PGS. TS. BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc cho biết, trong 5 bệnh nhi này đặc biệt có trường hợp bé 12 tuổi dư cân, béo phì nhập viện trong tình trạng nặng với nhiều nguy cơ.
Tiền sử bệnh cho thấy bé sốt cao liên tục 3 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Ngày thứ ba, bé than mệt kèm đau bụng nhiều nên nhập Bệnh viện Nhi đồng 1. Tiền căn bé đã từng bị sốt xuất huyết 1 lần cách đây 3 năm.
Bé nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch nặng, mạch, huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều (dung tích huyết cầu 56%). Bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ ba và được điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Tuy nhiên do bé có nhiều yếu tố tiên lượng nặng như sốc nặng ngày sớm (ngày thứ ba của sốt xuất huyết), dư cân béo phì, tái nhiễm sốt xuất huyết, tràn dịch đa màng nhiều nên dù được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn diễn tiến nặng gây suy hô hấp, tăng áp lực ổ bụng nặng, tổn thương nhiều cơ quan. Bệnh nhi đã được các bác sĩ tích cực hồi sức sốc bằng dịch truyền, thuốc vận mạch, hỗ trợ thở máy, dẫn lưu ổ bụng để giảm áp lực ổ bụng nhằm tránh tổn thương nhiều cơ quan gia tăng, truyền máu và các chế phẩm của máu để ổn định tình trạng xuất huyết nặng. Sau gần 4 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định tình trạng huyết động học. Sau đó bệnh nhi được cai máy thở, chỉ còn thở oxy, bé tỉnh táo, chức năng các cơ quan được phục hồi.
BS Phạm Văn Quang lưu ý các bậc phụ huynh là bệnh sốt xuất huyết đã vào mùa. Đây là bệnh lý thường gặp vào mùa mưa, có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, suy hô hấp, xuất huyết nặng gây tử vong. Vì vậy, cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Đối với các bệnh nhi bị sốt từ 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể (chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết ở da...) hoặc đau bụng, nôn ói nhiều thì phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết, cần đưa bệnh nhi đến khám tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp.