Liên quan đến sản phẩm Pate Minh Chay chứa độc tố cực mạnh, ngày 31/8, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị đang tiếp nhận điều trị nội trú cho 2 bệnh nhân ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum sau khi dùng sản phẩm pate Minh Chay. Những người này đang có tình trạng rất nặng.
Chiều cùng ngày, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai đơn vị này đã tiếp nhận thêm 2 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay.
Như vậy, trong thời gian qua (từ ngày 13/7 đến 18/8/2020) đã xuất hiện rải rác 9 ca nhiễm độc từ pate Minh Chay.
Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Minh, chủ cơ sở sản xuất pate Minh Chay cho biết, sau khi xảy ra sự việc khác hàng bị ngộ độc, ông đã liên hệ với khách hàng, giải quyết tất cả các thắc mắc của khách hàng, đồng thời đến thăm người bị ngộ độc.
"Hiện tại là chúng tôi đang làm việc với đoàn của Cục an toàn thực phẩm và các cơ quan có liên quan. Chúng tôi đang ưu tiên giải quyết vấn đề của khách hàng trước", ông Minh thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luât sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra một cách phổ biến khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng về an toàn vệ sinh thực thẩm và nó trở thành mối nguy hại lớn đối với sức khỏe của cộng đồng.
Vụ việc ngộ độc thực phẩm tại cơ sở Pate Minh Chay khiến rất nhiều người dân lo lắng và đặt câu hỏi rằng ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong trường hợp này.
Dưới góc độ pháp lý, điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Đồng thời, theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm năm 2010 thì bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật an toàn thực phẩm.
"Những cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm gây ngộ độc sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng, các cá nhân, tổ chức này còn phải chịu các chế tài xử phạt từ các cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ vào tính chất, mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi thì các tổ chức, cá nhân này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015", luật sư Cường cho biết.
Theo vị luật sư, đơn vị cá nhân tổ chức cung cấp thực phẩm dẫn tới tình trạng ngộ độc có thể bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định khoản 8 điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với hành vi quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm.
Ngoài ra buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo. Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định tại khoản 11 Điều luật này.
"Trong trường hợp cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng….;
cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ luật hình sự. Tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tiền từ 50.000 đồng, phạt tủ từ 1 năm đến cao nhất là 20 năm tù", vị luật sư phân tích.