Dân Việt

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Tập trung 7 nhóm chính sách

PV 26/08/2020 14:41 GMT+7
Ngày 25/8, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phiên họp nhằm xem xét, thông qua kế hoạch, phân công triển khai xây dựng dự án Luật, thảo luận Đề cương dự án trên cơ sở Báo cáo đánh giá tác động và Đề cương đã được Quốc hội thông qua.

Tại Phiên họp, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi trên cơ sở quán triệt mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và thực hiện Nghị quyết của Chính phủ trong tình hình mới; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả các cam kết sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây; triển khai nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đồng thời kết hợp giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn qua hơn 10 năm thi hành.

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Tập trung 7 nhóm chính sách - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp hôm 25/8.

Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình và được Quốc hội chấp thuận đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Theo đó 3 lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của 3 Bộ sẽ do mỗi Bộ chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đối với các phần có sự giao thoa giữa 3 lĩnh vực (phần Quy định chung và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ), Bộ KH&CN sẽ chủ trì và các Bộ, ngành khác cùng tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo Luật phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của mình.

Nội dung sửa đổi Luật SHTT lần này cơ bản sẽ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn.

Cụ thể, thứ nhất, các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản sẽ được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan được thuận lợi hơn.

Thứ hai, các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư vốn sẽ được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, để từ đó khuyến khích phong trào biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.

Thứ ba, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký hay phải đăng ký thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... cũng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

Thứ tư, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần được rà soát, cân đối để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội.

Thứ năm, các quy định nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT cũng được rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, phân loại phạm vi hoạt động cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh không thích hợp để phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước.

Thứ sáu, các quy định liên quan đến thực thi quyền sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn. Và cuối cùng, các quy định hiện có trong Luật SHTT nhưng chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới là thành viên hay các quy định chưa xuất hiện nhưng phải thi hành theo cam kết quốc tế cũng sẽ được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đánh giá cao nội dung đề cương sửa đổi rất đầy đủ, kế hoạch thực hiện chi tiết, các thành viên Ban soạn thảo khẳng định, sửa đổi Luật đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với cam kết quốc tế. Tuy nhiên, các thành viên Ban soạn thảo cũng đề nghị làm rõ hơn, cụ thể hơn về các nội dung liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, thực thi quyền SHTT trong môi trường số, quy định về thông tin quản lý dữ liệu, bảo hộ giống cây trồng, thực thi các văn bản quốc tế, bảo hộ quyền bằng các biện pháp hình sự… để khi điều chỉnh đạt được lợi ích cao nhất cho đất nước. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông đại chúng để xã hội hiểu được.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định, việc sửa đổi Luật SHTT trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, lồng ghép vấn đề SHTT trong chính sách phát triển KT-XH; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động SHTT của Việt Nam;…

Thứ trưởng đề nghị Tổ biên tập tiếp thu ý kiến các thành viên Ban soạn thảo để hoàn chỉnh kế hoạch, phân công nhiệm vụ; triển khai việc xây dựng dự thảo Luật theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời báo cáo Ban soạn thảo về tiến độ, những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ.