Nhà khoa học, bác sĩ người Anh Edward Anthony Jenner (1749-1823) được coi là người đặt nền móng cho kỷ nguyên vaccine và cha đẻ của miễn dịch học. Không phải là người đầu tiên trên thế giới khám phá ra cơ chế của vaccine nhưng Edward Jenner là người đầu tiên phát triển thành công loại dược phẩm giúp con người đẩy lùi dịch bệnh đậu mùa thời điểm đó.
Khám phá của ông là một bước đột phá y học to lớn, cứu sống 8 tỷ người khỏi cái chết do những đại dịch từ thế kỷ XVII trở về trước. Nhờ đó, năm 1980, WHO tuyên bố đẩy lùi được dịch đậu mùa từng gây ám ảnh nhân loại.
Phát hiện ra vaccine nhờ một lần tình cờ
Edward Jenner sinh tại Berkely, Gloucestershire, Anh. Khi còn nhỏ, ông là người có tài quan sát và sắc sảo.
Năm 1770, sau khi hoàn thành khóa đào tạo bác sĩ phẫu thuật 7 năm ở Gloucestershire, ông đã đến Bệnh viện St George, London nghiên cứu về giải phẫu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nổi tiếng John Hunter.
Sau này, ông trở về quê nhà mở trạm xá khám bệnh cho người dân. Nhờ khoảng thời gian làm việc trong môi trường y tế, Edward đã tình cờ phát hiện ra cách chữa trị đại dịch ám ảnh thế giới thế kỷ XVII.
Trong một lần làm việc, Edward vô tình nghe được cô gái nọ nói rằng mình không thể mắc bệnh đậu mùa đáng sợ vì cô đã mắc “đậu bò” (bệnh đậu mùa ở bò). Thông tin tình cờ nghe được từ cô gái nọ đã gợi lên sự tò mò trong suy nghĩ của Edward Jenner. Ông bắt đầu tìm hiểu điều mình nghe được có phải sự thật hay không.
Đậu mùa là một căn bệnh truyền nhiễm của riêng loài người, gây bởi hai dạng virus Variola major và Variola minor. Chỉ cần hít phải virus variola trong không khí, người khỏe mạnh cũng dễ dàng bị lây nhiễm. Virus variola thường có trong các dịch từ vùng họng, mũi, niêm mạc họng của người bệnh.
Thời điểm năm 1788, dịch đậu mùa quét qua quê hương của bác sĩ Edward Jenner, hạt Gloucestershire và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Ước tính, cứ 10 người Anh mắc bệnh thì có đến 9 ca tử vong. Bệnh nhân sống sót cũng bị lở loét, rỗ mặt đeo bám suốt phần đời còn lại và bị cộng đồng xa lánh vì khả năng lây nhiễm cao của bệnh.
Lấy con trai là người thử nghiệm
Từ gợi ý nhỏ, bác sĩ Edward Jenner bắt đầu quan sát thấy sự thật rằng những người mắc chứng “đậu bò” tiếp xúc với các bệnh nhân bị đậu mùa khác nhưng không hề bị lây nhiễm. Nhưng từng đó chưa đủ để ông kết luận điều gì.
Để chứng thực điều này, ngày 14/5/1796, Edward Jenner tiến hành thí nghiệm trên bệnh nhân James Phipps. Khi đó cậu bé mới 8 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Ông cắt hai vết nhỏ trên cánh tay của James, sau đó tiêm dịch từ các vết “đậu bò” trên cánh tay của một cô gái chăn bò vào.
Kết quả khiến Edward Jenner hoàn toàn bất ngờ. Cậu bé sốt nhẹ nhưng sau vài ngày sức khỏe của James không bị ảnh hưởng. Vài tuần sau, vị bác sĩ lặp lại thí nghiệm của mình và James không hề nhiễm bệnh.
Theo NCBI, nhận thấy điều kỳ diệu này, bác sĩ Jenner tiếp tục tiêm dịch của người mắc “đậu bò” vào người vợ và hai con trai, trong đó có một người mới 10 tháng tuổi như một thử nghiệm liều lĩnh để bảo vệ sức khỏe của gia đình. Cả ba đều khỏe mạnh dù tiếp xúc với bệnh nhân mắc đậu mùa hàng ngày.
Năm 1798, sau nhiều thử nghiệm thành công, ông công bố phát hiện của mình. Bác sĩ Edward Jenner gọi phương pháp này là “tiêm phòng” (vaccination). Cách làm của ông như sau:
- Lấy dịch của bệnh nhân mắc đậu bò
- Làm vi trùng trong dịch yếu đi
- Tiêm dịch vào cơ thể người khỏe mạnh qua đường máu
Cách làm của ông thời điểm đó được cho là mạo hiểm và không tuân thủ theo bất kỳ nguyên tắc y đức nào. Nhưng sự liều lĩnh đó đã mang tới bước đột phá trong công cuộc chống dịch đậu mùa.
Tuy nhiên, theo Science Museum, bác sĩ Edward Jenner không giải thích được vì sao phương pháp này hiệu quả. Nguyên nhân là y học chưa phát triển để có thể khám phá những gì diễn ra trong cơ thể khi được tiêm vi trùng đậu bò.
Bác sĩ Edward Jenner đã báo cáo những phát hiện của mình cho Hội Hoàng gia Anh nhưng bị từ chối với lý do cần thêm dữ liệu. Sau đó, ông thử nghiệm thành công thêm ở 22 người khác và gửi lại kết quả nhưng chỉ nhận được sự lạnh nhạt, hắt hủi của Hội Hoàng gia.
Không nản lòng, năm 1798 ông tự mình xuất bản cuốn sách nghiên cứu về bệnh đậu mùa và phương pháp tiêm chủng vaccine của mình. Nhờ đó, phương pháp này được nhiều người biết đến và nhân rộng ra khắp thế giới.
Năm 1802, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban quốc tế về phòng chống đậu mùa. Edward Jenner cũng được nữ hoàng Anh, Nga, hoàng đế Pháp, tổng thống Mỹ trao tặng nhiều giải thưởng giá trị và được mời vào làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp.
Năm 1823, người đầu tiên tìm ra vaccine trên thế giới qua đời vì đột quỵ tại Berkeley, Gloucestershire, Anh. Cho đến cuối đời, ông vẫn luôn tiêm phòng miễn phí cho tất cả người dân với mong muốn giúp họ thoát khỏi cái chết từ đại dịch. Công trình của bác sĩ Edward Jenner đại diện cho nỗ lực khoa học đầu tiên nhằm kiểm soát dịch bệnh bằng vaccine.
Sau này, đến thế kỷ XIX, nhà khoa học người Pháp Louis Pasteur phát hiện các nguyên tắc của tiêm chủng, lên men vi sinh, đồng thời tìm ra vaccine chữa bệnh dại và bệnh than.