Hơn 50 năm qua, báo chí trên thế giới đã đưa nhiều tin về sự kiện này. Năm 2007, Tạp chí Lịch sử Không quân, Nga đã tiết lộ lời kể của Nicola Pakhamov, phi công Liên Xô, một quân nhân bình thường đã trải qua nguy cơ tại vùng biển Caribbean.
Lần đầu tiên nghe tên nước Cuba
Năm 1962, Nicola Pakhamov là phi công lái máy bay tiêm kích thuộc Đoàn Không quân tiêm kích cận vệ 32 tại sân bay Zhukovsky, ngoại ô Moskva. Đây là đơn vị đầu tiên trong không quân chiến thuật Liên Xô được trang bị máy bay tiêm kích kiểu mới nhất MiG-21 F-13.
Tháng 6/1962, Đoàn 32 đột nhiên nhận được lệnh chuẩn bị ra nước ngoài, mệnh lệnh nhấn mạnh: "Mọi người phải làm tốt công tác chuẩn bị đi trên biển trong điều kiện lạnh giá; các công việc phải tiến hành khẩn trương, bí mật; mọi quân nhân không được báo cho gia đình biết mình đi đâu, làm nhiệm vụ gì".
Sau đó, Đoàn 32 được bổ sung lượng lớn quân nhân với 40 máy bay chiến đấu MiG-21 F-13, 6 chiếc MiG-15 và một máy bay thông tin Yak-12M. Nhưng, tất cả máy bay này không bay trực tiếp đến nước ngoài mà tháo rời.
Cùng chuẩn bị đi với Đoàn 32 còn có tiểu đoàn hậu cần mặt đất 425 và một tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật vô tuyến.
Ngày 16/6/1962, Đoàn 32 được thông báo sẽ đến sân bay Havana, Cuba. Cho đến lúc đó, lần đầu tiên mọi người mới được nghe đến nước Cuba.
Lực lượng quân sự Liên Xô bí mật đến Cuba
Cuối tháng 7/1962, tất cả trang thiết bị kỹ thuật và quân nhân lên tàu vận tải tại cảng Scree thuộc Baltic, mọi người đều mặc quần áo đông như hành khách để che giấu thân phận. Tàu không theo đường hải Baltic mà chạy theo eo biển Lamancha đi thẳng ra Đại Tây Dương, vì tuyến này an toàn, có thể tránh được quân Mỹ trinh sát.
Khi còn cách cảng Cuba 3 ngày đi biển, bắt đầu thấy máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ xuất hiện nhiều lần phía trên tàu vận tải Liên Xô, có lúc bay rất thấp, gần sát cột đèn của tàu. Quân nhân Liên Xô bằng mắt thường cũng nhìn thấy mặt của phi công Mỹ. Mỗi khi máy bay trinh sát Mỹ xuất hiện, mọi người được lệnh lên boong tàu như là để xem máy bay, khiến phi công Mỹ nhìn thấy đều nghĩ là dân thường nên bay đi.
Trung tuần tháng 9/1962, tàu đến cảng Cienfuegos, Cuba. Đại diện Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô tại Cuba tập trung quân nhân giao nhiệm vụ: "Hiện nay là thời kỳ đặc biệt, các đồng chí tuyệt đối không để lộ thân phận, hãy coi mình là công dân Cuba...".
Sau đó ít ngày, Pakhamov biết được họ là đợt quân nhân Liên Xô đến Cuba cuối cùng sau khi Mỹ tuyên bố phong tỏa trên biển đối với Cuba. Chính phủ Liên Xô đã điều đến Cuba tổng cộng 4,5 vạn quân và lượng lớn trang bị kỹ thuật quân sự, ngoài ra còn có một sư đoàn tên lửa đạn đạo. Bộ Thống soái Tập đoàn quân Liên Xô ở Cuba do Đại tướng Pabulov chỉ huy.
