Phú dừng chân trước cổng làng, ưỡn ngực hít hà cơn gió lồng lộng vừa thổi ngang qua đường làng. Ra kia là cái cổng làng. To gấp ba, bốn lần ngày xưa. Mái cong vút, gạch ngói đỏ chót! "Cổng thế mới gọi là cổng chứ", gã nhếch mép cười ra chiều khinh khỉnh điều hiển nhiên đó. Thằng trai làng hai mươi năm mới đặt chân lại lên đất Kinh Nam, bước chân không còn nuối tiếc và căm phẫn như cái ngày nó bị buộc phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn.
Gió làng lồng lộng thổi những cơn gắt gỏng. Hai bên con đường dẫn vào làng là những hàng tre được trồng rậm rạp. Tre này chắc là tre công nghiệp, chứ giống tre "còi" ngày xưa đâu có mập mạp thế này. Đường trải nhựa, thoảng lên mùi đặc trưng của máy móc. Mỗi khi gió thổi ngang qua, hương tre hoà với mùi đường tạo thành một mùi mới, không phải mùi làng cũng chẳng phải mùi phố. Chỉnh lại chiếc dây chuyền vàng to tướng đang đeo, gã chậm rãi bước đến cổng làng. "Dân làng bây giờ giàu ghê ta", gã lẩm bẩm rồi bước qua chiếc cổng làng được xây hoành tráng. Rồng hai bên, tranh thư pháp rồi hoa văn tinh xảo, bia đá to lớn có đường cong cách điệu. Dấu ấn văn hoá xưa đã được các tay thợ thuyền thời hiện đại tái hiện thật nổi bật. Bây giờ lũ trẻ mà được kể về truyền thống làng xã chắc phải tự hào lắm. Lắc đầu, gã buông thõng một câu "giả dối", rồi bước nhanh vào làng, khoát tay ra hiệu mấy đệ tử đi cùng bám theo mình.
- Thằng Phú, mày là thằng Phú đó hả? Bà cô béo mập bán tạp hoá đầu làng hét lên ngạc nhiên - Mày về đây có chuyện gì không?
- Cháu chào cô ạ. Lâu rồi không về làng chơi nên cháu thấy nhớ, muốn về thăm làng thôi ạ. Gã đưa cả hai tay ra phía trước muốn bắt, bà cô giật mình, lát sau mới rụt rè đưa tay ra.
- Bây giờ cháu làm gì? - Bà cô hỏi, giọng vẫn chưa hết e ngại.
- Cháu buôn bán thôi. Có mấy phi vụ thành công nên cháu có ít vốn, định về làng làm ăn.
Gã chào bà cô rồi bước tiếp. Gã biết, với miệng lưỡi của bà, tin gã về làng sẽ lan rất nhanh, có khi trước cả khi gã về nhà. Bà cô đó, người vẫn được gọi là Hoa "loa kèn", cũng góp một phần khiến gã phải chịu nhục, phải ra đi trong đau khổ. Tuy bà ấy không trực tiếp làm hại gã, nhưng cũng thêm mắm thêm muối, góp phần làm dân làng hiểu sai sự việc.
"Bà đó, tôi sẽ tính sau". Gã lẩm bẩm rồi tiến bước. Quần bò xám, kính đen. Dây chuyền vàng to với mặt dây là hình một khẩu súng. Áo cộc tay để lộ hình xăm hai thanh kiếm ở hai tay, còn vị thần chết phương Tây với cây lưỡi hái trứ danh đang chiễm chệ dưới lớp áo, chực nhảy ra hăm doạ kẻ dám đối diện. Mấy thứ đó cũng đủ để người làng chỉ dám hé mắt nhìn qua khe cửa sổ, không dám mở cửa chính để đối mặt với gã. Chỉ có mấy đứa trẻ con không biết sợ, chúng đứng ở cửa, tròn xoe mắt nhìn gã lạ lẫm. Gã tiến đến một đứa bé:
- Cho chú hỏi, nhà bà Dương ở đâu?
