Chiều 22/8, lực lượng Y tế quận Sơn Trà đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 113 người nước ngoài sinh sống tại phường Nại Hiên Đông.
Du khách sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nCoV bằng hai phương pháp là huyết thanh học (ELISA) và RT-PCR, nhằm sàng lọc phát hiện người nước ngoài nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Trước đó, những người nước ngoài sinh sống tại phường An Hải Đông và Mân Thái đã được lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày tới, lực lượng Y tế quận Sơn Trà sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm ở các phường còn lại của Sơn Trà, gồm An Hải Tây (188 người), Phước Mỹ (492), Thọ Quang (237) và An Hải Bắc (806).
Bà Ngô Văn Đình Hoài – Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, quá trình lấy mẫu xét nghiệm gặp khó khăn do nhiều khách đến từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Do đó, ngoài tiếng Anh, chính quyền phải bố trí thêm nhân lực thông thạo các thứ tiếng khác để hỗ trợ nhân viên y tế làm việc. "Quan điểm của chúng tôi là lấy mẫu với tất cả người nước ngoài, không bỏ sót một ai", Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà nói.
Nhận được thông báo lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 21/8, ông Simon Hyde (quốc tịch Anh) cho biết mình khá lo lắng khi đây là lần đầu phải lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, ông Simon khá bất ngờ vì thao tác của các nhân viên y tế rất nhanh chóng, chuyên nghiệp khiến mình không thấy đau đớn hay khó chịu.
“Ở lần phong tỏa đầu tiên, tôi thấy chính quyền Đà Nẵng đã rất thành công trong việc bảo vệ sự an toàn cho người dân. Đến lần thứ 2, tình hình diễn biến tệ hơn, nhưng chính quyền Đà Nẵng đang xử lý dần ổn. Xem Việt Nam như là quê hương thứ hai, tôi mong toàn thành phố sẽ chung tay vượt qua dịch Covid-19”, ông Simon nói.
Bà Tanya Greyling (quốc tịch Nam Phi, trú đường Lý Nhật Quang) cho biết, vào tối qua, một người bạn thông tin với cô về việc lấy mẫu xét nghiệm ngày hôm nay.
"Tôi nghĩ việc Đà Nẵng mở rộng xét nghiệm, lấy mẫu cho toàn bộ người nước ngoài là động thái thể hiện sự cố gắng chống dịch. Điều này khiến tôi cảm thấy rất an toàn khi ở đây. Cụ thể, một trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ở gần khu vực tôi ở, sau khi phát hiện, ngay ngày hôm sau lực lượng y tế đã đến đưa họ đi cách ly, đồng thời kiểm tra toàn bộ ngôi nhà và mọi thứ. Công việc rất khẩn cấp, nhưng mọi người đều lịch sự và tử tế giải thích với tôi về quy trình chống dịch là như thế nào.
Tôi thấy ở đây an toàn hơn là về nhà. Tôi thấy có sự kiểm soát ở đây, hơn là ở nhà. Vì mới đến Đà Nẵng, nên tối chưa tìm được việc làm, nhưng sau đợt phong tỏa đầu tiên, tôi kiếm được việc ở đây là giảng viên trực tuyến. Trung tâm nơi tôi giảng dạy tạo mọi điều kiện tốt nhất và có rất nhiều chương trình, khóa học mà tôi có thể dạy ở nhà. Tôi là giáo viên nghệ thuật. Dù chưa được nhận các hỗ trợ hay được miễn giảm tiền phòng, nhưng tôi vẫn nhận đủ lương, tôi cảm thấy như vậy là được rồi. Sự khác biệt giữa hai lần dịch, tôi thấy dù Đà Nẵng bỗng nhiên xuất hiện dịch, nhưng chính quyền Đà Nẵng đã nhanh chóng học kinh nghiệm từ đợt trước. Chúng tôi ở đây và đã chứng kiến cách người Việt chống dịch như thế nào. Lần đầu tiên, chúng tôi bất ngờ rằng “ô, tại sao Việt Nam lại làm gắt như thế, đây chỉ là một đợt cúm thôi mà. Nhưng sau đó, qua báo chí, tôi dần hiểu rằng “ok, Việt Nam đã đúng với những gì họ làm”.
Ở lần này, chúng tôi đều cảm thấy an toàn, khác với lần đầu, chúng tôi cảm thấy rất sợ hãi, thậm chí là stress. Chúng tôi đã dần quen với công việc online và cuộc sống thời giãn cách xã hội", Bà Tanya Greyling chia sẻ.
Còn ông Dennis, du khách Hoa Kỳ cho hay: “Tôi định về Hoa Kỳ từ tháng 5 nhưng khi dịch xảy ra thì không có chuyến bay trở về, khi nào mọi chuyện hoàn toàn ổn định tôi sẽ về. Tôi nghĩ Việt Nam đã làm rất tốt trong vài tháng qua, Ở Mỹ mọi người chỉ lo lắng về nó chứ không hành động mạnh mẽ như ở đây. Mọi người thực sự quan tâm tới các ca dương tính và đó là cách tiếp cận vấn đề rất quyết liệt và cần thiết”.
Trước đó, tại buổi giao ban trực tuyến với các quận, huyện ngày 19/8, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu các địa phương phối hợp với CDC thành phố lấy mẫu, xét nghiệm dứt điểm số người nước ngoài cư trú trên địa bàn.
Trong những ngày tới, các quận, huyện còn lại của Đà Nẵng sẽ tiếp tục xét nghiệm cho người nước ngoài.
Tính từ ngày 24/7 đến 18h ngày 21/8, Bộ Y tế công bố tại Đà Nẵng ghi nhận 369 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó có 243 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, trong đó xét nghiệm âm tính lần 1: 45 bệnh nhân, lần 2: 30 bệnh nhân, lần 3: 5 bệnh nhân, lần 4: 2 bệnh nhân; tử vong 21 trường hợp; 98 trường hợp đã chữa khỏi Covid-19.
Đã xác định được 11.106 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định), 13.867 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định).
Trong 243 bệnh nhân, có 172 trường hợp không có triệu chứng, 32 trường hợp có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 120 bệnh nhân ổn định, 92 bệnh nhân tiến triển tốt, 31 bệnh nhân có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch.