Giữa cuộc đời, họ đã nếm trải bao nỗi buồn nhưng sức mạnh tình yêu đã giúp họ vượt lên tất cả…
Kết trái tình yêu giữa đạn bom
Hình như cũng vào một ngày nắng lay lắt từng mảng thế này, tôi tìm về Thôn 7. Năm 1997, trong làn gió đổi mới đất nước, cuộc sống đã ấm lên nhiều nhưng Thôn 7 vẫn có cái gì đìu hiu, quạnh quẽ. Ông Kiệm - một cựu chiến binh thôn làm "hướng đạo" giúp tôi. Gia cảnh đầu tiên "cần kể" theo ông là cựu trung úy Phan Văn Nhung. Mới gặp, tôi đã có ấn tượng đấy là một con người tính tình phóng khoáng pha chút lãng tử…
Phan Văn Nhung kể: Thuộc lứa đi B đầu tiên, ông rất rành phong tục, tập quán đồng bào. Ông có thể cùng uống rượu thâu đêm, bốc thức ăn trong máng cùng dân làng mà chẳng chút nề hà. Chàng sĩ quan trẻ không ngờ cái "khác người" của mình đã lọt vào mắt cô văn công Y Nhàn lúc nào. Hai người nên duyên năm 1971, giữa những ngày ác liệt của chiến tranh…
Sức lực người đàn bà là bệnh binh, quần quật với ruộng vườn để nuôi được ngần ấy đứa con lại thêm một chồng bệnh tật thật quá sức tưởng tượng. Thế nhưng chưa bao giờ ai thấy bà hé môi phàn nàn. Bà chăm sóc ông với một tình yêu cồn cào tuyệt vọng như sợ chưa bộc lộ hết nỗi lòng. Mà ông thì không biết ngày nào thần chết sẽ bất chợt mang đi…
Giải phóng, ông đưa vợ về quê với chiếc Honda 67. Cứ tưởng vậy thì ai cũng nể phục, nào ngờ chẳng biết từ đâu cái tin "thằng Nhung lấy vợ người rừng có đuôi" đã bắn về trước. Vậy là vừa đến đầu làng, một đoàn người đã rồng rắn bám theo. Phan Văn Nhung cuống đến nỗi đâm cả xe vào gốc cây bên đường. Đến khi vỡ lẽ, ông chủ nhiệm hợp tác xã còn bảo: "Cô ấy đẹp và hát hay thế, ở lại dạy mẫu giáo thì tuyệt vời!"
Cuộc sống của vợ chồng Phan Văn Nhung có thể đã chẳng gặp bất hạnh nếu họ không quyết định trở lại Thôn 7. Thiếu thốn, khổ cực trăm bề đã khiến Y Nhàn mất lúc vừa mới sinh đứa con thứ 4. Thân "gà trống" với 3 đứa trẻ lít nhít, một đứa còn đỏ hỏn, thấy ông quá cơ cực, bà cô bên vợ bảo: "Có con Y Gheo là em họ đấy. Nếu mày đồng ý, nó sẽ thay chị chăm sóc các cháu…". Phan Văn Nhung cảm động đến trào nước mắt. Y Gheo đã "nối dây" với ông mà không câu nệ chút gì thủ tục cưới xin. Cứ ngỡ cuộc sống từ đây rồi sẽ sáng lên, nào ngờ, sinh được đứa con đầu lòng, Y Gheo lại mắc bệnh phù thận. Hai nỗi đau liên tục giáng xuống số phận khiến Phan Văn Nhung đau đớn tưởng có lúc phát cuồng. Để khuây khỏa, ông đã tìm đến rượu. Và rồi một kết cục buồn đã đến… Cách đây mấy năm ông ngã xuống hồ và ra đi vĩnh viễn trong một cơn say…