Đứa bé lắc đầu. Gã hỏi rõ to, cốt để cha mẹ lũ trẻ nghe thấy. Người đàn bà từ trong nhà chạy ra, kéo đứa trẻ vào trong.
- Cậu Phú phải không? Lâu lắm rồi không gặp cậu.
- Vâng, cháu chào cô. Cũng lâu quá rồi ạ. Cháu đi làm ăn xa, nay mới về làng được.
Thấy gã trả lời lễ phép, người phụ nữ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Thật lòng, bà không nghĩ gã chỉ về thăm làng. Tuy vậy, cho đến giờ gã vẫn không làm gì hại đến họ.
- Nhà mẹ cháu bây giờ ở đâu ạ?
- Cái đó... nó... nhà cậu... nó...
- Thôi được rồi, cô chỉ cần chỉ cho cháu chỗ của nó thôi.
- Cậu đi theo tôi.
Hai người đi trên đường làng, con đường được lát bê tông đẹp đẽ. Ngõ làng giờ cũng gần giống ngõ phố, trong làng mà cũng có ngã tư, với bốn góc đường chễm chệ quán ăn, siêu thị mini, quán cà phê và hàng quần áo. Làng mình đây sao, gã tự hỏi. Nếu chỗ này bây giờ như vậy thì nhà mẹ đã không còn. Thảo nào gã không nhận ra, vì nó hoàn toàn thay đổi.
Theo tay người phụ nữ chỉ, gã vào thẳng hàng quần áo "Diệp Hương Fashion". Đó là cái tên quen thuộc, gã không bao giờ quên cái tên này. Đó là cô gái gã từng yêu, và cũng là kẻ thù của gã. Nhà của mẹ, cũng là nhà của gã đã bị con đàn bà khốn nạn này chiếm mất. Đúng ra, chính bố mẹ con Hương ra tay vu vạ cho mẹ gã, còn con Hương, nó đã trở mặt chiếm lấy căn nhà để mở cửa hiệu như thế này đây.
Gã bước vào trong, ngắm nghía quần áo. Con bé nhân viên thấy mấy gã bặm trợn xem hàng thì tỏ thái độ cun cút, luôn miệng giới thiệu hàng cho gã. Gã chọn một chiếc áo thun in hình đầu lâu, cả hàng chỉ có chiếc đó vừa ý gã, dù là hàng kém chất lượng. Gã hỏi con bé nhân viên:
- Hương đâu rồi em? Anh là bạn nó.
- Chị chủ hôm nay đi vắng ạ.
- Vậy khi nào nó về, nhắn giùm có anh Phú đến bàn chút công chuyện.
Con bé lấy giấy ghi lại số điện thoại của gã, rồi nhất quyết không cho gã số của Diệp Hương. Gã định bắt nọn con bé, bởi nhân viên gì mà không biết số của chủ, nhưng lại thôi. Nó muốn tránh mặt gã thì cũng chỉ tránh được một lần.
Quay lại nhìn cái ngã tư hiện đại vài giây, gã quay đầu đi thẳng đến ủy ban. Đường đi nước bước gã đã tính hết. Đầu tiên là đăng ký tạm trú, kế đến là xác nhận hộ khẩu. Tiếp theo, đế chế của gã sẽ chính thức đổ bộ đến đây để tìm lại vinh quang của quá khứ. "Trước kia, mình không những không làm hại một ai, còn sống vui vẻ hòa đồng, siêng giúp đỡ làng xóm. Vậy mà bây giờ bị coi như một con quái vật ghê tởm". Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Câu châm ngôn của ông Tây nào đó gã cũng không biết, nhưng là tôn chỉ của đế chế Phú Quý gã đang làm chủ. Chẳng cần đến một tuần, góc ngã tư Kinh Nam sầm uất này đã mọc lên hiệu cầm đồ, tư vấn và hỗ trợ tài chính. Một tiệm karaoke cũng được gã dựng lên ở dãy đối diện. Chỉ cần thêm quán ở hai góc kia, gã sẽ phủ kín ngã tư. Nhìn đoàn xe chở nội thất, dụng cụ từ Hà Nội đến, gã xoa tay hài lòng, răng vẫn nghiến ken két ủ mưu sâu kế hiểm.
Nền tảng đã xong, lạ một điều gã không thể tìm được Diệp Hương. Có vẻ cô ta đã trốn đi ngay khi biết tin gã về. Cha mẹ cô ta, người mà gã cho rằng đã hại mẹ con gã, kẻ gã muốn trả thù thì cũng biệt tăm biệt tích. Sau khi biết tin đó, gã lại cười khẩy. Đời có vay có trả, dù cô ta có trốn đi đâu thì với mạng lưới trong giới xã hội, gã cũng dư sức tìm ra.
Đường làng trời mưa, con đường chính trong làng gạt hết nước về hai bên, để lại một rãnh nước đến cổ chân. Nông thôn mới đã đem lại cho làng con đường mới khang trang, bà con đi chợ thuận tiện hơn, bọn trẻ đi học cũng dễ hơn. Giá mà còn ở làng, gã cũng sẽ lấy vợ, có một hai đứa con xinh xắn. Từ khi có ngã tư, quán nước của bà Hiền bỗng ăn nên làm ra so với thời còn ở gốc đa. Cây đa bây giờ vẫn ở đó, ngày ngày cố rút ra những chất dinh dưỡng của đất, cố vươn từng sợi rễ con, rễ cháu mong trồi lên cao, ra xa để chạm tới vùng đất mới. Nhưng hỡi ôi, phía trên, bên cạnh, phía sau đều là những khối bê tông cứng chắc. Người làng vẫn nói, làm đường bê tông thì cây vẫn sống đó thôi, vả lại cây đó cũng chưa quá thọ đến mức được phong là cây di sản nên nếu nó vẫn sống thì cứ để đó.
Phú đón chén chè nóng từ tay bà Hiền, nhấp một ngụm. Vị chè ở làng vẫn thế, đượm nồng mà dịu ngọt. Có lẽ gã nhớ nhất là cái vị này mỗi khi thèm chè ngon. Chè của làng Kinh Nam có thể không phải loại chè ngon nhất, nhưng đối với gã đó là gợn sóng mà mỗi khi nhớ đến gã cảm thấy thư thái và bình yên. Bà Hiền hãm chè vẫn dùng nước giếng chứ không phải nước máy, không cần hỏi gã cũng biết là vậy. Cái quán nhỏ thó, lọt thỏm giữa mấy quán cà phê, trà sữa. Làng cũng không phải quá to, nhưng việc một quán trà sữa tồn tại được cũng là điều đáng ngạc nhiên, và ngạc nhiên hơn nữa là gã cũng thích uống trà sữa cùng tụi con nít. Chẳng ai như gã, thích cả trà "lão già" và trà "trẻ nít". Thực ra gã siêng ngồi quán bà Hiền cũng vì bà… hiền, bà không ghi lô đề như bao quán nước khác, bà không buôn chuyện như mấy mụ buôn thúng bán mẹt ngoài chợ. Chợ cũng có mấy quán nước, nhưng bán nước là phụ, ghi đề là chính. Hôm nọ ra đó để nghe ngóng, mấy bà cũng tâm sự, bán nước chỉ để cho có và che mắt, còn ghi đề thu nhập gấp mười. Gã ngứa mắt, điều quân làm vài hành động "ngầm", trong một tháng đã dẹp hoàn toàn băng thầu đề ở làng.
Đại gia, hay đại ca Phú giờ đã là người to nhất làng. Nhấp một ngụm chè bà Hiền, gã lại làm điệu bộ xoa tay. Gió mùa đông bắc đã hiu hiu thổi, như muốn kéo bay tấm bạt mong manh che trên quán nước nhỏ. Trời nóng cũng như trời lạnh, gã cũng chỉ chơi độc chiếc cộc tay đen. Người làng cũng đã quen với điều đó, và thân thiện với gã hơn trước, hay đúng hơn là kính sợ. Chỉ trong chưa đầy nửa năm, một người cũ của làng quay lại, dùng tiền để chi phối kinh tế của cả làng, lại tạo quan hệ rất nhanh với những người máu mặt và quyền thế. Không ai còn để tâm đến gã từng thế nào trước kia, chỉ biết nếu đi qua mà không chào gã thì sẽ có chuyện không hay xảy ra. Ấy là người ta đồn như thế, còn thực tế, gã chưa động đến ai nếu người đó không đắc tội với gã.
Diệp Hương vẫn chưa trở lại, đó là điều gã vẫn nghi hoặc nhất. Hai tháng trước, gã đã lệnh ngừng các cuộc tìm kiếm lại. Bởi nếu gã đã không tìm ra trong khoảng thời gian dài tức là có thế lực nào đó đủ mạnh đã che giấu cô ta. Còn thứ hai, công việc của gã ở làng đang khá thuận lợi. Gã cảm thấy, việc trở thành một thế lực ở làng cũng đủ để chứng tỏ cho họ thấy họ đã sai lầm trong quá khứ khi đuổi gã đi. Còn nguyên do chính, cửa hàng của Diệp Hương đã đóng cửa, và gã cũng đã lấy lại căn nhà đó. Lạ một điều, gian phía sau, vốn là nơi mẹ con gã từng ở chưa bị thay đổi gì. Gã cho sửa sang lại đôi chút, gian ngoài làm một văn phòng để gã giao dịch, gian trong lau dọn sạch sẽ và để nguyên đó. Như vậy, gã đã hoàn thành phần lớn mục đích khi về làng, dù việc trả thù có thể không trọn vẹn.
Vậy tại sao gã không trả thù một cách triệt để? Gã cũng thường tự hỏi chính mình như vậy. Trước khi về làng, gã chỉ nghĩ "trả thù" là làm cho mấy người hại mẹ con gã phải đau khổ, sống không bằng chết. Còn giết họ, gã cũng không dám làm điều đó. Ngay cả Diệp Hương, gã cũng cho rằng cô ta không đáng chết, cha mẹ cô ta cũng không đáng chết. Nếu mẹ còn sống chắc cũng không cho gã giết người. Nghĩ đến đó, gã đã sớm có quyết định về số phận của người làng, những kẻ thù cũ. Nhưng nhìn kìa, cái làng Kinh Nam từ khi gã về đã không còn là làng nữa. Chỉ có bọn trẻ, vốn đã mẫn cảm với lối sống tân tiến thì lại tỏ ra thần tượng gã, coi gã như người đáng học hỏi của làng. Điều này gã cũng chẳng muốn nghĩ đến, vì tâm trạng đã đang trống vắng đến chông chênh. Mục đích coi như đã đạt được, vậy bây giờ làm gì? Bỏ đi sao? Rồi cái làng này sẽ ra sao?
- Chú Phú này, chú là người có tiếng nói, hay chú thử tổ chức cái gì đó cho lũ trẻ đi.
Bà Hiền nói rất nhẹ, nhưng cũng đủ làm gã giật mình. "Vâng, để con tính". Gã bâng quơ trả lời. Việc của gã ở làng này đã kết thúc, gã sẽ dọn đi vào một ngày nào đó, để lại cho làng một tiệm cầm đồ, một hàng karaoke, một quán nhậu và một quán game. Bóng cây đa vẫn phủ xuống chén nước chè gã đang cầm, gã ngửa cổ lên uống cạn. Họng gã bỗng thấy ran rát, vì chén nước chè quá nóng. Chẳng buồn xuýt xoa, gã cao giọng xin thêm bà Hiền một cốc trà đá, rồi nói với bà: "Con cần phải làm một số việc đã, rồi con sẽ suy nghĩ điều bà gợi ý".
Gã đứng trước cổng làng, cái làng nơi chôn rau cắt rốn của gã, cũng là nơi gã bị đuổi đi, mà đúng hơn là gã tự đi. Cổng làng vẫn to đùng, vẫn hoành tráng. Đường vẫn rộng, hương lúa hai bên vẫn thoảng vào cánh mũi. Nhưng giống như quả dưa hấu để lâu, bên ngoài vẫn xanh mướt còn bên trong lại nẫu, đế chế của gã đã làm biến đổi làng, xóa đi cái đẹp của bao con người. Gã lại nghĩ về chuyện cũ. Nếu trước kia mạnh mẽ hơn thì gã đã không đi, nhưng nếu không đi thì gã đã không trở thành con người như ngày nay, mạnh mẹ hơn, trải đời hơn. Còn làng, nó đã biến dị dưới bàn tay và lòng hận thù của gã. Tốp học sinh trường làng đạp xe đi học về, thấy gã liền dừng lại, cúi gằm mặt cung kính:
- Cháu chào chú Phú ạ.
Gã bật cười:
- Mấy đứa lần sau không cần thế đâu, cứ bình thường thôi. Chú đâu phải ngáo ộp.
Bọn trẻ giương mắt lạ lẫm. Hầu hết trong số đó đều chơi chịu tiền game ở quán game của gã. Lúc đầu, gã chỉ nghĩ mình mở ở làng mấy dịch vụ giống với trên thành phố, nhưng có vẻ không ổn. Trẻ con thành phố thì nó có guồng học sẵn rồi, còn trẻ làng lại khác. Chuyện của chúng một điều bàn về game, hai điều bắn, ba điều đánh nhau trong game. Gã bỗng nhăn mặt, nếu bọn này là con mình chắc mình nổi trận lôi đình rồi.
- Chú sẽ đóng cửa hàng game.
- Thật hả chú?
- Ừ, chú xin lỗi vì làm hư các cháu. Mấy cái máy tính ở hàng chú sẽ tặng lại cho nhà văn hóa. Các cháu nên dùng máy để tra cứu hỗ trợ học tập thì tốt hơn chơi game.
Bọn trẻ lại tròn mắt ngạc nhiên. Trước mặt chúng, ông chú đầu trọc lốc, tay vằn vện đang biến thành một người giống với bố chúng ở nhà. Cũng may, lũ trẻ chưa mê game quá đến mức nghiện, dù không còn được chơi game thì chúng vẫn sống tốt và chịu học. Gã thực hiện kế hoạch rất nhanh, chỉ trong một buổi chiều tiệm game đã hoàn toàn biến mất. Tối hôm đó, nhà văn hóa đã có mười mấy chiếc máy tính. Gã sửa sang lại ngôi nhà cấp bốn cũ, treo biển, làm cổng đàng hoàng và đặt một hợp đồng internet dài hạn. Tiếp đó, gã dẹp luôn tiệm cầm đồ, quán nhậu và quán karaoke, thay vào đó bằng quán ăn bán mấy thức quà truyền thống và tiệm bán đồ thủ công. Gian nhà còn lại, gã bảo bà Hiền ngồi đó bán nước. Bà Hiền chối đây đẩy, gã phải dọa, bà mới dám vào đó ngồi. Gã sắm sửa bàn ghế, tủ kính đàng hoàng cho bà, treo biển rõ to: "Chè thơm truyền thống Kinh Nam". Xong xuôi, gã lại xoa tay hài lòng, uống một chén nước chè rồi đi.
Tối nay, nhà văn hóa của làng nhộn nhịp người và xe cộ. Cán bộ huyện xuống dự lễ khai trương thương hiệu làng văn hóa Kinh Nam. Ngã tư treo đèn kết hoa rực rỡ. Những chiếc đèn lồng do chính trẻ con trong làng làm dưới sự chỉ bảo của bà Hiền. Băng rôn nền đỏ, chữ vàng: "Vui mừng chào đón quý khách đến với làng văn hóa Kinh Nam". Hội trường chật ních người, tiếng chúc tụng, vỗ tay rào rào. Gã ngồi hàng dưới cùng, bên cạnh là chén chè nóng và cốc trà sữa. Chè thì của bà Hiền còn trà sữa thì do cái Mến, đứa cầm đầu "nhóm thanh niên Kinh Nam" trên Facebook pha chế. Gã làm một hơi hết ly trà sữa, rồi tu ừng ực chén chè nóng xuống họng. Truyền thống hay tân thời với gã cũng đều ổn, miễn là nó đem lại lợi ích cho làng. Gã dễ tính mà, làm căng được nhưng cũng dễ buông, nhất là khi mấy chục người làng đã đến trước gã cúi đầu xin lỗi. Nếu là gã ngày đó thì chưa chắc gã đã buông tha, nhưng vết hằn thời gian có lẽ đã không để lại sẹo, hoặc cái sẹo đó đã lặn và không để lại đau đớn. Cũng một phần nhờ mấy người đó mà làng mới nổi như ngày nay, khách du lịch kéo đến đông đúc. Bà Hoa "loa kèn" thì oang oang giới thiệu về lịch sử làng với khách mua hàng. Lũ trẻ, con cái của những kẻ thù năm xưa thì ra sức lan tỏa văn hóa của làng trên mạng xã hội.
Diệp Hương đứng trên bục phát biểu, đọc bài diễn văn phát động các phong trào của làng: "Thanh niên Kinh Nam thi đua học giỏi" và "Bảo tồn văn hóa Kinh Nam". Đầu bốn, cũng không còn rực rỡ như xưa, Diệp Hương bây giờ phong sương với mái tóc ngắn uốn xoăn. Khuôn mặt hằn rõ dấu vết của thời gian dù đã cố trang điểm để xóa đi. Tiệm quần áo của cô chỉ tạo thu nhập để duy trì căn nhà của mẹ con gã. Cô cũng chẳng nói với ai điều đó, chỉ biết khi gã lục lọi thì phát hiện thấy mấy chục bức thư của cô viết mà không gửi. Gã cũng không hỏi cô, vì thế là đủ để biết về con người cô. Gặp cô, gã không nói gì đến chuyện cũ, chỉ mời cô về quản lý công ty gã tạo ra để phát triển thương hiệu làng. Gã chẳng lo lắng gì, bởi lúc trước cũng điều tra ra Diệp Hương từng có thời gian làm quản lý của một doanh nghiệp nhỏ về du lịch ở Hà Nội. Buổi lễ kết thúc, Diệp Hương kéo gã vào quán bà Hiền.
- Ông chủ cứ tin ở tôi. Nhất định ông sẽ không thất vọng.
- Vẫn cái kiểu đùa cợt như hồi bé. Giao cả cho em đấy.
- Bao giờ anh đi?
- Mai đi luôn. Ở đây lâu quá rồi, chắc một thời gian nữa mới về.
- Vẫn thói ăn nói cộc lốc. Anh có gì nói thêm với em không?
- Hết rồi.
Gã bước đi, mặt không ngoảnh lại để ngắm nhìn Diệp Hương nhiều hơn, dù biết hôm nay có lẽ cô đã mặc bộ đồ đẹp nhất, trang điểm kỹ càng nhất để được nói chuyện với gã. Trên đời, có những thứ có thể làm lại, hoặc làm tốt hơn, nhưng có những điều nếu chạm vào thì ta sẽ tác động đến nó, làm thay đổi nó theo hướng ta không thể dự đoán.
"Lo gì, cô ấy là CEO của công ty mình mà, gặp lúc nào chẳng được". Gã gọi đám đệ tử, thầy trò rồng rắn về Hà Nội.