Dân Việt

TP.HCM: Dồn lực bảo vệ người cao tuổi, người có bệnh nền trong dịch Covid-19

Bạch Dương 24/08/2020 16:17 GMT+7
Sở Y tế TP.HCM đã kích hoạt chương trình chữa bệnh và cấp thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Các bệnh viện phải đặc biệt chú ý đến các bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, có bệnh mãn tính.
TP.HCM: Dồn lực bảo vệ người cao tuổi, người có bệnh nền trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại khoa Nội, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM.

Giãn giường, bố trí phòng cách ly riêng biệt

Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM là nơi chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân lớn tuổi, trong đó số bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên chiếm đa số, do đó công tác phòng chống Covid-19 tại bệnh viện được thực hiện rất nghiêm ngặt: Từ việc đo thân nhiệt ngay tại cổng bệnh viện đến việc bắt buộc tất cả mọi người phải đeo khẩu trang, khai báo y tế. Tại khoa Nội điều trị theo yêu cầu hiện đang có gần 40 bệnh nhân, trong đó 20 bệnh nhân cao tuổi.

Cử nhân Hoàng Thị Tuyết, điều dưỡng trưởng khoa Nội điều trị theo yêu cầu cho biết, bệnh nhân vào khoa sau khi đã được sàng lọc từ phòng khám, phòng cấp cứu, khi lên khoa tiếp tục được đo thân nhiệt, khai báo y tế, đồng thời thông báo mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người nhà nuôi bệnh và không cho người thân, người quen đến thăm bệnh trong mùa dịch Covid-19.

Với bệnh nhân điều trị nội trú, khoa thực hiện giãn cách bằng cách giảm số bệnh nhân trong phòng, bố trí 2 phòng riêng biệt để cách ly những bệnh nhân có triệu chứng hoặc nghi ngờ Covid-19.

Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng 200 lượt bệnh nhân đến chạy thận nhân tạo trong mùa dịch Covid-19. BSCK2 Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết, tất cả các bệnh nhân khi đến chạy thận đều phải đo thân nhiệt, khai báo y tế và đeo khẩu trang toàn thời gian. Bình thường mỗi ngày có 250 – 300 lượt bệnh nhân đến chạy thận. 

Do lượng bệnh nhân quá đông, khoa cố gắng giãn cách bằng cách phân bớt lượng bệnh nhân cho các bệnh viện vệ tinh, giảm bớt giường chạy thận trong khoa để cố gắng giữ khoảng cách 1m giữa các giường nên trong mùa dịch, mỗi ngày chỉ còn khoảng 200 bệnh nhân. "Mặc dù đã thực hiện sàng lọc nhưng để đảm bảo an toàn tối đa, khoa đã bố trí những bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho… chạy thận vào ca cuối cùng trong ngày. Sau mỗi ngày, toàn bộ khoa đều được vệ sinh bề mặt, khử khuẩn, tổng vệ sinh hàng tuần", BS Tuấn nói.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đối với người trưởng thành, nguy cơ mắc Covid-19 nặng tăng theo độ tuổi; người lớn tuổi có nguy cơ mắc cao nhất. Người mắc Covid-19 nặng có thể phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy, thậm chí tử vong. Do tính chất lây lan nhanh và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 chủng mới, người dân, đặc biệt là nhóm tuổi người già cần nâng cao ý thức phòng bệnh.

Bác sĩ Lê Hồng Nga phân tích, ở người cao tuổi xuất hiện sự lão hóa của cơ thể, từ hệ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như tim, phổi, hệ thống mạch máu… khiến sức đề kháng bị suy giảm, hệ miễn dịch yếu hơn. Do đó, hệ hô hấp cũng yếu đi dần theo thời gian, lồng ngực giảm khả năng co giãn, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém. 

Vì vậy, nếu không thực hiện phòng tránh đúng cách, người lớn tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 chủng mới rất cao. Bên cạnh đó, hầu hết người cao tuổi cũng thường mang theo nhiều yếu tố bệnh nền trong cơ thể, mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Đây cũng là một trong các nguyên nhân người già nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc dịch bệnh.

TP.HCM: Dồn lực bảo vệ người cao tuổi, người có bệnh nền trong dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Kích hoạt chữa bệnh, cấp thuốc tại nhà cho người cao tuổi

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Sở Y tế đã kích hoạt lại chương trình chữa bệnh và cấp thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Cụ thể: Đối với người bệnh từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh lý thông thường, bệnh lý mạn tính ổn định đều được khám và cấp phát thuốc tại nhà. Đối với các trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện để điều trị, bệnh viện phân công bác sĩ, điều dưỡng đến khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh.

Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính đang theo dõi và điều trị định kỳ tại đơn vị, nếu số lượng người bệnh đông, người bệnh ở xa... bệnh viện phân công bác sĩ có thể thăm khám, trao đổi qua điện thoại cùng người bệnh. Nếu tình trạng người bệnh ổn định và có chỉ định tiếp tục sử dụng thuốc như lần khám trước liền kề, bác sĩ thực hiện kê đơn thuốc cho người bệnh để sử dụng trong 1 tháng.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các bệnh viện tổ chức khai báo y tế , kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày ngay tại các khoa có người cao tuổi , khoa điều trị các bệnh mạn tính đối với thân nhân người bệnh và bất cứ ai khi đến những khoa này để cung ứng các dịch vụ phục vụ người bệnh. Không tổ chức thăm bệnh trong toàn bệnh viện, nhất là các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mạn tính. 

Bố trí ít nhất một buồng cách ly dành cho người bệnh hoặc thân nhân người bệnh khi có triệu chứng sốt, triệu chứng hô hấp hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid - 19 tại các khoa nội trú trong bệnh viện, nhất là khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mạn tính.

Đảm bảo không có nằm ghép, duy trì khoảng cách tối thiểu giữa các giường bệnh theo quy định tại các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mạn tính, tạo lối đi riêng dành cho người bệnh và thân nhân người bệnh tại những khoa này.

Hạn chế để người bệnh là người cao tuổi, người bệnh mắc các bệnh mạn tính đi đến những khu vực thường tập trung đông người trong bệnh viện, ưu tiên thực hiện lấy máu xét nghiệm, siêu âm, chụp X- quang tại giường đối với người bệnh là người cao tuổi, người bệnh mắc các bệnh mạn tính.

Quy trình tiếp nhận bệnh nhân nhập khoa Nội điều trị theo yêu cầu Bệnh viện Thống Nhất