Sau này, qua thông tin, Pakhamov được biết: Tổng thống Mỹ Kennedy bị bất ngờ khi biết Liên Xô đã đưa lượng lớn quân đội và trang bị kỹ thuật đến Cuba, đặc biệt là tên lửa đạn đạo P-2 mà Liên Xô bố trí ở Cuba chỉ cách bang Florida, miền Nam nước Mỹ vài chục kilômét. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong nội bộ nước Mỹ.
Chuẩn bị chiến đấu
Tập đoàn quân Liên Xô đóng ở Cuba còn được trang bị một trung đoàn máy bay trực thăng MiG-1 và MiG-4, một đại đội máy bay vận tải Yak-14 và máy bay ném bom Yak-28. Đoàn Không quân 32 sau khi đến Cuba, biên chế vào Sư đoàn Phòng không 12 Liên Xô, được bố trí tại sân bay Santaclara, nằm ở trung tâm đảo Cuba. Toàn bộ không phận Cuba đều nằm trong phạm vi khống chế của máy bay tiêm kích MiG thuộc Đoàn 32. Lúc đó, sân bay này còn bố trí một đại đội máy bay tiêm kích MiG-15 của Không quân Cuba.
Từ cuối tháng 9/1962, hàng ngày thường có máy bay trinh sát F-110 của Mỹ bay trinh sát gần trên bầu trời sân bay Santaclara. Để tránh MiG-21 bị máy bay Mỹ phát hiện, tất cả máy bay tiêm kích Cuba được đưa ra ngoài kho, máy bay Liên Xô đưa vào trong kho, các trang bị kỹ thuật được ngụy trang kín.
Đến đầu tháng 10/1962, Đoàn 32 đã hoàn tất mọi công việc chuẩn bị chiến đấu, đồng thời bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu.
Lúc này, mọi quân nhân trong Đoàn 32 cảm thấy khi thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu không có gì khó khăn, vấn đề chủ yếu là ăn uống không quen, rau tươi, hoa quả thiếu. Đặc biệt là mọi người không liên hệ được với gia đình.
Đến đầu tháng 12/1962, họ bắt đầu có thư nhà, trong thư, người nhà viết rằng, do nghe Đài Phát thanh Mỹ mà biết họ đến Cuba, đài Mỹ còn nói chính xác tên Đoàn trưởng và Chính ủy của Đoàn 32.
Những ngày sau đó, tình hình càng khẩn trương, Đoàn 32 đã định ra kế hoạch phòng thủ mặt đất. Nếu như Mỹ phát động tiến công, lực lượng tại sân bay sẽ phòng chống có hiệu quả.
Lần báo động chiến đấu đầu tiên phát ra đêm 22/10/1962, cấp trên thông báo: đội tàu quân Mỹ đang hướng vào Cuba, lệnh toàn đoàn sẵn sàng ứng chiến, tất cả máy bay đều nạp đầy nhiên liệu, treo lắp đủ cơ số tên lửa không đối không R-13, toàn bộ phi công ngồi trong khoang chờ lệnh cất cánh. Mọi người hồi hợp chờ đợi.
Sau đó không biết vì sao, báo động được giải trừ, nhưng tình hình vẫn căng thẳng, mỗi người tiếp tục được phát một súng AK-47 và một súng lục TT-33. Mấy ngày sau đó đôi lúc lại có cảnh báo chiến đấu, các phi công liên tục phải đeo mặt nạ phòng độc và ngủ ngay bên cạnh máy bay.
Ngày 25/10/1962, cấp trên ra lệnh Đoàn 32 sơ tán, chỉ có Đại đội 1 và Cơ quan đoàn ở lại sân bay, Đại đội 2 sơ tán một sân bay khác gần Havana, Đại đội 3 bố trí ở phía đông Cuba. Hàng ngày mỗi đại đội bảo đảm 2 máy bay tiêm kích MiG-21 trực chiến. Lúc đó, máy bay tiêm kích Liên Xô thường xuyên gặp máy bay Mỹ trên không trung. Mỹ trắng trợn đưa máy bay chiến đấu F-100, F-101, F-104 bay sát trên bầu trời Cuba.
