Cần phải làm dân hiểu, dân tin
Theo bà Trần Thị Hường - Giám đốc BHXH huyện Lương Sơn, đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn mới có 195 người. Trong khi đó, toàn huyện có hơn 100.000 người dân, trong đó số người trong độ tuổi lao động khá lớn.
Theo bà Hường, lao động trên địa bàn chủ yếu là nông dân, trong đó đa số là người dân tộc thiểu số. Đa phần nhận thức của nông dân người dân tộc thiểu số còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin cũng không dễ dàng vì địa bàn đồi núi, đi lại khó khăn.
Vì thế, tuyên truyền sát sao, "rà từng ngõ, gõ từng nhà", tuyên truyền tới từng người nông dân để "đánh thức" hiểu biết của người nông dân về BHXH tự nguyện là mục tiêu của cán bộ BHXH huyện Lương Sơn.
"Mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện cũng gặp không ít khó khăn, do huyện Lương Sơn có mức thu nhập bình quân khá thấp so với mặt bằng chung, trong khi nhóm lao động thuộc diện vận động BHXH tự nguyện lại có thu nhập thấp và không thường xuyên.
Ngoài ra, nhiều nông dân vẫn chưa hiểu rõ về chính sách BHXH, thậm chí không biết có BHXH tự nguyện; cơ quan BHXH vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm vào cuộc trong thực hiện chính sách", bà Hường chia sẻ thêm.
Do đó, để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHXH huyện Lương Sơn xác định cần phải đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến từng người dân.
Theo bà Hường, BHXH huyện Lương Sơn chú trọng vào 2 điểm cần đột phá: Nâng cao nhận thức của nông dân, lao động tự do về chính sách BHXH và cần sự vào cuộc thực sự hiệu quả của chính quyền địa phương.
"Việc tuyên truyền để người dân thấy rõ sự cần thiết của chính sách sẽ mang lại sự “an toàn” cho những người có thu nhập không ổn định- vốn khó có được nguồn tiết kiệm đảm bảo cuộc sống của mình khi hết tuổi lao động. Cùng với đó, sự đồng hành của chính quyền địa phương sẽ giúp người dân thêm hiểu, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước", bà Hường phân tích.
Để tạo ra 2 bước đột phá này, BHXH huyện Lương Sơn đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH.
Đồng thời, BHXH huyện xây dựng phương án phát triển BHXH tự nguyện để triển khai tới tất cả các ngành, đơn vị và UBND xã, thị trấn; thực hiện một loạt giải pháp thực hiện nhiệm vụ như: Xây dựng chỉ tiêu để giao cho từng cán bộ viên chức; tổ chức hội nghị hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, vận động cho nhân viên đại lý thu…
Khai phá từ các nhóm tiềm năng
Các bán bộ BHXH Lương Sơn cũng nhận định, những người tham gia BHXH tự nguyện tiên phong, có tiềm năng là những người có nhận thức, có kinh tế. Do đó, các cán bộ đã "khoanh vùng" nhóm tiềm năng để vận động. Đó chính là các trưởng, phó thôn bản, tổ trưởng, tổ phó các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên)...
Ngoài ra còn có các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể có các thành viên trong độ tuổi lao động có mức thu nhập trung bình và ổn định (nam từ 50 tuổi trở xuống, nữ từ 45 tuổi trở xuống); hội viên các tổ chức đoàn thể, người thân của cán bộ xã, những người đã ngừng đóng BHXH bắt buộc…
BHXH huyện Lương sơn đã tổ chức từng hội nghị tuyên truyền đối với từng xã, thôn. Trước hội nghị đều tổ chức các tờ rơi, in những lợi ích của BHXH tự nguyện cho người dân xem trước.
Tại Hội nghị, ngoài tuyên truyền các kiến thức chung, cán bộ BHXH còn giải đáp từng câu hỏi cụ thể của người dân, liên quan đến các chính sách BHXH tự nguyện, BHYT. Do đó, người dân không hiểu, còn băn khoăn về chính sách đều được thông suốt. Nhờ đã có vận động, tuyên truyền thuyết phục, sau mỗi Hội nghị, số người tham gia đăng ký BHXH tự nguyện sau Hội nghị tăng cao.
Đồng thời, BHXH huyện Lương Sơn cũng chú trọng tuyên truyền cho nhóm đối tượng nông dân ở các trang trại, gia trại, các làng nghề, nuôi trồng, buôn bán nhỏ... Họ có kinh tế, có khả năng tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa tham gia.
Ngoài việc vận động tuyên truyền thông qua hội nghị, đài phát thanh, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của hội nông dân, hội phụ nữ, các cán bộ BHXH còn đến tận nhà tuyên truyền cho từng người.
Nhờ đó, ngày càng có nhiều người dân quan tâm hơn và chủ động tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến cuối năm 2019, BHXH huyện Lương Sơn đã vận động được thêm 318 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 114% chỉ tiêu kế hoạch năm 2019).
Năm 2020, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hội nghị tuyên truyền tập trung phải tạm hoãn, nhưng hoạt động tuyên truyền của cán bộ BHXH, Bưu điện và đại lý thu vẫn tiếp tục được duy trì qua nhiều kênh khác nhau như: Tư vấn tại nhà, qua điện thoại… Những người đang tham gia BHXH tự nguyện cũng nhận được sự hỗ trợ tối đa, không để xảy ra các trường hợp “đứt đoạn”.
"Người dân tham gia BHXH nếu không đến các điểm giao dịch, có thể gọi điện cho nhân viên Bưu điện đến tận nhà để thu tiền. Ngoài ra, Bưu điện còn thành lập bộ phận “nhắc lịch” đóng phí bảo hiểm của người dân tham gia BHXH tự nguyện…", bà Hường chia sẻ.
Bởi vậy, trong 7 tháng đầu năm 2020, toàn huyện Lương Sơn vẫn phát triển mới 419 người tham gia.
Theo bà Hường, BHXH huyện Lương Sơn xác định trong tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ giờ đến cuối năm 2020, việc vận động các đối tượng mới tham gia BHXH tự nguyện không dễ dàng.
"Chúng tôi sẽ càng đẩy mạnh tuyên truyền, sâu rộng các chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến người dân. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ gia đình, cá nhân khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện", bà Hường cho biết.