Ở một góc độ nào đó, cựu trung sĩ Đinh Công Tới tình duyên còn éo le đến mức oái oăm… Vào Tây Nguyên chiến đấu, ông đã có vợ ở quê. Là vệ binh, Đinh Công Tới có nhiệm vụ bảo vệ các chỉ huy trong đó có thượng úy Y My. Thấy tình cảm khác thường của hai người, lính ta lúc đầu chỉ ghép đôi cho vui, nào ngờ "lính yêu thủ trưởng" lại hóa thật. Chuyện nếu chỉ dừng lại ở đó âu cũng là lẽ thường. Nhưng rồi tiếp nữa một "thủ trưởng" cũng phải lòng ông - đó là Y Liu. Y Liu từng học Trường Sĩ quan Lục quân I, rồi trở về quê chiến đấu… Giải phóng, hai người đàn bà cùng theo ông về Thôn 7 lập nghiệp. "Bà cả" ngoài Bắc tìm vào khuyên về quê nhưng ông đã quyết định ở lại…
Cũng đã bao năm rồi, tình cảnh một con người vẫn chưa vơi trong tôi niềm xúc cảm: Ông là cựu đại úy Lưu Công Huề. Trong căn nhà tranh nhỏ, thiếu ánh sáng, cảm giác như thân thể ông được nặn từ sáp...
Đã 15 năm rồi, Lưu Công Huề mắc một căn bệnh lạ: Thoạt đầu hai chân teo tóp lại rồi liệt hẳn; còn khắp người thì lổn nhổn những u. Chúng lớn dần rồi vỡ, chảy ra một thứ nước nhờn như kem. Ông biết mình bị di chứng chất độc da cam, nhưng biết vậy mà không có tiền đi viện, đành nằm một chỗ chịu chết mòn. Chúng tôi rưng rưng khi nghe ông kể chuyện bà Y Xuân… Y Xuân là người Dẻ Triêng, nguyên là lính nuôi quân của Tỉnh đội Gia Lai. Họ nên duyên trong chiến tranh và sau gần ba chục năm chung sống đã có với nhau 8 mặt con.
Tôi trở về Pleiku chưa viết được dòng nào về ông thì bỗng nhận được một bức thư do Bộ Chỉ huy quân sự Gia Lai chuyển đến. Thư viết: "Các chú ơi, bố cháu mất rồi. Gặp các chú được 10 ngày thì bố cháu mất. Hôm ấy cháu thấy các chú có quay phim chụp ảnh nên muốn xin các chú một chiếc để thờ. Bố cháu không có chiếc ảnh nào vì xưa nay không có dịp nào để chụp… Cứ như là bố cháu có linh tính. Vậy là bố cháu thiêng. Mong bố cháu phù hộ cho mẹ con cháu vượt qua cơn khốn khó từ nay…". Kính thư: Trưởng nam: Lưu Công Nam...
Tiễn biệt những ngày buồn
Đã vượt cái tuổi thất thập nhưng ông Phạm Công Lực vẫn còn cái chất hóm hỉnh, vui nhộn của lính. Tin đầu tiên ông cho tôi hay là 18 "cặp" làm nên Thôn 7 dạo ấy thì 5 "cặp" đã ra đi; 7 "cặp" còn vợ hoặc chồng. Ông là 1 trong 6 "cặp" may mắn còn nguyên đôi…
Bên ấm trà nóng, câu chuyện của ông đưa tôi về những năm tháng chiến tranh ác liệt. Có những thời khắc mà ranh giới sống chết như hai mặt của một tờ giấy mỏng. Thế nhưng dù chết chóc, thì tình yêu vẫn cứ nở hoa. Thế nên 18 mối tình Thôn 7 cũng chỉ là một trong hàng trăm mối tình kết trái trên khắp mặt trận B3 này…
