Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để thiết lập hành lang an toàn.
Đồng thời, lắp biển báo cho khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở, khẩn trương xây dựng các phương án bảo vệ vị trí đê trọng điểm, xung yếu trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp. Song song đó, tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp.
UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời có trách nhiệm vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; cấm mọi tác động vào đất và rừng khu vực này, không để tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn…
Hiện, tuyến đê biển Tây đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 3.320m bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tại những điểm sạt lở, một số đoạn đã không còn đai rừng hoặc còn rất mỏng, bên ngoài đã có kè bằng công nghệ ly tâm hoặc công nghệ kè bê tông cốt phi kim.
Dù có các bờ kè bên ngoài nhưng tình trạng sạt lở đê vẫn diễn ra nguy hiểm là do các công trình chưa hoàn thiện hoặc trước đó được thực hiện trong tình huống cấp bách, thử nghiệm các công nghệ kè mới nên chưa mang lại hiệu quả. Qua đó, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê biển Tây và đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng chục ngàn hộ dân sống bên trong.