Dân Việt

Vụ sập công trình khiến 4 người tử vong ở Phú Thọ: Đơn vị thi công chịu trách nhiệm thế nào?

Nguyễn Đức 04/09/2020 09:46 GMT+7
Luật sư cho rằng, nếu thấy công trình nguy hiểm nhưng đơn vị thi công không có biện pháp đảm bảo an toàn lao động là có lỗi và có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 295 bộ Luật hình sự năm 2015.

Như Dân Việt đã đưa tin, khoảng 9h30 ngày 1/9, tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Phú Thọ ở phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì đã xảy ra một vụ sập công trình khiến 4 người tử vong.

Điều đáng nói là theo phản ánh của người dân, trước khi xảy ra vụ việc, gần đó đã xảy ra sạt lở khiến 1 người bị thương nhẹ. Người dân đã báo cáo sự việc cho đơn vị có liên quan nhưng sau đó công nhân làm việc tiếp.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đây là một vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng gây hậu quả khiến 4 công nhân tử vong bởi vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ hậu quả để xem xét trách nhiệm pháp lý cũng như vấn đề bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân theo quy định pháp luật.

Vụ sập công trình khiến 4 người tử vong ở Phú Thọ: Đơn vị thi công có bị phạt tù? - Ảnh 1.

Hiện trường xảy ra vụ sập công trình ở Phú Thọ khiến 4 người tử vong.

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì đơn vị thuê các công nhân làm việc phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động xảy ra. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng và bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ mức độ an toàn của công trình này trước khi thi công. Nếu có căn cứ cho thấy ta luy có nguy cơ sạt lở, đổ sập nhưng người quản lý lao động, đơn vị thi công không đảm bảo an toàn cho người lao động (không sử dụng các vật liệu, phương tiện để chống đỡ, không các dụng cụ phương tiện bảo hộ lao động cần thiết) dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra, nhiều người lao động thiệt mạng thì người có trách nhiệm trong vụ việc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động theo Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức phạt thấp nhất của tội danh này là 1 năm tù và cao nhất là 12 năm tù.

Theo luật sư Cường, ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ tổ chức, đơn vị có liên quan có nhận thức thấy được mức độ nguy hiểm của công trình hay không, có biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động hay không.

Nếu thấy nguy hiểm nhưng không có biện pháp đảm bảo an toàn lao động là có lỗi và có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 295 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Trong trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy việc tai nạn xảy ra là bất ngờ, không thể lường trước, không có biểu hiện nguy hiểm trước đó, việc sửa chữa, thi công công trình đảm bảo đúng quy định về an toàn lao động.

Vụ sập công trình khiến 4 người tử vong ở Phú Thọ: Đơn vị thi công có bị phạt tù? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Thiệt hại xảy ra không có lỗi của tổ chức, đơn vị thi công, của người có trách nhiệm quản lý lao động, quản lý công trình thì sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn được đặt ra để đảm bảo quyền lợi cho gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật.

Còn trường hợp có căn cứ cho thấy đơn vị sử dụng lao động đã vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến hậu quả các công nhân tử vong thì ngoài việc người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 295 Bộ luật hình sự, đơn vị sử dụng lao động còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Bao gồm: Chi phí cứu chữa trước khi chết, chi phí mai táng, cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu theo quy định của Bộ Luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm.

Mức bồi thường có thể do hai bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết trên cơ sở quy định pháp luật nêu trên.

Điều 295 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

đ) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Phạm tội có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.