"Về đất này lập nghiệp, gia tài của mỗi người là hai bộ quần áo, chăn màn vừa vặn trong một chiếc ba lô. Ai có dư thì đó là những đứa con sinh ra ở trong rừng" - ông Lực cười hóm hỉnh. Cứ chỗ nào đất nổi mồi giun thì cắm đất dựng căn lều tạm rồi quày quả gieo trỉa để có cái ăn. Thực ra thì Nhà nước cũng cho 6 tháng gạo nhưng phải xuống tận Kon Tum để lấy. Xe cộ chẳng có, vậy là bỏ. Tiền chế độ phục viên thì chẳng đáng là bao. Gian khổ, thiếu thốn vô chừng lại thêm sự dị nghị của người đời. Chẳng riêng gì ông Nhung, hầu như tất cả chúng tôi đều bị coi là những cặp vợ chồng có cái gì đó… khác đời. Về điều này, đáng kể lại là ông Nguyễn Xuân Nhân. Ông Nhân lấy bà Y Canh ở làng Đăk Ba. Sau giải phóng, hai vợ chồng cùng về đây lập nghiệp với chúng tôi. Thế nhưng, chẳng hiểu sao ở quê lại có giấy báo tử. Một thời gian sau anh em dò biết mới gửi thư vào bảo đưa vợ về ra mắt họ hàng. Vợ chồng ông vừa đi được mấy hôm thì thốt nhiên dậy lên tin đồn khủng khiếp: Ông Nhân đưa vợ về đến Huế, thấy vợ là dân tộc lạc hậu, nghĩ xấu hổ quá nên giết chết, ném xác xuống cầu Trường Tiền. Tin cứ rành rẽ như thật mà ông Nhân thì biệt tăm khiến chúng tôi cũng tin, nhiều gia đình còn hoang mang. Phải đến 3 năm sau mới thấy ông Nhân lò dò đưa vợ vào, bấy giờ ai nấy mới thở phào nhẹ nhõm!
Nhưng cuộc sống dù có nặng nề đến đâu rồi cũng đến lúc phải sáng lên… Năm 1995, Xí nghiệp kinh tế Đảng Kon Tum vào giúp chúng tôi triển khai trồng cà phê. Và 4 năm sau thì đời sống kinh tế bắt đầu đi lên. Các gia đình từ đó có điều kiện đầu tư việc học hành cho con cái… Những gia cảnh éo le nhất ngày ấy thì đây: Ông Phan Văn Nhung có 1 cháu là sĩ quan quân đội, 3 cháu công chức. Ông Lưu Công Huề có 1 cháu giáo viên, các cháu khác tuy ở nhà làm cà phê nhưng đều có đời sống khá. Ông Đinh Công Tới cũng vậy. Những gia cảnh được coi là éo le ngày ấy còn thế, các gia đình khác như ông bà Trần Xuân Lành - Y Xả có tới 10 đứa con mà cháu nào cũng là bác sĩ, sĩ quan, công chức…
Nỗi ám ảnh mơ hồ trước khi trở lại Thôn 7 đã được gột rửa khỏi lòng tôi… Nắng buông tới đỉnh đầu nhưng ông Lực, ông Lành vẫn hăng hái dẫn tôi đi thăm vườn cà phê của "thế hệ con cháu" cho biết… Ông Lực nói rằng, từ cái nôi Thôn 7, Thôn 8 bây giờ đã nảy nở thành 202 hộ với 9 thành phần dân tộc "từ địa đầu đất nước đến mũi Cà Mau". Điều ông nói, khiến tôi liên tưởng câu ca "Thuận vợ thuận chồng… thuận làng thuận nước"…
Đã hết dải cà phê chíu chít những hạt vàng báo hiệu một mùa thu hái mới, trước mắt tôi là lòng hồ Đăk Uy long lanh dưới nắng như một viên ngọc xanh khổng lồ. Công trình thủy lợi lớn nhất Kon Tum này, những người lính Đoàn 331 đã tạo dựng nên từ những ngày mảnh đất này mới im tiếng súng. Họ đặt tên cho nó là "Đập Mùa Xuân". Cái tên lãng mạn mà đầy dự cảm!