia cũng không có chuyện ngân hàng giao cho nhân viên ngân hàng mang tiền đi cho vay hoặc là đến nhà ai nhận tiền gửi tiết kiệm như chúng ta từng làm. Đặc biệt, thời gian gần đây do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc cho vay của các ngân hàng trong nước cũng gặp khó khăn. Vì thế nhiều ngân hàng cho nhân viên tìm kiếm khách hàng để cho vay. Đó cũng là kẽ hở để đối tượng lừa đảo giả danh chiếm đoạt tài sản dễ dàng như vậy.

Xin cảm ơn ông!