Ngày 25/10/1962, sau khi tên lửa phòng không Liên Xô bắn rơi 1 máy bay trinh sát Mỹ, khiến máy bay Mỹ ít trinh sát hơn. Ngày 4/11/1962, Papulov đang lái máy bay tuần tiễu trên không, phát hiện 2 máy bay F-101 bay thấp trên khu vực sân bay Đại đội 2 đóng quân, được lệnh cấp trên anh đã công kích máy bay Mỹ. Khi phát hiện MiG-21 phía sau, máy bay Mỹ đã không khai hỏa mà vội tăng tốc bay ra đại dương. Sau đó, máy bay Mỹ đã không dám vào trinh sát.
Để che giấu, toàn bộ MiG-21 của Liên Xô đều sơn ký hiệu Không quân Cuba, đồng thời định ra kế hoạch hợp đồng tác chiến với máy bay MiG-15 và MiG-19 của Không quân Cuba. Đến lúc này, phi công của Đoàn 32 mới biết rằng, nhiệm vụ chủ yếu của họ là bảo vệ lực lượng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô bố trí ở Cuba, đồng thời nếu quân Mỹ công kích Cuba thì chi viện hỏa lực trên không cho các lực lượng mặt đất.
Tháng 12/1962, sau khi Liên Xô rút vũ khí hạt nhân ra khỏi Cuba, nhiệm vụ của Đoàn 32 bảo vệ lực lượng tên lửa đạn đạo cũng được hủy bỏ. Mặt khác khả năng tiến công của quân Mỹ cũng giảm đi nhiều, toàn đoàn cũng dần trở về trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Từ cuối năm 1962, nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn 32 là tiến hành xây dựng các công trình cơ bản, làm nhà ở, đường sá... Điều kiện sinh hoạt của đoàn cũng tốt hơn, ăn uống được cải thiện, thư nhà có thường xuyên. Nhưng vẫn quy định chặt chẽ: Nghiêm cấm quân nhân Liên Xô đến nhà hàng, tiệm ăn, quán rượu và nơi hoạt động công cộng ở Cuba.
Đầu năm 1963, Đoàn 32 nhận nhiệm vụ mới, bồi dưỡng huấn luyện cho phi công Cuba lái máy bay MiG-21. Đến mùa hè năm 1963, kết thúc huấn luyện, Đoàn 32 đã huấn luyện được 30 phi công và lượng lớn thợ kỹ thuật.
Trong thời gian Đoàn 32 ở Cuba, đã có nhiều nhà lãnh đạo Cuba đến căn cứ quan sát. Ngày 17/4/1963, nhân ngày tết Không quân Cuba, Pakhamov có may mắn lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy Chủ tịch Fidel Castro. Đi cùng Fidel đến căn cứ Không quân Liên Xô còn có Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh Không quân Cuba...
Sau nghi thức duyệt binh, Pakhamov muốn chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Fidel và đã được Chủ tịch Fidel vui vẻ đồng ý. Đến nay, bức ảnh này vẫn được Pakhamov treo trang trọng ở nhà mình.
Ngày 10/8/1963, Đoàn 32 nhận được lệnh sẽ tặng tất cả trang bị kỹ thuật quân sự cho Không quân Cuba, đồng thời chuẩn bị đến ngày 25/8 rút về Liên Xô.
Ngày 20/8, toàn đoàn cử hành nghi thức long trọng bàn giao. 19 giờ ngày 14/9/1963, tại cảng Havana trên tàu hàng Iuri Gagarin, sĩ quan binh lính Đoàn 32 rời Cuba, tàu có 4 khoang, mỗi khoang chứa 300 người.
Sau khi đến cảng Raga, Liên Xô, tất cả quân nhân về nước đều đến ở tạm trong doanh trại của khu vực biên phòng, kiểm tra sức khỏe và lấy lại chứng minh thư của mình, vì trước khi đi Cuba, các quân nhân đều phải gửi lại mọi giấy tờ cá nhân.
Do đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với tinh thần dũng cảm và quên mình, rất nhiều quân nhân Đoàn 32 được Nhà nước tặng thưởng Huân và Huy chương. Đoàn trưởng và Chính ủy được thưởng Huân chương Lênin.