Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới đây đã tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về SCIC.
Theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Sabeco chuyển giao về SCIC là 2.308,8 tỷ đồng, chiếm 36% vốn điều lệ của Sabeco, tương đương số cổ phần 230,9 triệu cổ phần.
Nếu tính theo thị giá SAB tại phiên giao dịch ngày 28/8 là 183.000 đồng, tổng giá trị số cổ phiếu này hơn 42.236 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD).
Việc chuyển giao vốn nhà nước tại Sabeco được thực hiện theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.
Theo quyết định này, có 14 doanh nghiệp chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước 31/8. Sabeco là doanh nghiệp đầu tiên chuyển về SCIC để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước.
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12. Cả 4 doanh nghiệp này đều là các tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, gồm Tổng công ty CP Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).
Tính đến thời điểm hiện nay, SCIC đã tiếp nhận 1.068 doanh nghiệp với tổng số vốn Nhà nước là 21.995,9 tỷ đồng.
Được biết, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tiền thân là nhà máy bia Chợ Lớn thuộc hãng bia B.G.I. Ngày 6/5/2003, Sabeco được thành lập trên cơ sở Công ty Bia Sài Sòn và tiếp nhận các thành viên mới gồm Công ty Rượu Bình Tây, Công ty Nước giải khát Chương Dương, Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ, Công ty Thương mại Dịch vụ Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn.
Việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco bắt đầu từ cuối năm 2017 sau khi bán 53,59% vốn cho Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty liên quan tới tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Giá trị thương vụ thu về ở thời điểm đó khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD.
2 năm sau khi về tay người Thái, Sabeco ghi nhận mức lãi kỷ lục 5.053 tỷ đồng trong năm 2019 nhờ sản lượng, giá bán cùng tăng. Tuy nhiên, sang nửa đầu năm nay, dưới sức ép của dịch Covid-19 và Nghị định 100, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ Sabeco giảm đến 30% về 2.658 tỷ đồng.
Hồi đầu năm thị trường cũng xuất hiện thông tin cho rằng, Thaibev đang muốn chuyển nhượng cổ phần tại Sabeco sang một nhà đầu tư khác, nhưng các doanh nghiệp ngoại như Budweiser APAC hay Saporo đều không mặn mà.
Thậm chí, Bộ Công Thương có thể sẽ mua lại số cổ phần của Sabeco, tuy nhiên, mức chào mua của Bộ Công Thương với phía Thaibev chỉ vào khoảng 130.000 đồng/1 cổ phiếu.
Ngay sau đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công Thương khẳng định thông tin nêu trên là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi Bộ Công Thương không có chủ trương mua lại cổ phần của Sabeco.
ThaiBev - công ty mẹ của Công ty TNHH Vietnam Beverage cũng lên tiếng khẳng định thông tin trên là "không đúng sự thật", đồng thời khẳng định "công ty không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh ở Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào".
Ngược lại, Thaibev cam kết phát triển toàn diện hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình tại Việt Nam, đặc biệt là đối với Sabeco. Đồng thời, Công ty đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình là đơn vị sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu ngành bia.