Dân Việt

Phó Thủ tướng Thường trực: Không thể nói chủ DN vô can khi để lái xe nghiện ma túy

PVCT 27/08/2020 17:49 GMT+7
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình không thể nói các chủ doanh nghiệp thực sự vô can khi để lái xe nghiện ma tuý, ép lái xe không có bằng lái đúng loại xe khi xảy ra tai nạn giao thông.

Ngày 27/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã có cuộc họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban để đánh giá về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vừa qua, phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp cấp bách.

Phó Thủ tướng Thường trực: Không thể nói chủ doanh nghiệp thực sự vô can khi để lái xe nghiện ma túy - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (ảnh VGP).

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, từ tháng 6 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người khiến dư luận bức xúc. Điển hình là các vụ TNGT tại Đắk Nông ngày 13/6 làm 5 người chết, 5 người bị thương, tại Kon Tum ngày 11/7 làm 6 người chết, 35 người bị thương, tại Bình Thuận ngày 21/7 làm 8 người chết, 7 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ TNGT ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người, 22 người bị thương và mới đây nhất là vụ TNGT tại quận Long Biên (Hà Nội) ngày 4/8 làm 3 người chết và 1 người bị thương.

Nhất trí với những phân tích của các đại biểu về nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ: Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn nêu trên là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự, ATGT của lái xe, chủ xe như người lái xe điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, sai luồng, tuyến đăng ký, vi phạm nồng độ cồn, chở hàng hóa quá tải trọng cho phép của xe, tình trạng sức khỏe không đảm bảo, buồn ngủ, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện, lái xe thiếu ý thức, không tuân thủ quy tắc điều khiển phương tiện khi đi trên đoạn đường đèo dốc.

Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện phương án bảo đảm ATGT theo quy định. Các doanh nghiệp vận tải chưa quản lý chặt chẽ lái xe, giao xe cho người ko đủ điều kiện điều khiển phương tiện, chạy sai lộ trình, không có thiết bị hành trình…

Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân không trực tiếp cũng cần được xem xét nghiêm túc như thời điểm xảy ra tai nạn là ban đêm hoặc sáng sớm, nhiều hành khách ngồi trên xe không thắt dây an toàn, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT; những hạn chế về hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải ô tô; xử lý vi phạm, khắc phục “điểm đen” về TNGT, biển báo, rào chắn, hộ lan, gương lồi không bảo đảm.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình còn chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

“Việc này chúng ta nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Nhưng từ đó đến nay, tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Công an, Bộ GTVT hay địa phương về một trường hợp chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự do vi phạm quy định về đảm bảo ATGT trong kinh doanh vận tải, để xảy ra TNGT có hậu quả nghiêm trọng trở lên. Không thể nói các chủ doanh nghiệp thực sự vô can khi để lái xe nghiện ma tuý, ép lái xe không có bằng lái đúng loại xe. Do đó, cần làm rõ vấn đề này”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Bên cạnh đó cần xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tình hình xảy ra như trên có trách nhiệm quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Để kiềm chế tai nạn, đảm bảo ATGT, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung làm ngay một số công việc cấp bách.

Bộ GTVT báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải đối với các đơn vị có lái xe điều khiển phương tiện gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng từ tháng 1/2019 đến hết tháng 7/2020; chú trọng việc kiểm tra, xử lý đối với vi phạm của chính phương tiện gây TNGT trên cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; kiến nghị xử lý trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải; đề nghị báo cáo trước 15/9/2020.

Tiếp tục xử lý các “điểm đen” về TNGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm. Trước mắt, ưu tiên cải tạo ngay các “điểm đen” xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 5, 6, 7 vừa qua. Tiếp tục nghiên cứu phương án lắp đặt giải phân cách giữa đoạn Quốc lộ 1A từ Phan Thiết đi Đồng Nai gắn với đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn.

Nghiên cứu bổ sung trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) điều kiện hành nghề đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong tổ chức, lao động, bảo đảm sức khỏe cho lái xe...