Tử vong vì ở nhà truyền dịch
Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết, giữa tháng 8, khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện đã tiếp nhận 1 ca sốt xuất huyết (SXH) là 1 thanh niên trẻ tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH nhưng đã tự truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị. Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.
"Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong".
PGS Đỗ Duy Cường
Từ đầu năm đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH phải nhập viện, trong đó một số trường hợp trong tình trạng nặng. Đó là các trường hợp như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…
Đã có không ít bệnh nhân SXH vì lo ngại Covid-19 nên không nhập viện điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh nặng. Thậm chí, có trường hợp bị SXH nhưng đi từ vùng dịch về nên lại bị nghi ngờ mắc Covid-19.
Mới đây 1 thanh niên 27 tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sốt cao liên tục, 39 - 40 độ, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng từ ngày 30/7 - 7/8 nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến Covid-19, tuy nhiên làm xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó, bệnh nhân mới được xét nghiệm test Dengue NS1 và cho kết luận mắc SXH. Sau 4 ngày điều trị theo đúng phác đồ của bệnh, hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.
PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, đây là hai sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị SXH khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Người dân không chủ quan
"Các biểu hiện ban đầu của SXH và Covid-19 đều khá giống nhau như sốt, đau đầu, đau người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có đường lây truyền khác nhau và có thể sàng lọc bằng yếu tố dịch tễ (đi từ vùng dịch về hoặc gần nhà có người bị SXH). Ngoài ra, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi…, nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp" - PGS Cường phân biệt.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi bị bệnh, người dân không chủ quan tự điều trị bệnh ở nhà mà cần phải đi khám tại các cơ sở y tế, nếu cần thiết có thể gọi điện đến các đường dây nóng của ngành y tế, của các bệnh viện để được tư vấn để đi khám đúng bệnh, đúng tuyến.
TS Nguyễn Kim Thư - Trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, đỉnh dịch SXH thường rơi vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và dịch sẽ bùng phát cao nhất vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Do đó, trong khoảng thời gian này, người dân không được chủ quan với SXH, làm tốt các công tác phòng dịch, diệt loăng quăng quanh nhà, phòng chống muỗi đốt. Khi có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau người, nổi phát ban cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
"SXH có thể mắc lại. Khi bị nhiễm lại lần thứ 2, cơ thể đã quen với virus nên sản sinh ra kháng thể, tạo ra phản ứng miễn dịch nên có thể xuất hiện biểu hiện lâm sàng nặng. SXH dengue có nhiều mức độ khác nhau gồm: SXH dengue bình thường không có dấu hiệu cảnh báo, SXH có dấu hiệu cảnh báo và SXH nặng. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 2 tuần, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, nhức hốc mắt. Ngày thứ 5 mắc bệnh, bệnh nhân có thể bị xuất huyết, cô đặc máu, tụt huyết áp có thể dẫn tới tử vong" - TS Thư cảnh báo.